Trước giờ ăn trưa, thực khách đã xếp thành hàng dọc và trải dài con phố. Họ ngó nghiêng qua khung cửa sổ, xem rằng hôm nay quán phục vụ những món gì, theo New York Times.
Đây không phải quán ăn chuẩn Michelin mới nhất, hay một cửa hàng có không gian bắt mắt, phục vụ nhu cầu sống ảo ở Hong Kong (Trung Quốc).
Nó chỉ là quán cơm bụi khiêm tốn, phục vụ một suất cơm trắng và 2 món chính tùy chọn, được nấu sẵn nhằm phục vụ khách mang đi. Mức giá chỉ khoảng 4 USD/suất.
Người dân xếp hàng trước một tiệm cơm bụi ở khu Sham Shui Po hồi tháng 2. |
Những nhà hàng phục vụ bữa cơm đơn giản này đang trở thành mốt ẩm thực bất ngờ tại Hong Kong, dẫn đến sự bùng nổ của các nhà cung cấp, blogger ẩm thực và thậm chí là nhóm hâm mộ trên mạng xã hội gồm 77.000 thành viên.
Các món ăn vốn không có gì đáng để tâm, đều chỉ là ẩm thực Quảng Đông thông thường, như trứng sốt cà chua, thịt lợn xào chua ngọt hay thịt bò kho với củ cải.
Thực khách gọi món theo kiểu trong căng-tin, bằng cách chỉ tay vào loại thức ăn mình muốn hoặc nói lớn với nhân viên. Ngay cả tên của những tiệm cơm bụi này cũng rất ngắn gọn: “1 cơm 2 món”.
Tuy nhiên, chính sự đơn giản này chính là điểm mấu chốt.
Nhu cầu tăng vọt
Tại thành phố phải hứng chịu 2 năm liên tiếp biến động chính trị, suy thoái kinh tế và những đợt giãn cách xã hội dường như vô tận, những quán cơm bụi trở thành cứu cánh của người dân Hong Kong.
Những suất cơm được đóng hộp sẵn. |
Đối với các chủ nhà hàng đang gặp khó khăn, mô hình kinh doanh này bỗng trở thành nguồn thu hiếm hoi với nhu cầu tăng vọt.
Đối với thực khách, hộp cơm bụi rất rẻ, tiện lợi và mang lại hương vị ẩm thực nhà làm của người Hoa.
Hiện thành phố có ít nhất 353 cơ sở kinh doanh “1 cơm 2 món”. Không có cuộc điều tra chính thức nào về số lượng quán trước đây. Song, các học giả ẩm thực Hong Kong và thực khách đồng ý rằng con số 353 ít hơn nhiều so với thời trước đại dịch.
“Có thể chắc chắn một điều rằng khi bước vào những quán cơm kiểu này, bạn sẽ chẳng lo gọi phải món không ngon”, Kitty Ho, một y tá đang ăn trưa với bạn trai của mình là Jack Fung, một nhân viên IT ở khu North Point, chia sẻ.
Ho và Fung, đều ở độ tuổi 20, cho biết họ bắt đầu ăn cơm bụi vài lần/tuần trong vài tháng gần đây, đặc biệt kể từ khi Ho tìm thấy nhóm người hâm mộ cơm bụi trên mạng xã hội.
Hơn 20 món ăn được bày biện theo kiểu buffet trong một dãy khay xếp theo hình chữ L. |
Địa điểm ăn trưa mà cặp đôi chọn ngày hôm đó là quán Kai Kee - nơi có tường, đũa nhựa và ghế đều màu xanh chanh. Dù không bật nhạc, quán cũng đủ ồn ào với tiếng thúc giục của những nhân viên bếp đang hối hả.
Hơn 20 món ăn được bày biện theo kiểu buffet trong một dãy khay xếp theo hình chữ L. Cứ mỗi 2 món chính tùy chọn có giá 32 HKD (4 USD) và chỉ nhận thanh toán tiền mặt. Kể từ món thứ 3, khách sẽ trả thêm 1 USD/món.
Tất cả món ăn đều có màu sắc rực rỡ và có thể nhìn rõ qua khung cửa sổ lớn, thu hút nhiều người qua đường.
Ẩm thực bình dân
Những quán cơm bụi vốn tồn tại từ lâu ở Hong Kong. Tuy nhiên, chúng thường bị coi thường, cho là khu vực của sinh viên nghèo và tầng lớp lao động chân tay.
