Ba ngày tết Sài Gòn đầu tiên của sinh viên năm nhất
Những ngày cận tết, sinh viên năm nhất ở lại Sài Gòn còn thấy hào hứng vì những điều mới lạ nơi thành phố. Nhưng từ khoảnh khắc giao thừa trở đi, nỗi nhớ cái tết đầm ấm nơi quê nhà lại thêm vời vợi.
Sinh viên Nguyễn Thị Hà gói bánh tét ở nhà cậu mợ. Đây là lần đầu tiên Hà xa nhà dịp Tết. |
Từ 25 Tết, Nguyễn Thị Diệu Hoài - sinh viên năm nhất khoa Lịch sử trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tất bật làm phục vụ cho một quán nước ở Q.1 từ 5h sáng đến chừng 21h được 50-70 ngàn đồng/ngày.
Sáng sớm, Hoài đi xe buýt từ nhà trọ ở quận 4 sang chỗ làm, đến tối một cô bạn chạy xe đạp qua chở Hoài về. “Lúc em đi ngang đường hoa Nguyễn Huệ, ngang những hàng quán đông người đi chơi tết, nước mắt em tự nhiên trào ra. Giờ này ở quê bố mẹ đang ngồi cắn hạt dưa, ngoài ngõ thế nào cũng có múa lân…” - Hoài nói.
Hoài kể, từ trước tết tới giờ, Hoài chưa nếm được chút hương vị ngày tết.
Ngày tết ở lại Sài Gòn, nhiều sinh viên ở xóm trọ ăn tết cùng nhau |
Anh Lê Xuân Dũng, phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh-sinh viên TP.HCM cho biết, tết Quý Tỵ 2013 có khoảng 1.000 sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố không về quê đón tết.Trung tâm đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Ban dân tộc TP.HCM hỗ trợ mỗi sinh viên một bao lì xì trị giá 200.000 đồng và quà tết. |
Tối mùng hai, cô bạn chở Hoài ghé vào đường hoa, nhưng mới đi được mấy bước, Hoài đã muốn khóc vì lẻ loi quá.
Nhớ nhà nhưng Hoài vẫn quyết định ở lại Sài Gòn, một phần vì vé tàu về Quảng Trị gần 2 triệu đồng/vé, phần vì Hoài thương em gái năm sau vào Đà Nẵng thi đại học không có tiền lo. Hoài tính như vầy: “Em ráng đi làm để đến khi đưa em gái đi thi đại học, em sẽ dẫn nó đi thăm thú các nơi. Em vào Sài Gòn cũng biết đông vui rồi, còn em em chưa đi đâu xa bao giờ…”.
Tương tự như Hoài, Võ Văn Thới - sinh viên ngành môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM - tết này cũng làm thêm cho một quán cà phê ở Bình Dương để học kì sau đóng học phí. Thới kể: “Từ trước tết em đã dọn đồ để làm xong ngủ tại quán, không về kí túc xá vì ở đó quá 23h không được ra vô”. Thới làm cả 3 ca/ngày tới tận khuya, một ca được 40.000 đồng. “Mấy ngày tết, quán đông khách nên em làm xong mệt quá lăn ra ngủ, khỏi buồn, khỏi nhớ nhà” - Thới nói vẻ đùa vui nhưng gương mặt buồn hiu.
May mắn hơn Hoài, hơn Thới, Nguyễn Thị Minh Loan - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM còn có mấy người bạn chung dãy phòng trọ làng ĐH Thủ Đức đón tết cùng. Cô bạn cũng đi phụ bán quần áo từ 24 tết.
Loan nói: “Tụi em rủ nhau đi chợ mua đồ ăn, kho thịt trứng rồi đón giao thừa. Mùng một mấy bạn ngồi an ủi nhau, kể chuyện tết ở quê, chuyện hồi học phổ thông cho đỡ nhớ nhà. Đứa nào chảy nước mắt bị chọc mít ướt”.
Riêng Nguyễn Thị Hà - khoa Triết học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, do có cậu mợ ở TP.HCM nên tết này tuy xa nhà nhưng Hà cũng đỡ buồn. Hà nói: “Tết em nhớ nhất những lúc đi chúc tết ở quê Nghệ An. Mấy chị em mặc đồ đẹp kéo nhau đi từng nhà, được nhận bao lì xì vui lắm”. Năm nay đón tết thành phố, Hà cùng với cô chú gói bánh tét, đi chợ mua sắm thực phẩm dự trữ.
Hà khoe: “Tết này em được đi với cậu mợ ra đường hoa Nguyễn Huệ chụp hình. Rồi từ mùng một Tết, em sẽ ra bán vé cho Khu du lịch Suối Tiên đến mùng bảy Tết”.
Theo Tuổi Trẻ