Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truy tìm bác sĩ bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân 18 năm

Khi đi khám sức khỏe, ông Nhật được phát hiện trong ổ bụng có một chiếc kéo (panh) chuyên dụng, được cho là bác sĩ bỏ quên trong ca mổ cách đây 18 năm.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết Bộ đã nắm được thông tin báo chí phản ánh về chuyện bác sĩ phẫu thuật để quên kéo trong ổ bụng bệnh nhân tại tỉnh Bắc Kạn.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu Sở Y tế Bắc Kạn vào cuộc, xác minh việc bác sĩ bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân và thông tin cho báo chí”, ông Khoa cho hay.

Ngày 28/12, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trường hợp ông Ma Văn Nhật (54 tuổi, trú tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).

Sau một lần bị đau nhói phần bụng, ông Nhật vào Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên khám. Kết quả siêu âm ngày 25/12 cho thấy trong ổ bụng của ông có một chiếc kéo dài khoảng 15 cm, được cho là chiếc panh - kéo chuyên dùng mổ của ngành y.

Ngày 27/12, ông Nhật tiếp tục đi siêu âm lại ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, nhận kết quả siêu âm tương tự.

bac si bo quen keo trong bung benh nhan anh 1
Chiếc kéo/panh được cho là đã nằm trong bụng bệnh nhân 18 năm. Ảnh: TTXVN.

 

Trước đó, ông Nhật từng mổ ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn vào tháng 6/1998. Thời điểm đó, ông bị tai nạn giao thông, chấn thương mạng sườn phải, vào Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn phẫu thuật. Tuy nhiên, ca mổ được thực hiện cách đây 18 năm nên ông không nhớ rõ kíp mổ gồm những ai.

Ông Nhật cho biết ngoại trừ lần phẫu thuật này, từ đó đến nay, ông không có can thiệp tương tự nào.

Trước thông tin này, bà Trịnh Thị Lượng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cho biết bệnh viện đã tiếp nhận phản ánh của ông Nhật về việc phát hiện dụng cụ phẫu thuật trong ổ bụng.

“Vụ việc xảy ra cách đây 18 năm, rất khó để xác định được ê-kíp mổ cho ông Nhật thời điểm đó. Tuy vậy, bệnh viện đang cho kiểm tra lại những bác sĩ đã tham gia kíp mổ này. Đồng thời, bệnh viện sẽ họp và kiểm tra lại hồ sơ để có các biện pháp giải quyết”, bà Lượng cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, cho biết Sở đã chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện làm việc với gia đình người bệnh để đưa ra phương án tốt nhất, quan trọng là phẫu thuật lấy dị vật ra. Dự kiến, các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) tham gia ca mổ này để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Theo tiến sĩ Học, ca mổ cho ông Nhật năm 1998 là thời điểm mới tách tỉnh. Khi đó, bệnh viện có rất ít bác sĩ.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm