Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) đang là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước. Các bệnh nhân nặng phải thở máy, can thiện ECMO cũng được chữa trị tại đây.
Hai bác sĩ của bệnh viện đã mắc Covid-19 khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Khi được hỏi về tinh thần của các "chiến sĩ tuyến đầu" khi hai đồng nghiệp đã lây nhiễm, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn làm việc bình thường, chưa thấy ai chùn bước”.
"Tôi chẳng nhớ nổi từ khi nào mình không về nhà"
Kể từ khi dịch bùng phát ở giai đoạn 2, đánh dấu bằng ca mắc đầu tiên ở Hà Nội (ngày 6/3), thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cùng gần 170 người từ bác sĩ, điều dưỡng đến nhân viên vệ sinh, chuyển sang chế độ ở viện hoàn toàn.
"Tôi cũng chẳng nhớ nổi từ khi nào mình không về nhà. Trong này, chúng tôi không còn khái niệm về thời gian”, bác sĩ Cấp chia sẻ. Thời gian này, anh không gặp vợ, con, gia đình. Các đồng nghiệp của anh cũng vậy. Tất cả liên lạc đều qua điện thoại. Bản thân bác sĩ Cấp đã cắt trọc mái tóc của mình để thuận tiện hơn khi làm việc trong vòng cách ly.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (bên phải) trong lần công bố xuất viện cho bệnh nhân ở giai đoạn 1. Ảnh: Việt Linh. |
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đang nhiễm SARS-CoV-2, những bác sĩ tuyến đầu luôn xác định mình có nguy cơ phơi nhiễm. “Tôi là F1 và ai tiếp xúc với tôi sẽ là F2 và F2 thì phải cách ly tại nhà hai tuần. Tôi đảm bảo nguyên tắc hạn chế tiếp xúc với người khác”, bác sĩ Cấp từ chối khi được đề nghị tới gặp.
Không có nhiều thời gian nên những bác sĩ ở viện không biết mọi người đang viết gì về mình và đồng nghiệp. Nhưng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định tất cả nỗ lực hiện tại là của cả tập thể, đội ngũ y bác sĩ trên cả nước.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là nơi điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất hiện nay. Hàng chục bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Song không vì thế, công việc của các y bác sĩ ở đây bớt nhẹ nhàng hơn.
“Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh, rồi người khác lại vào. Các bệnh nhân thường đến ngày thứ 10 là xuất hiện nặng. Lô ‘chị’ qua thì lô ‘em’ lại lớn lên, chứ không phải cứ có một vài bệnh nhân nặng lên, qua là hết”, bác sĩ Cấp chia sẻ về câu chuyện phía bên trong nơi điều trị.
Do đó, bản thân anh và đồng nghiệp luôn xác định nỗ lực hết mình để chữa trị cho các bệnh nhân. "Bệnh viện vẫn còn lực lượng dự trữ, vẫn chia ca để dành sức và luôn sẵn sàng những tình huống phức tạp có thể đến", anh nói.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Phương Mai - Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Hùng. |
Mỗi bệnh nhân có triệu chứng và tiến triển khác nhau
BSCKII Đỗ Thị Phương Mai - Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cũng cho biết trong giai đoạn 2, lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều và nhanh. Bệnh cảnh lâm sàng cũng nặng hơn rất nhiều, phải hồi sức rất tích cực.
Bác sĩ Mai tâm sự: “Chúng tôi luôn phải cố gắng giữ cho bệnh nhân không bị tác dụng phụ của thuốc dẫn tới tình trạng nặng, làm nặng gánh thêm cho khoa Cấp cứu, rồi Hồi sức tích cực.
Về phác đồ điều trị, chúng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Ví dụ nhiều bệnh nhân có tiến triển, tuy nhiên, trong quá trình điều trị lại có những thay đổi, bất thường. Có người kết quả xét nghiệm âm tính, sau đó lại trở nên dương tính trong khoảng thời gian rất ngắn.
Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, gặp những tác dụng phụ của thuốc. Điều này cũng khiến bác sĩ gặp nhiều khó khăn ở khâu làm cho bệnh nhân hạn chế thấp nhất các tác dụng phụ của thuốc”.
Qua quá trình điều trị, bác sĩ Mai nhận định mỗi bệnh nhân lại có những triệu chứng và tiến triển bệnh khác nhau. Vì vậy, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 gặp nhiều khó khăn hơn.
"Ngày nào chúng tôi cũng phải ngồi lại với nhau để trao đổi, hội ý từng trường hợp bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân tùy theo thể trạng mà được điều trị theo phác đồ riêng. Đơn cử như với phác đồ Chloroquine có tác dụng độc lên cơ tim, thầy thuốc phải tầm soát kỹ về tim, siêu âm tim, điện tim... rồi mới có thể ra quyết định là có lựa chọn phác đồ này để điều trị hay không", bác sĩ Mai cho hay.
Hiện tại, biện pháp mà các bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lựa chọn khi điều trị là cập nhật liên tục nhiều phác đồ quốc tế, tính toán loại thuốc và liều lượng thích hợp với thể trạng và tình hình bệnh của người Việt Nam.
Bác sĩ Mai cho biết các thuốc có trong phác đồ của thế giới, Việt Nam đều đang sử dụng hiệu quả và điều may mắn cho đến nay, các bệnh nhân đều đáp ứng tốt.