Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều 23/7, TAND TP.HCM bác đơn khởi kiện của ông Huỳnh Hữu Thông (tên gọi khác là Huynh Tom Vu, quốc tịch Mỹ) trong vụ kiện Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bị đơn là Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam - chủ sở hữu của Bệnh viện Mắt Sài Gòn.
Mổ đục thủy tinh thể, mắt gần bị mù
Theo đơn khởi kiện, năm 2009, do mắt bị mờ nên ông Thông đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn khám và được chẩn đoán bị đục thủy tinh thể. Ngày 5/6/2009, ông nhập viện và được bác sĩ Trần Phạm Duy phẫu thuật theo phương pháp Phaco.
Ông Thông xuất viện ngay trong ngày và được bệnh viện thông báo tới ngày 12/6/2009 đến tái khám. Tuy nhiên, sau đó ông thấy mắt có dấu hiệu bất thường nên đã tới Bệnh viện Mắt TP.HCM (quận 3) khám.
Tại đây, ông Thông được kết luận mắt phải bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc và sẽ bị mù vĩnh viễn nếu không được điều trị sớm. Sau đó, nguyên đơn quay về Mỹ, tới bệnh viện San Francisco General điều trị với chi phí là 50.000 USD.
Thời gian sau, ông Thông trở lại Việt Nam yêu cầu bệnh viện bồi thường 85.000 USD (bao gồm tiền điều trị và thiệt hại trong quá trình điều trị, người nuôi bệnh). Tuy nhiên, Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam không đồng ý nên ông làm đơn khởi kiện ra tòa.
Tại phiên sơ thẩm lần 1 vào tháng 4/2014, TAND TP.HCM đã bác yêu cầu đòi bồi thường của ông Thông vì cho rằng không có căn cứ nói bác sĩ có lỗi. Việc ông Thông tự ý đi điều trị ở bệnh viện khác nên có thể dẫn đến mắt ông bị tổn thương…
Không đồng ý với bản án sơ thẩm nên ông Thông đã kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm tháng 1/2015, nguyên đơn rút một phần kháng cáo, chỉ yêu cầu bồi thường số tiền điều trị hơn 46.000 USD. TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử, buộc Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam phải bồi thường cho ông Thông số tiền hơn 46.000 USD.
Sau phán quyết này, Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam đề nghị xem xét lại Bản án dân sự phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tháng 3/2016, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Đòi 53.000 USD
Tại phiên sơ thẩm lần 2 này, do đang ở Mỹ nên ông Thông ủy quyền cho người đại diện tới tham dự phiên tòa.
Đại diện Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam đề nghị hỗ trợ cho ông Thông số tiền 8.500 USD. Tuy nhiên, đại diện nguyên đơn đã không đồng ý.
Nguyên đơn cho rằng sau lần khám cuối cùng vào ngày 20/6/2009, phía Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam không hẹn tái khám. Trong khi trước đó, ngày 12/6/2009, Bệnh viện mắt TP.HCM lại khuyên ông Thông về Mỹ điều trị sớm nếu không sẽ bị mù.
Theo đại diện ông Thông, phía bệnh viện có nói ông Thông cứ điều trị rồi mang hóa đơn về, Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam sẽ thanh toán chi phí.
Phản bác lại trình bày của phía nguyên đơn, đại diện Công ty TNHH Bệnh viện Thái Thành Nam cho hay, phía bệnh viện không hề nói ông Thông điều trị rồi mang hóa đơn về thanh toán mà 10 tháng sau tự ông Thông quay lại đòi bồi thường.
Tại phiên tòa, phía bị đơn đưa ra 24 hóa đơn với tổng chi phí yêu cầu bồi thường là 53.000 USD.
Người đại diện cho ông Huỳnh Hữu Thông tại tòa. Ảnh: Đ.N. |
Căn cứ vào kết luận của hội đồng giám định, HĐXX cho rằng sau phẫu thuật, mắt ông Thông bị biến chứng phù giác mạc và biến chứng này có thể chữa trị được nhưng ông Thông không điều trị tại Việt Nam mà tự ý bỏ về Mỹ để thay giác mạc.
Việc ông Thông cung cấp 27 hóa đơn thay giác mạc tại bệnh viện ở Mỹ nhưng 27 hóa đơn này không thể hiện nguyên đơn điều trị mắt trái hay mắt phải, cũng chưa đảm bảo được tính xác thực của hóa đơn.
Ngoài ra, tòa cho rằng việc giám định mắt của ông Thông vào ngày 18/11/2014 của Viện pháp y Quốc Gia được thực hiện sau khi ông Thông chữa trị mắt tại Mỹ. Kết luận giám định không chỉ ra được nguyên nhân biến chứng là do ông Thông điều trị mắt tại Việt Nam hay tại Mỹ.
Vì vậy, tòa xét thấy không đủ cơ sở xác định được biến chứng sau phẫu thuật là do Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam gây nên nên bác đơn kiện của ông Thông.