Những ngày gần đây, các cơ quan tố tụng ở Cà Mau tỏ ra lúng túng trước việc xử lý đơn yêu cầu bồi thường oan sai của 3 người đàn ông ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi. Họ là Quách Văn Hữu (53 tuổi) và Quách Hữu Sự (57 tuổi) và Nguyễn Văn Hùng (59 tuổi), cùng bị Công an Đầm Dơi khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Trộm cắp tài sản vào tháng 3/1983.
Ông Sự kể chuyện bị cùm chân suốt 2 năm. Ảnh: Việt Tường. |
Trò chuyện với Zing.vn, ông Sự cho biết khoảng 19h ngày 5/3/1983, khi ông đi giăng câu vừa về đến nhà thì 3 cán bộ của Công an huyện Đầm Dơi xuất hiện. Họ cho rằng ông cùng hai người họ hàng là Hữu và Hùng trộm máy tuốt lúa của láng giềng nên đưa về trụ sở.
"Lúc đưa xuống xuồng, tôi bị mấy ông công an trói và bịt mắt. Đến công an huyện được ăn tô cơm với nước lạnh, sáng hôm sau làm việc thì cán bộ điều tra khẳng định tôi ăn trộm. Tôi nói không biết gì vì không có trộm cái gì của người ta nhưng bị đánh, cùm chân, 2 ngày mới được tháo cùm để đi vệ sinh một lần", ông Sự kể.
Tương tự, ông Hùng và ông Hữu kể rằng họ bị cán bộ điều tra ép cung nhưng hai người này khẳng định không trộm cắp. Ba người bị bắt cùng ngày và không được gặp người thân trong 2 năm 12 ngày bị giam giữ. Ba nghi can được tại ngoại ngày 17/3/1985 khi có lệnh tạm tha do ông Nguyễn Thành Công (lúc đó là phó công an huyện) ký.
"Lúc ra trại ba anh em tôi người nào cũng bị ghẻ, phù thủng. Khi về nhà thì nghe có 9 người bị công an bắt trong vụ tôi bị vu oan", ông Sự chia sẻ.
Lệnh tạm tha được ông Sự cất giữ trên 30 năm. Ảnh: Việt Tường. |
Từ ngày được tha về đến nay, gần 35 năm qua họ không nhận thêm giấy tờ nào từ Công an Đầm Dơi. Theo lệnh tạm tha thì "vụ án chưa gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng trong khi chờ kết thúc điều tra và quyết định di lý thì "khi nào có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, giờ theo quy định".
Chờ mãi không thấy các cơ quan tố tụng xử lý tiếp vụ việc, dù mang phận bị can nhưng ông Sự đã đăng ký nhập ngũ và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia đến năm 1988. Hiện, ông Sự là hội viên Hội cựu Chiến binh xã Tân Duyệt.
Đối với ông Hữu, sau khi được tại ngoại thì bị can này cưới vợ nhưng không có con. Công việc hiện tại là làm thuê, nhặt ve chai và tinh thần không được minh mẫn như hai người khác.
"Sau khi từ nhà giam về nhà, anh Hữu giảm sút sức khỏe và tinh thần. Có lúc nhắc lại chuyện cũ, anh ấy ôm mặt khóc", một láng giềng nói.
Còn ông Hùng, cũng buồn vì chuyện được cho là bị bắt oan, ông rời quê Đầm Dơi của vợ để lên TP.HCM làm thuê kiếm sống với đủ thứ nghề. Hiện, ông Hùng làm thợ hồ, sức khỏe yếu nên một tuần chỉ đi làm 2-3 ngày.
"Hồi đó anh em tôi bị bắt oan khiến gia đình nội, ngoại đều bị tủi nhục, không dám ra đường. Vậy mà trên 30 năm nay chúng tôi không nhận được một lời xin lỗi", ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng hiện làm phụ hồ ở TP.HCM. Ảnh: CTV. |
Trao đổi với Zing.vn, đại tá Phạm Thành Sỹ, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết đã chỉ đạo Công an huyện Đầm Dơi phối hợp với viện kiểm sát cùng cấp truy lục hồ sơ nhưng chưa có kết quả. Theo ông Sỹ, nếu bắt oan người vô tội thì xin lỗi và là việc nên làm để đảm bảo quyền lợi của công dân.
"Chưa truy lục được hồ sơ nên họ có tội hay không mình cũng chưa biết. Luật pháp ngày xưa, có khi nghi vấn thì bắt giam và khi xét thấy không cần truy tố thì thả ra. Mấy chục năm trước thủ tục không bắt buộc phải chặt chẽ như bây giờ vì Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa ra đời. Bây giờ mà nói thế hệ trước làm sai thì cũng chưa chắc lắm", người đứng đầu Công an Cà Mau chia sẻ.
Xã Tân Duyệt (màu đỏ) ở Cà Mau. Ảnh: Google Maps. |