Ngày 23/3, Bộ Y tế công bố ca bệnh số 116 - một nam bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiễm virus trong quá trình điều trị bệnh nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết nam bác sĩ là người tham gia chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu khi dịch bắt đầu xâm nhập vào nước ta.
Đó là bác sĩ Nguyễn Xuân Thành (32 tuổi), công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau 16 ngày điều trị, bác sĩ Thành đã được công bố khỏi bệnh. Từ khu cách ly, bác sĩ Thành lần đầu chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi từ "người điều trị" trở thành "bệnh nhân".
Nguyễn Xuân Thành là bác sĩ đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 khi đang trực tiếp điều trị người mắc Covid-19. Ảnh: Việt Hùng. |
"Khi có triệu chứng, tôi đã nghi ngờ mình mắc bệnh"
- Chúc mừng anh đã khỏi bệnh. Hiện tại, tình trạng của anh ra sao?
- Tôi khỏi hẳn rồi. Tôi được công bố khỏi bệnh ngày cùng 10 bệnh nhân khác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tôi đang được theo dõi tiếp tại khoa Virus của viện, chưa quay lại làm việc và chờ sắp xếp của lãnh đạo. Tôi hiện tại ổn.
- Anh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 trong hoàn cảnh nào?
- Tôi không nhớ chính xác ngày. Trong này, chúng tôi ít để ý tới thời gian. Tôi chỉ nhớ hôm đó là thứ năm (ngày 19/3 - PV). Tối hôm đó tôi trực, tôi thấy rát họng. Trực hết đêm đó, đến hôm sau tôi thấy nặng hơn, rát họng, rồi xuất hiện triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Ngay hôm sau, tôi tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, được xét nghiệm và có kết quả dương tính.
- Lúc đó anh nghĩ gì?
- Tôi không bất ngờ. Tôi công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã hơn 3 năm. Trong dịch Covid-19, tôi nhận nhiệm vụ từ những ngày đầu, từ giai đoạn 1. Tôi hiểu rõ nguy cơ phơi nhiễm của mình cũng như những đồng nghiệp khi công tác trong ngành truyền nhiễm. Ngay từ đầu tôi đã xác định rõ điều đó.
Thực ra, khi bắt đầu có triệu chứng, tôi đã nghi ngờ mình có thể mắc Covid-19. Tôi thì không có vấn đề gì, lúc đó tôi chỉ sợ lây cho mọi người. Vì virus này ủ bệnh rất lâu, khi mình mắc bệnh thì mình đã có nguy cơ lây cho người khác, các đồng nghiệp, nhất là khoa Cấp cứu. Tôi lo nếu mọi người bị lây, khoa sẽ thiếu nhân lực, không đủ người để làm việc trong dịch vốn đã rất căng thẳng. Lúc đó, thực sự tôi chỉ lo cho đồng nghiệp chứ tôi khỏe, trẻ thì không đáng ngại.
- Anh là bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 đầu tiên mắc bệnh, điều đó cho thấy đã có lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế. Thực tế này có gây xáo trộn cho đồng nghiệp và bệnh viện lúc đó không?
- Thực ra cũng có, mọi người cũng lo. Tất cả đồng nghiệp đều có nguy cơ lây từ tôi cho nên có lo lắng. Tuy nhiên, sau theo dõi, xét nghiệm thì không ai có triệu chứng gì cả.
- Sau khi mắc Covid-19, bệnh tình của anh tiến triển ra sao?
- Thực ra, tôi không hẳn nặng. Tôi có triệu chứng vài ngày đầu rồi sau đó đỡ luôn. Tôi nghe nói phổi có tổn thương nhưng không gây biểu hiện gì bên ngoài. Sau vài hôm, tôi đỡ. Từ bác sĩ, đồng nghiệp, tôi được chính đồng nghiệp của mình chữa trị. Hàng ngày, tôi được quan tâm, động viên nên rất vui và cố gắng để nhanh khỏi bệnh. Các đồng nghiệp đều dặn tôi ăn uống vào cho khỏe để quay lại công việc.
Việc đón tiếp và điều trị cho bệnh nhân nước ngoài đem lại sự bất tiện nhất định cho nhân viên y tế. Ảnh: Việt Hùng. |
"Covid-19 diễn biến khó lường"
- Trước khi trở thành bệnh nhân, công việc của anh là gì?
- Hàng ngày, chúng tôi sàng lọc các ca có nguy cơ, có triệu chứng từ các nơi chuyển đến. Đồng thời, sàng lọc, điều trị bệnh nhân ở trong, cho thuốc, báo cáo hàng ngày về tình trạng các ca, ca nào nặng thì hội chẩn để điều trị tiếp theo.
Với bệnh Covid-19, điểm khác là bệnh rất mới, diễn biến khó lường ở từng bệnh nhân nên phải theo dõi sát hơn, đòi hỏi sự thận trọng. Bên cạnh đó, việc dùng đồ bảo hộ cũng là một bất tiện. Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 căng thẳng và bất tiện hơn so với những bệnh nhân khác.
Ở giai đoạn đầu, chúng ta khám sàng lọc nên bệnh nhân vào rất nhiều, đặc biệt có nhiều bệnh nhân nước ngoài. Suy nghĩ, tư tưởng của họ khác mình nên việc giải thích mất thời gian và khó khăn hơn. Nói chung, người ta không hiểu cho mình, không hợp tác nên mình phải giải thích, hướng dẫn cho họ. Do đó, chúng tôi chủ yếu mất nhiều thời gian cho xử lý các tình huống ở khâu sàng lọc.
- Đã bao lâu rồi anh chưa về nhà? Khi anh mắc bệnh, bố mẹ anh có bất ngờ không?
- Phải hơn một tháng rồi. Đợt đầu tôi có về. Nhưng từ đợt dịch sau, tôi không về và ở viện cho đến nay. Giờ khỏi bệnh, tôi cũng chưa gặp bố mẹ. Thực ra khi tôi làm công việc này, bố mẹ đã hiểu. Cả hai cũng biết tính tôi rồi. Tôi không nói gì tức không có vấn đề gì nên bố mẹ cũng không hỏi. Ông bà chỉ dặn tôi chịu khó nghĩ ngơi để nhanh khỏe.
Tôi là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ở đây, chúng tôi cố gắng điều trị thật tốt để họ nhanh khỏe. Về phía người dân, các biện pháp phòng bệnh đã được các phương tiện truyền thông nói rất nhiều. Tôi chỉ mong mọi người cùng cố gắng, tuân thủ để chúng ta khống chế được dịch bệnh.