“Nó được coi là ẩm thực bình dân, dành cho những người có thu nhập thấp”, Siu Yan Ho, giảng viên nghiên cứu về văn hóa ẩm thực của thành phố tại Đại học Baptist Hong Kong, cho biết.
Rồi đại dịch ập đến, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Những nhà hàng nổi tiếng thế giới tại Hong Kong trở nên ảm đạm. Lệnh cấm ăn uống sau 18h kéo dài suốt gần 4 tháng và chỉ mới gỡ bỏ vào cuối tháng trước. Thế nhưng, người dân vẫn không được tụ tập quá 4 người trong một bàn ăn.
Ở thành phố nơi thực phẩm đắt đỏ và những căn hộ nhỏ thậm chí không có bếp, nhiều người Hong Kong cũng không nấu nướng. Do đó, số lượng và cả kiểu người cần một bữa ăn vừa rẻ, vừa đầy đủ đã tăng lên đáng kể.
Nhiều cửa hàng chuyển sang mô hình bán cơm bụi do nhu cầu tăng đột biến. |
Ngay lập tức, các chủ doanh nghiệp liên quan đến ẩm thực liền đáp ứng nhu cầu này, từ các quán cha chaan teng, mô hình quán ăn nhanh truyền thống ở Hong Kong cho đến nhà hàng hải sản, quán cà phê hay chuỗi bán xúc xích.
“Chúng tôi phục vụ nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên, người già và cả lao công”, Wong Chi-wai, chủ chuỗi quán cơm bụi Kai Kee, chia sẻ. Ông thường bán 1.000 suất ăn/ngày tại mỗi cơ sở trên tổng số 6 chi nhánh của mình.
Để cạnh tranh, một số cửa hàng còn cung cấp món cá hoặc tôm hùm hấp nguyên con với giá thêm vài USD. Một số khác tặng canh miễn phí. Thậm chí, một quán ở khu Yau Ma Tei cho ra mắt suất cơm gồm gà truffle, gạo đỏ và hạt quinoa để thu hút khách hàng trẻ tuổi.
Tuy nhiên, ngay cả khách hàng tận tâm nhất cũng không ảo tưởng rằng đây là một bữa thịnh soạn.
“Tôi không có quá nhiều yêu cầu. Chỉ cần suất cơm không quá tệ và có thể ăn được là đủ”, Kelvin Tam (60 tuổi), một khách hàng chọn món cá viên cà ri và thịt bò xào tỏi tây, nói.
Thoái trào
Trên mạng xã hội, hàng chục người đăng ảnh chụp hộp cơm trưa của họ hàng ngày, kèm theo chú thích như “Món sườn heo ở quán cơm trong khu Prince Edward nguội quá”, hay “Nhân viên quán ở khu Tai Kok Tsui rất thân thiện”. Một số khác đánh giá như nhà phê bình ẩm thực sành sỏi.
Selina Ching Chan, giáo sư tại Đại học Shue Yan (Hong Kong), người nghiên cứu về văn hóa ẩm thực của thành phố, cho biết các hội nhóm online này đã nhấn mạnh tầm quan trọng mới của những bữa cơm bụi trong thời kỳ đại dịch.
Các nhà hàng ở Hong Kong đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế Covid-19. |
Thực khách đang bày tỏ sự cảm kích của họ với một thứ vốn trở thành “hàng hóa đại trà”. Và những cuộc trò chuyện trở nên bao quát hơn.
“Nó rất khác với những nhà hàng sở hữu sao Michelin và các chuyên gia ẩm thực - nơi chủ yếu làm nổi bật sự khác biệt của mỗi địa điểm. Tại đây, chúng tôi rộng mở với những điều khác biệt”, bà nói.
Tương tự mọi trào lưu ăn uống khác, xu hướng “cơm bụi” này có thể kết thúc. Hoặc thậm chí, nó đang ở ngưỡng thoái trào.
Vào ngày lệnh cấm ăn uống sau 18h được gỡ bỏ, Andrew Wong, người sáng lập nhóm chia sẻ đam mê cơm bụi, viết rằng: “Lễ hội cơm bụi Hong Kong đã chính thức kết thúc”.
Ở phần bình luận, nhiều thành viên chia sẻ sự vui mừng của họ khi cuối cùng cũng được tụ tập ở hàng quán với bạn bè.