Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết vô sinh nam chiếm khoảng 40% trường hợp vô sinh hiếm muộn. Tuy nhiên, trước đây, vì nhiều lý do, chúng ta thường quan niệm vô sinh chủ yếu là do nữ giới. Với sự tiến bộ của y học, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới đã được tìm ra.
Những trường hợp vô sinh ở nhóm có tinh trùng, việc điều trị hướng đến mục đích làm tăng số lượng và chất lượng tinh binh bằng cách dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc phẫu thuật ngoại khoa.
Nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm 10-15% các trường hợp vô sinh nam. Đây là tình trạng nam giới xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn. Bên cạnh đó, việc tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng cũng dẫn đến vô tinh.
Một người cha và bé gái bụ bẫm được TTON thành công. Ảnh: BV. |
Nhiều lý do dẫn đến tình trạng vô tinh, bao gồm biến chứng của bệnh quai bị làm teo tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, lạc chỗ, bệnh về nội tiết tố, cường giáp hoặc suy giáp... Trường hợp tinh hoàn bị tổn thương, hay viêm, xoắn cũng có thể gây vô tinh. Mặt khác, các bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, viêm túi tinh,... không được điều trị triệt để có thể gây tắc nghẽn đường dẫn tinh.
Theo bác sĩ Việt, những trường hợp vô tinh do đường dẫn tinh bị tắc chỉ cần mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Trường hợp vô tinh do tinh hoàn sản xuất kém phức tạp hơn nhiều, phương pháp mổ vi phẫu bắt từng con tinh trùng (Micro TESE) là cứu cánh cuối cùng.
“Bác sĩ sẽ mổ vi phẫu để bắt từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ”, thạc sĩ Việt cho hay.
Một người đàn ông bình thường mỗi lần xuất tinh có hàng trăm triệu tinh trùng, việc dùng kỹ thuật này đôi khi chỉ có thể tìm được một vài hoặc vài chục tinh trùng vừa đủ để làm thụ tinh ống nghiệm. Mặt khác, bác sĩ mổ có kinh nghiệm phải là người canh rất chuẩn sao cho tinh trùng lấy ra là vừa đủ, không lấy quá nhiều mô gây tổn thương tinh hoàn.
Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, trong số 200 bệnh nhân mổ Micro TESE, có khoảng trên 50% tìm thấy tinh trùng. Trong đó, hơn 90% bệnh nhân bị teo tinh hoàn sau quai bị.
Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cũng cho biết hiện nay tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại nước ta khá cao, từ 50-60%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều trường hợp mà y học không thể can thiệp.