Chú rể lo ngại về những trò đùa náo hôn. Do đó, bà nội anh đã đứng ra làm người bảo vệ cặp uyên ương.
Bố chú rể đã ghi hình lại khoảnh khắc này bởi cho rằng đây là kỷ niệm rất đáng nhớ. Video sau đó nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, theo SCMP.
Người bà cầm gậy gỗ, đi đằng trước cô dâu và chú rể. Ảnh: Douyin. |
“Nhiều thanh niên ở địa phương chúng tôi thích thực hiện hủ tục náo hôn, điều mà gia đình chúng tôi không đồng tình”, bố chú rể chia sẻ.
Ông nói thêm: “Khi thấy vài người có ý định bày trò, bà nội chú rể đã rất giận dữ và cầm gậy hộ tống hai vợ chồng từ nhà gái về nhà trai”.
Trong video, cụ bà vừa đi đằng trước cô dâu và chú rể, vừa nói lớn rằng: “Nếu ai dám động vào cháu tôi, tôi sẽ dùng gậy này để đánh!”.
“Mẹ tôi rất quan tâm đến cháu trai mình. Bà nói rằng ‘Con còn trẻ, không nên làm phật lòng mọi người khi lên tiếng cấm họ làm theo hủ tục truyền thống. Nhưng mẹ đã hơn 70 tuổi rồi, mẹ đâu cần quan tâm đến họ’”, bố chú rể kể lại.
Nhờ sự hộ tống của bà nội, đôi uyên ương đã về nhà trai và hoàn thành hôn lễ mà không gặp phải bất kỳ sự cố nào. Nhiều người khen ngợi hành động của cụ bà và cho rằng đã đến lúc chấm dứt hủ tục náo hôn.
Náo hôn (naohun) là tục lệ xuất hiện từ thời nhà Hán và tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm nay. Theo tục này, những khách bên nhà trai sẽ khuấy động hôn lễ bằng cách trêu chọc cô dâu, chú rể và cả các phù dâu.
Năm 2016, một chú rể bị trói vào cây và dọa đốt pháo hoa. Ảnh: Weibo. |
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tục náo hôn bị biến tướng và không còn phù hợp, gây nên nỗi ám ảnh cho không ít cô dâu trong ngày đám cưới, theo What's On Weibo.
Theo một cuộc khảo sát của Xinlang Entertainment, hơn 78% cư dân mạng Trung Quốc cho rằng trêu chọc cô dâu trong đám cưới là không tôn trọng phụ nữ. CCTV cho biết tục náo hôn không còn phù hợp và có 70% người dân Trung Quốc thấy xấu hổ với tục lệ này.
Năm 2018, một chú rể họ Xia trở thành người tàn tật do hậu quả từ trò đùa trong đám cưới. Anh mất thăng bằng và ngã xuống trong khi tay, chân bị trói chặt.
Năm 2021, một chú rể bị các khách mời trói vào gốc cây và quất roi. Anh càng hét lớn, họ càng phấn khích vì cho rằng đó là điều may mắn cho cặp vợ chồng mới cưới.
Hu Guangwei, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, cho rằng những trò "náo hôn" là thiếu văn minh, "là sự xúc phạm đối với cô dâu, chú rể".
"Một số cô dâu, chú rể có thể tỏ ra vui vẻ trong một số trường hợp, nhưng có thể bản thân họ bị ép buộc bởi đám đông. Nếu trò đùa này gây thương tích, người tham gia có thể bị buộc tội", Hu nói.