Bác sĩ đòi 40 lượng vàng mai táng phí cho ông ngoại
Khi bị kiện đòi lại nhà, người cháu đã yêu cầu cậu mình trả lại tiền mai táng cho ông ngoại đến... 40 lượng vàng.
“Không biết tôi còn sống nổi đến ngày được thi hành án không”, ông Trần Chí Quốc (70 tuổi, P.5, Q.11, TP.HCM) nói khi nghe tòa tuyên xong bản án. Ông bảo cuối cùng ông cũng được nhẹ nhàng, thanh thản phần nào.
Trao niềm tin nhầm chỗ
Sau phiên tòa giữa trưa hè nắng oi, ông Quốc kể lại hành trình bao năm đi hầu tòa đầy mệt nhọc và đau lòng. Một ngày trước khi tòa xử, ông còn nằm trong bệnh viện dùng thuốc xạ trị lần thứ tư với căn bệnh ung thư thời kỳ cuối. Nhưng hôm sau, ông vẫn đến tòa để nghe tuyên án.
Ông Quốc kể ông là người cô đơn, không lập gia đình riêng. Nhờ dành dụm tích cóp nên năm 2000, ông mua được căn nhà ở đường Nguyễn Văn Phú, P.5, Q.11 (TP.HCM).
Do tin tưởng đứa cháu con người chị cả là bác sĩ Ngô Ngọc S. hứa sẽ chăm sóc, nuôi ông khi đau ốm, bệnh hoạn nên ba năm sau ông làm di chúc (có công chứng) cho cháu S. căn nhà này. Nhưng trời xui rủi đứa cháu lại trở mặt, không giữ lời hứa sau khi đã lấy nhà vào ở. Cụ thể là khi tiền thuốc chữa bệnh lên đến 20 triệu đồng/tháng, kéo dài trong một năm, ông nhờ cháu S. giúp đỡ thì bị khước từ. Ông ngỏ ý muốn lấy lại căn nhà bán để chữa trị thì bị chửi thậm tệ. Uất ức, ông ra phòng công chứng hủy tờ di chúc trên vào tháng 9/2006.
Do trao niềm tin nhầm chỗ nên ông Quốc phải mất gần bảy năm mà vẫn chưa đòi được căn nhà. |
Không còn sức hầu kiện
Nhưng rồi mọi chuyện sau đó không hề đơn giản. Người cháu cương quyết không dọn đi mà còn thách thức ông nhiều lần rằng “đến chết ông cũng không thể lấy lại nhà”. Cạnh đó, người cháu còn đòi ông phải trả 23 lượng vàng, tiền đã sửa chữa nhà. Không cam lòng, đầu năm 2007 ông đã khởi kiện ra TAND Q.11 để đòi lại nhà. Đến nửa năm sau vụ án mới được chuyển lên TAND TP giải quyết theo thẩm quyền (vì ông S. liệt kê hàng loạt người em ông đang cư trú ở nước ngoài liên quan đến vụ này).
Tại tòa, ông Quốc nhượng bộ muốn lấy lại nhanh chóng căn nhà nên đồng ý hỗ trợ cho cháu 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cháu ông không đồng ý mà yêu cầu ông phải trả 23 lượng vàng chi phí sửa chữa nhà mà theo bị đơn, tiền này do các anh chị em ông, có người ở tận nước ngoài, tích góp gửi về. Cạnh đó, ông S. kiên quyết đòi giám định cho ra nhẽ phần chi phí sửa chữa. Nhưng khi có kết quả giám định chi phí này chỉ hơn 100 triệu đồng thì ông S. lại không đồng ý.
Cũng thời gian này, căn bệnh ung thư của ông Quốc hành hạ ngày càng dữ khiến ông không thể tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Thế là ông tạm thời hòa hoãn bằng cách rút đơn kiện để tòa đình chỉ vụ án.
Đòi hỏi quá “trời ơi”
Trong thời gian này, em gái ông là bà Trần Thị Kim Anh đã bán nhà riêng để lấy tiền chữa bệnh cho ông và nuôi mẹ. Thương em, đồng thời nghe lời thẩm phán rằng ông nên ủy quyền cho ai khác tham gia tố tụng vì sức khỏe hạn chế, nên tháng 10/2009 ông lập hợp đồng tặng cho căn nhà nói trên cho bà Anh. Đến giờ bà Anh vẫn là người chăm lo cho ông hằng ngày.
Tháng 1/2010, với tư cách là chủ mới căn nhà, bà Anh nộp đơn khởi kiện ra TAND TP đòi nhà sau nhiều lần nhờ các cơ quan chức năng can thiệp lấy nhà không được. Lúc này, với tư cách là bị đơn, ngoài việc vẫn đòi 23 lượng vàng chi phí sửa nhà, ông S. còn phản tố buộc ông Quốc và bà Anh phải trả... 40 lượng vàng chi phí mai táng cho cha ông Quốc trước đó. Điều đáng nói, cha ông Quốc chính là ông ngoại của ông S. và chuyện này xảy ra đã lâu.
Thêm cú sốc nữa đến với ông Quốc. Bởi việc mai táng người đã khuất là nghĩa vụ và bổn phận của con cháu. “Ngày đó, anh em trong nhà đều góp tiền lo chung. Nay chỉ vì mộ cha tôi đặt trong đất ở nhà chị cả ở Tiền Giang mà cháu nó đòi tôi phải trả 40 lượng vàng. Khi làm việc với tòa, nó còn nhẫn tâm đòi bốc mộ ông ngoại ra khỏi đất nhà nó...” - ông Quốc nói.
“Yêu cầu không hợp đạo lý”
Xử sơ thẩm mới đây, TAND TP.HCM nhận định bà Anh là chủ hợp pháp của căn nhà nói trên nên tuyên buộc ông S. phải trả lại nhà cho nguyên đơn sau khi án có hiệu lực. Tòa chỉ chấp nhận khoản chi phí sửa chữa nhà hơn 130 triệu đồng (theo kết luận giám định) so với yêu cầu phản tố của bị đơn lên đến 23 lượng vàng. Đặc biệt, với khoản mai táng phí 40 lượng vàng, tòa nhận định đây là đòi hỏi không hợp đạo lý và cũng không có chứng từ gì chứng minh. Từ đó, tòa bác yêu cầu này.
Ngay sau đó, phía ông S. đã kháng cáo. Về phía nguyên đơn, ông Quốc cho biết em gái ông (bà Anh) hiện không có nhà ở và đang điều trị bệnh xơ gan, bản thân ông cũng đang bị căn bệnh ung thư lấy dần đi sức khỏe. “Hai anh em chúng tôi hiện nương tựa vào nhau. Hy vọng chúng tôi sớm đòi lại được căn nhà khi tôi chưa nhắm mắt...”, ông Quốc nói.
Theo luật, đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được tòa chấp nhận. Vì thế, khi đưa ra yêu cầu, các đương sự thường rất cân nhắc, tránh việc yêu cầu các khoản “trên trời”, thiếu căn cứ, dẫn đến chịu án phí cao.
Trong vụ trên, do yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ được tòa chấp nhận 130 triệu đồng/63 lượng vàng nên phần bị bác còn lại, tòa buộc phía bị đơn phải chịu án phí (có giá ngạch) gần 80 triệu đồng. Nếu án có hiệu lực, tính ra ông S. chẳng còn được bao nhiêu.
Theo Pháp Luật