Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Tai biến y khoa luôn có khả năng xảy ra'

"Đối tượng cung cấp hay tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh đều là con người mà con người thì “nhân vô thập toàn”, nên các tai biến luôn có khả năng xảy ra", bà Tiến nói.

Chiều 26/12, trong buổi trả lời báo chí về tổng kết ngành y tế năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận bên cạnh những đổi mới về thái độ phục vụ của cán bộ y tế, một số cơ sở y tế để xảy ra những tai biến y khoa gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Bo truong Bo Y te noi ve tai bien y khoa anh 1
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Phạm Thanh Hải.

Với những trường hợp các phương tiện truyền thông đề cập đến, Bộ Y tế đều khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm minh.

Sau vụ mổ nhầm chân ngày 9/7 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), giám đốc đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật với bác sĩ Phan Văn Hậu - phẫu thuật viên chính cho người bệnh.

Với trường hợp của nữ sinh Lê Thị Hà Vi (Đắc Lăk) bị cưa chân do thiếu sót trong quá trình điều trị, trình độ chuyên môn của y bác sĩ hạn chế, Sở Y tế tỉnh Đắc Lắk đã kỷ luật ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh viện này theo nghị định 176 của Chính phủ.

Về vụ việc hai bệnh nhân tử vong sau khi được gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức hôm 25/11, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân sự việc, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Thay mặt lãnh đạo ngành y tế, bộ trưởng xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất, chia sẻ với mất mát này của hai gia đình người bệnh.

Theo bà Tiến, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rất rõ ràng về cách xử lý khi xảy ra tai biến tại "Mục 1 chương 7: Sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh chữa bệnh”.

Theo đó, tai biến y khoa có thể do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh như nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật (người bệnh, vị trí, phương pháp, sót dụng cụ), chẩn đoán sai/chậm; phác đồ/quy trình không cập nhật, do nhân viên y tế (nhân viên mới, tắc trách…).

Tuy nhiên, điều đó cũng có thể do xảy ra ngoài ý muốn trong quá trình khám, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật. Như vậy, có thể nói không phải tất cả vụ việc xảy ra vừa qua sai sót đều thuộc về phía bệnh viện.

“Nghề y là một nghề đặc biệt, đối tượng cung cấp hay tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh đều là con người, mà con người thì “nhân vô thập toàn”. Vì vậy, các tai biến trong quá trình khám, chữa bệnh luôn có khả năng xảy ra”, bà Tiến cho hay.

Tại Mỹ, đất nước được coi là có nền y học tiên tiến bậc nhất thế giới, sai sót y khoa là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau viêm phổi và ung thư, với số lượng được báo cáo là 251.454 ca/năm, con số thực tế có khả năng cao hơn nhiều.

Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. Tuy nhiên, các vụ việc tai biến xảy ra được cho là do sai sót chuyên môn vẫn được báo chí đưa tin rất nhiều, gần nhất là vụ mổ nhầm chân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Để giải quyết vấn đề trên, bảo hiểm trách nhiệm chính là hình thức giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo về vấn đề phòng ngừa, hạn chế và khắc phục sai sót y khoa, chỉ thị về thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh trực tiếp của người dân,…

Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng thông tư hướng dẫn về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện, trong đó chú trọng việc thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo rủi ro sự cố bắt buôc và tự nguyện trong bệnh viện. Dự kiến, thông tư sẽ ban hành trong năm 2017.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm