Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xin lỗi oan sai thế nào cho phải?

Làm oan, làm sai thì phải xin lỗi nhưng xin lỗi thế nào cho đúng để người bị oan cảm thấy hài lòng, cảm thấy được an ủi?

Ngày 3/12, ba cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận là công an, viện kiểm sát và tòa án đã tổ chức xin lỗi công khai “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến khác nhau của các cơ quan chức năng và các chuyên gia về vấn đề đang được quan tâm nà

* Đại tá Đoàn Tất Kỉnh  (Phó chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an):

Xin lỗi cần phải thực tâm

Tôi theo dõi thấy rằng buổi tổ chức xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén được chuẩn bị chu đáo, từ sự có mặt của lãnh đạo ba cơ quan tố tụng đến lời xin lỗi rất chân thành, cầu thị và thực tế ông Nén cảm thấy hài lòng với phần xin lỗi đó.

Có ý kiến rằng người trực tiếp gây ra oan sai có nên có mặt trong buổi xin lỗi hay không, tôi nghĩ đây là vấn đề rất phức tạp về mặt an ninh. Bản chất những vụ án oan sai gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng, người dân bức xúc quá xông vào đánh người thì sao?

Người dân đến chật kín hội trường, đứng tràn ra hành lang trong buổi xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén.
Người dân đến chật kín hội trường, đứng tràn ra hành lang trong buổi xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén.

Tương tự, trong buổi xin lỗi không phải ai cũng đủ khả năng kiềm chế sự tức giận của mình, vậy nên nếu người tham gia tố tụng gây oan sai có mặt tại buổi xin lỗi sẽ cực kỳ phức tạp cho cơ quan tổ chức xin lỗi và có thể sự trang trọng, cầu thị của buổi xin lỗi sẽ bị ảnh hưởng bởi những tình huống không thể lường hết được.

* Ông Trần Việt Hưng  (Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp):

Làm theo luật

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai đối với một số trường hợp bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo đó, TAND tỉnh Bình Thuận phải thực hiện tổ chức xin lỗi công khai là đúng quy định.

Các cá nhân làm sai gây ra oan sẽ được xem xét để xác định việc làm sai do lỗi cố ý hay vô ý để làm căn cứ xác định trách nhiệm hoàn trả, sau khi Nhà nước thực hiện giải quyết và chi trả xong tiền bồi thường cho người bị thiệt hại.

Về tổ chức xin lỗi công khai người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành trong hoạt động tố tụng hình sự chỉ quy định cơ bản về thành phần, hình thức xin lỗi công khai (tổ chức xin lỗi công khai tại nơi cư trú, đăng báo trung ương và địa phương để xin lỗi), không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục của việc tổ chức xin lỗi công khai.

Vì vậy trên thực tế mỗi buổi xin lỗi lại được thực hiện theo các thủ tục, cách thức khác nhau.

* Bà Ung Thị Xuân Hương (Chánh án TAND TP HCM):

Nếu người gây ra oan sai có mặt thì tốt

Tôi cho rằng người trực tiếp gây ra oan sai cho người dân có mặt trong buổi xin lỗi hoặc xin lỗi trực tiếp thì tốt, còn nếu không thể có mặt được cũng không sao.

Cũng không nên bắt buộc họ phải có mặt, bởi khi họ tham gia quá trình tố tụng là thực hiện công vụ Nhà nước giao, đó là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của cá nhân. Bởi vậy khi họ làm sai thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải đứng ra xin lỗi.

Việc có mặt của người trực tiếp gây ra oan sai tại buổi xin lỗi thì rất tốt nhưng không nên quy định vào luật, không nên ép buộc, bởi cũng có những người do lỗi vô ý chứ không phải cố ý.

* Ông Đoàn Tạ Cửu Long (Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM):

Cơ quan nhà nước xin lỗi có ý nghĩa hơn

Hiện nay luật quy định việc xin lỗi oan sai là các cơ quan tố tụng và người lãnh đạo các cơ quan tố tụng đó đứng ra xin lỗi là họ thay mặt Nhà nước xin lỗi người bị oan.

Việc đó có ý nghĩa rằng Nhà nước làm sai thì Nhà nước phải xin lỗi và bồi thường, điều đó có ý nghĩa hơn nhiều so với việc buộc người gây oan sai đứng ra xin lỗi.

Thậm chí để xác định oan sai phải mất rất nhiều thời gian, những người trực tiếp gây oan sai có thể đã chuyển công tác khác, đã nghỉ hưu, thậm chí không còn... thì việc yêu cầu người ta đến tham gia buổi xin lỗi là không khả thi, bởi vậy không cần thiết phải quy định vào luật.

* Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao):

Lính làm oan, thủ trưởng xin lỗi

Tôi cho rằng xảy ra việc oan sai thì đại diện các cơ quan tư pháp, ở đây là thủ trưởng các cơ quan này, đến xin lỗi là rất đúng cả về mặt pháp lý lẫn tình cảm.

Nếu so sánh giữa lời xin lỗi của thủ trưởng cơ quan tư pháp với người trực tiếp gây oan sai thì tôi cho rằng lời xin lỗi của thủ trưởng các cơ quan đó là đúng, bởi lời xin lỗi đó còn là lời khẳng định của các cơ quan tố tụng về những bước tiếp theo của quá trình bồi thường oan sai hoặc xem xét trách nhiệm của những người liên quan.

