Tháng 4, khi chính quyền Thượng Hải yêu cầu 26 triệu cư dân thành phố ở nhà nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh, một người phụ nữ được phát hiện sống bên trong bốt điện thoại cùng chó cưng, theo VICE.
Một cư dân ở tòa chung cư bên kia đường đã ghi lại điều kiện sống tồi tàn của bà và đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc.
Điều kiện sống tồi tàn của người phụ nữ được chụp ảnh lại bởi một cư dân ở tòa chung cư bên đường. Ảnh: @PillarVonSen. |
Bài đăng sớm tạo nên làn sóng phẫn nộ, với nhiều bình luận cho rằng thành phố đã bỏ quên, đối xử tệ với những người không có chốn nương thân.
Đối với nhiều người dân Thượng Hải, cuộc sống khó khăn của người phụ nữ trung niên này càng khiến họ cảm thấy chán nản, thất vọng với đợt phong tỏa mới nhất này.
Nó cũng nhấn mạnh sự bất bình đẳng kinh tế vốn ăn sâu trong xã hội, chỉ bị bộc lộ bởi cách phản ứng đại dịch của thành phố.
Theo Esquire China, người phụ nữ này nằm trong số những người lao động nhập cư không thể tìm được việc làm khi thành phố ngừng hoạt động.
Do không có tiền thuê trọ, bà đành sống trong bốt điện thoại, trong khi một số khác ngủ ở bãi gửi xe, dưới gầm cầu hoặc ở những chiếc lều dựng tạm bợ trên vỉa hè.
“Nhiều người lao động nhập cư không đủ tiền để trang trải cuộc sống. Họ phải phụ thuộc vào người sử dụng lao động để được cung cấp chỗ ăn ngủ. Bởi vậy, khi hầu hết nhà máy và cửa hàng đóng cửa, họ phải tự lo cho mình”, Pun Ngai, giáo sư tại Đại học Lingnan của Hong Kong, người nghiên cứu về lao động Trung Quốc, nói với VICE.
Trong cuộc phỏng vấn với China Youth Daily vào ngày 3/5, người phụ nữ cho biết thực chất, bà sống ở bốt điện thoại từ tháng 1, cho đến khi các sĩ quan cảnh sát xuất hiện vào ngày 29/4.
Nhân viên y tế yêu cầu người phụ nữ rời đi. Ảnh: @PillarVonSen. |
Họ yêu cầu bà rời khỏi nơi trú ẩn hiện có, đồng thời dán băng dính niêm phong bốt điện thoại. Bà đành ôm chú chó, đi chân trần và biến mất trong màn mưa. Theo China Youth Daily, bà đã từ chối lời đề nghị cung cấp chỗ ở của chính quyền và mong muốn được sống một mình.
Một số khác không có khả năng được lựa chọn như vậy. Zhang, một người lao động nhập cư 31 tuổi, sống trên đường phố nhiều tuần kể từ khi Thượng Hải đóng cửa đột ngột hồi đầu tháng 4.
Công trường, nơi anh làm việc, đã đóng cửa. Zhang cũng không thể trở về quê ở tỉnh Hà Nam. Anh đành ngủ tạm ngoài đường, từng dành 2 đêm tại chợ truyền thống.
Anh sống sót nhờ mì cốc ăn liền cho đến khi được ăn miếng cơm đầu tiên tại nơi trú ẩn của chính quyền vào ngày 3/5.
Hiện, trong khu nhà chung có cổng bao quanh và được bảo vệ bởi các nhân viên mặc đồ bảo hộ, Zhang không được phép rời đi.
"Tôi không muốn ở đây. Tôi muốn làm việc", Zhang nói với VICE.