Uống nhiều sữa có thể khiến trẻ bụ bẫm nhưng xanh xao vì thiếu máu. Ảnh: Pexels. |
"Khi trẻ cùng mẹ bước vào, đập vào mắt tôi là nước da trắng bệch, xanh xao bất thường. Trong khi đó, người mẹ vì ở cạnh con hàng ngày, không nhận ra sự thay đổi bất thường này", ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), kể với Znews.
Đây là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị thiếu máu, thiếu chất mà các bác sĩ khoa Dinh dưỡng tại đây tiếp nhận.
Da trắng xanh vì mê uống sữa
Theo bác sĩ Mai, hàng ngày, khoa Dinh dưỡng tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ thiếu máu, thiếu vi chất vì biếng ăn, chỉ uống sữa. Hầu hết trong số đó đều thuộc lứa tuổi mầm non, từ 2 đến 5 tuổi.
"Một số trẻ dù đã qua tuổi sơ sinh từ rất lâu nhưng vẫn đều đặn uống sữa cách 3 giờ mỗi ngày. Mỗi lần, trẻ uống khoảng 220-250 ml sữa. Trung bình mỗi ngày, có bé uống tới1,5-2 lít sữa", bác sĩ Mai cho hay.
Nhìn bằng mắt thường, những trẻ này thường có nước da trắng, xanh xao dù trông rất bụ bẫm, đáng yêu.
"Khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ cho các cháu làm xét nghiệm để xác định mức độ thiếu máu và thiếu chất. Thậm chí, có bé phải nhập viện gấp để truyền vi chất, truyền máu vì ở mức độ nặng", bác sĩ Mai cho hay.
Nữ bác sĩ cho rằng nhiều phụ huynh cho con uống sữa thay cơm vì bận mưu sinh, không có thời gian chăm sóc, nấu ăn cho con. Một số cha mẹ lại thích lối sống này vì họ có thời gian cho công việc riêng của mình, không cần đau đầu lên thực đơn, đi chợ, nấu ăn, ép con ăn rồi dọn dẹp.
Ngoài ra, sợ con đói cũng là nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ cho con uống quá nhiều sữa.
"Vì đã uống sữa no bụng, trẻ có xu hướng bỏ các bữa chính. Sau đó, sợ con đói, nhiều cha mẹ lại cho con uống sữa bù vào. Kiểu ăn uống này lại tạo ra một vòng luẩn quẩn", bác sĩ Mai phân tích.
Trẻ uống quá nhiều sữa trong các bữa xế sẽ dễ bỏ bữa chính vì đầy bụng. Ảnh: Pexels. |
Uống quá nhiều sữa cũng không tốt
Việc uống sữa với nhiều cha mẹ có thể giúp bổ sung canxi, tăng chiều cao. Song, nếu bổ sung ở mức độ quá nhiều, uống sữa có thể gây hại cho sức khỏe trẻ em.
Theo bác sĩ Mai, uống quá nhiều sữa dẫn đến dư thừa canxi so với nhu cầu của cơ thể. Khi cơ thể thừa chất, các cơ quan tiêu hóa và bài tiết phải tăng cường làm việc, tạo ra gánh nặng cho các cơ quan này, không có lợi cho cơ thể.
Bên cạnh đó, canxi quá nhiều trong cơ thể gây ra tình trạng cạnh tranh hấp thu với sắt. Sắt trong cơ thể dễ dàng bị đẩy ra ngoài, không hấp thu được, khiến trẻ bị thiếu máu.
Ngoài ra, các phụ huynh chỉ nên xem sữa là một thực phẩm bổ sung, không bao giờ có thể thay cơm. Một bữa cơm thông thường thường có 5 nhóm chất gồm tinh bột, chất béo, chất đạm, chất xơ và vitamin. Tuy nhiên, sữa lại chỉ chứa một ít khoáng chất, chất béo, chất đạm và thiếu hẳn tinh bột cũng như chất xơ.
Không những thế, sữa có dạng lỏng, dễ uống nhưng uống nhiều sữa về lâu dài có thể khiến trẻ lười nhai, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng của bé.
Theo bác sĩ Mai, một ngày, trẻ em trên 2 tuổi chỉ nên tiêu thụ 500-600 ml sữa và chế phẩm từ sữa. Đối với trẻ 6-12 tháng tuổi, phụ huynh nên gia giảm lượng sữa tùy theo lượng ăn dặm. Nhóm trẻ duy nhất được uống sữa hoàn toàn là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Để khắc phục tình trạng nghiện sữa ở trẻ trên 2 tuổi, bác sĩ Mai nhấn mạnh phụ huynh phải thay đổi tư duy, tìm nguyên nhân khiến con chỉ thích uống sữa, tạo thói quen không ăn vặt trước bữa chính...
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.