Việc yêu cầu người gây oan sai đến buổi xin lỗi, theo tôi, là không cần thiết vì lý do an ninh đối với sự bức xúc chung của dư luận.

Tôi nói ví dụ vụ ông Huỳnh Văn Nén, nếu điều tra viên Cao Văn Hùng xuất hiện thì chẳng có gì đảm bảo rằng việc này không gây nguy hiểm cho ông ấy, rồi buổi xin lỗi mất đi ý nghĩa.

Bởi bằng những thông tin ông Nén cung cấp rằng ông Nén bị điều tra viên đánh, nếu điều tra viên đến đây, chẳng lấy gì đảm bảo rằng những người thân của ông Nén không bức xúc. Hậu quả xảy ra thế nào thì cũng có thể dự đoán.

Hơn nữa, ở khía cạnh nhân văn, những vụ làm oan (lỗi cố ý chẳng hạn) mà không vì mục đích tư lợi, chỉ đơn giản bởi thành tích cá nhân hoặc giải quyết các vấn đề bức xúc cho các bị hại (cố gắng tìm ra thủ phạm) thì việc buộc người ta đến buổi xin lỗi thật sự là không nhân văn.

Thậm chí đối với trách nhiệm một số người tham gia tố tụng thì cái sai này chỉ là tai nạn nghề nghiệp chứ không phải cố ý tư lợi, thù tức cá nhân.

* Ông Đặng Ngọc Dinh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng):

Luật đã quy định người gây oan sai phải bồi thường

Người dân cả nước qua các phương tiện truyền thông đã chứng kiến đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai ông Nén.

Ở đây là quan hệ giữa cơ quan công quyền và công dân, cơ quan nào làm sai, làm oan thì phải xin lỗi và khôi phục danh dự cho công dân.

Những người đứng ra đọc lời xin lỗi hiện nay có thể không phải là những người trực tiếp làm sai, làm oan trước đây, họ chỉ đại diện cơ quan công quyền thực thi công vụ của mình.

Về mặt tình cảm, chúng ta muốn rằng chính những người làm sai, làm oan trước đây (những người đã trực tiếp tham gia tố tụng) phải đứng ra xin lỗi, nhưng về lý và theo quy định pháp luật thì đây là mối quan hệ giữa cơ quan công quyền với công dân, trước hết cơ quan công quyền phải tổ chức xin lỗi.

Hơn nữa ở giai đoạn này, trách nhiệm của những người đã trực tiếp tham gia tố tụng trong hai vụ án liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén chưa được làm rõ theo quy định pháp luật.

Tôi nói ví dụ như trách nhiệm của cấp có thẩm quyền chỉ đạo vụ án đến đâu, trách nhiệm của điều tra viên ra sao, trách nhiệm của kiểm soát viên như thế nào? Khi những vấn đề này chưa được làm rõ thì khó bắt buộc ai đó đứng ra xin lỗi ngoại trừ tòa án lương tâm.

Tất nhiên không phải xin lỗi là xong. Tới đây cần sớm xem xét trách nhiệm của những cá nhân, tập thể đã để xảy ra khởi tố, điều tra, truy tố, kết án oan đối với ông Huỳnh Văn Nén theo đúng quy định. Xem xét và xử lý nghiêm túc để ánh sáng công lý soi rọi vào những góc khuất của vụ án này.

Việc quan trọng tiếp theo là tiến hành các bước theo trình tự do pháp luật quy định, ngay sau khi ông Nén có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại để sớm bồi thường thiệt hại cho ông.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một đại biểu đã phản ảnh Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước dành hẳn một chương quy định trách nhiệm hoàn trả do oan sai gây ra.

Theo đó, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại phải hoàn trả ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Nhưng sáu năm qua chưa thấy cơ quan nào gây ra oan sai tổ chức thi hành nghiêm túc quy định này.

Ví dụ năm 2015, các bộ, ngành, địa phương thụ lý, giải quyết xong 42/94 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường gần 16,5 tỷ đồng, hoàn toàn không nói gì đến trách nhiệm bồi hoàn của người thi hành công vụ.

Đây là tình trạng không chấp hành nghiêm pháp luật, diễn ra trong thời gian dài của các cơ quan nhà nước, không ai khác chính là người trực tiếp và người đứng đầu các cơ quan nhà nước đã gây ra oan sai cho nhân dân.

Không thể để tình trạng này tiếp tục kéo dài, đã đến lúc phải thực thi nghiêm túc quy định: người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại phải hoàn trả ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Nếu tôi là lãnh đạo TAND tỉnh Bình Thuận, sau khi buổi xin lỗi công khai kết thúc tôi sẽ ngồi lại với gia đình ông Nén để chia sẻ thêm. Việc ngồi lại chia sẻ với nhau tại nhà, tại trụ sở... thì pháp luật không có quy định, nhưng là điều nên làm để xoa dịu nỗi khổ mà người bị oan sai phải chịu

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội)


http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20151206/xin-loi-oan-sai-the-nao-cho-phai/1015672.html

Hoàng Điệp - Tâm Lụa - V.V.Thành/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm