Theo thông tin của Đài truyền hình quốc gia CCTV, bác sĩ này có tên Zhong Yan, một chuyên gia phẫu thuật, 64 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Jiaozuo (Hà Nam, Trung Quốc).
Trước đó, bệnh viện tiếp nhận một bé trai 17 tháng tuổi, được đưa vào cấp cứu vì bị hóc hạt. Dù bệnh nhi đã được thông đường thở và làm rỗng dạ dày, các bác sĩ vẫn phát hiện một số mảnh hạt trong phổi đứa trẻ vào sáng hôm sau. Ngay lập tức, bé được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ dị vật.
Bác sĩ Zhong liên tục truyền oxy cho bệnh nhi bằng cách thổi vào ống nội soi phế quản đến mức kiệt sức. Ảnh: CCTV. |
Trong quá trình mổ, bác sĩ Zhong nhận thấy nồng độ oxy trong máu bệnh nhi quá thấp nên đã tháo mặt nạ oxy của bé. Sau đó, ông liên tục thổi không khí vào phổi của cậu bé qua ống nội soi phế quản.
Suốt 30 phút của ca phẫu thuật, ông phải liên tục vừa mổ, vừa thổi khí để duy trì oxy cho bé trai.
Khi ca mổ gần kết thúc, chuyên gia này chỉ kịp nói với đồng nghiệp: “Tôi không thể tiếp tục được nữa”, rồi ngã quỵ xuống sàn phòng phẫu thuật.
“Lúc đó, tôi có cảm giác như bị đè nén ở ngực và tê cứng tứ chi. Mồ hôi túa ra khiến quần áo và găng tay dính chặt vào người", bác sĩ Zhong hồi tưởng.
Vị bác sĩ cũng đã tỉnh lại sau khi được truyền glucose lỏng và oxy. Lúc này, điều đầu tiên ông nghĩ tới là tình trạng của bệnh nhi.
"Tôi ổn. Nhưng mau kiểm tra không khí trong phổi cậu bé có đủ không", ông nói khi đó.
Ca phẫu thuật kết thúc thành công. Bác sĩ Zhong và ê-kíp đã gắp bỏ ít nhất 10 miếng hạt nhỏ ra khỏi phổi của bé trai. Đây là một trong rất nhiều trường hợp bác sĩ phải mạo hiểm sức khỏe của mình để cứu sống bệnh nhân tại Trung Quốc.
Hai năm trước, ngay trên chuyến bay từ Quảng Châu đến New York (Mỹ), hai bác sĩ phẫu thuật đã hút nước tiểu bằng ống hút để cấp cứu cho một người đàn ông bị phì đại tuyến tiền liệt.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.