Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch tay chân miệng

Tư vấn trực tuyến về bệnh tay chân miệng

Bác sĩ Dư Tuấn Quy sẽ tư vấn trực tuyến những thắc mắc của độc giả lúc 15h ngày 16/6 trên Zing News về bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng số ca mắc tại phía nam.

Bên cạnh mối lo về sốt xuất huyết đang gia tăng ở mức cảnh báo TP.HCM và địa phương tại phía nam vẫn đối mặt nhiều bệnh truyền nhiễm lưu hành, trong đó có mối lo lắng về bệnh tay chân miệng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 23 (từ 3/6 đến 9/6), thành phố ghi nhận 975 ca tay chân miệng, trong đó có 861 ca bệnh bệnh ngoại trú, 114 ca nội trú, tăng 1,8% so với trung bình 4 tuần trước (958 ca).

Tổng số tích lũy đến tuần 23 là 5.784 ca. Toàn thành phố cũng ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng mới phát sinh tại 3 quận, huyện (quận 8, Bình Chánh, Nhà Bè). Tuần trước đó, ngành y tế cũng ghi nhận 21 ổ dịch phát sinh.

Bệnh tay chân miệng do siêu vi gây ra, diễn tiến khá lành tính. Tuy nhiên, những năm gần đây, tác nhân gây bệnh là chủng Enterovirus 71 có thể khiến bệnh cảnh chuyển nặng, gây nhiều biến chứng.

Bệnh tay chân miệng có biểu hiện lâm sàng đặc trưng là hồng ban, bóng nước ở vị trí tay, chân và vùng miệng. Bệnh thường vào mùa trong khoảng tháng 4-6 và tháng 9-12.

Tay chân miệng lây lan qua tiếp xúc dịch tiết, đường hô hấp. Do đó, bệnh lây lan rất nhanh và có thể bùng phát thành dịch.

Để giúp độc giả thông tin rõ hơn về tác nhân và nguyên lý lây nhiễm, biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm khi mắc tay chân miệng, ngày 16/6, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), sẽ tư vấn trực tuyến lý giải những thắc mắc của độc giả trên Zing News.

Độc giả có thể đặt câu hỏi cho bác sĩ Dư Tuấn Quy từ bây giờ.

truc tuyen ve benh tay chan mieng anh 1

Bác sĩ Dư Tuấn Quy sẽ tư vấn trực tuyến những thắc mắc của độc giả lúc 15h ngày 16/6 trên Zing News về bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng số ca mắc tại phía Nam. 

  • 2022-06-16 13:00+0700
Đặt câu hỏi

Tự động cập nhật sau 30 giây

  • Bạn Anh Thái hỏi:

    Có một phụ huynh không đặt câu hỏi, nhưng tâm sự rằng sau sự ám ảnh bởi Covid-19, phụ huynh và trẻ nhỏ lại tiếp tục nỗi sợ với hàng loạt bệnh truyền nhiễm, từ sốt xuất huyết, tay chân miệng và mới gây là viêm gan bí ẩn, đậu mùa khỉ. Dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lưu hành thường niên có lẽ là điều mà chúng ta khó có thể tránh khỏi. Là chuyên gia nhiều năm nghiên cứu, điều trị bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Quy có thể chia sẻ một điều gì đó với quý phụ huynh và độc giả của Zing News để chúng ta sẵn sàng tâm thế phòng ngừa và lạc quan nhưng không chủ quan để ứng phó bệnh truyền nhiễm một cách chủ động nhất?

    Cũng có nhiều người hỏi tôi rằng hiện nay có quá nhiều bệnh nhiễm mới xuất hiện bên cạnh những căn bệnh từ trước đến nay, nào là viêm gan bí ẩn rồi đến đậu mùa khỉ, lúc này nên ứng phó và xử trí thế nào. Tôi cũng trả lời thật lòng thôi, là cái gì đến thì sẽ đến, chúng ta thoải mái tâm lý để đối phó và xác định vai trò, trách nhiệm của mình ở đâu.

    Tôi, với vai trò là bác sĩ truyền nhiễm, chúng tôi vẫn cố gắng tìm hiểu y văn, theo dõi diễn biến dịch bệnh và cố gắng làm những điều tốt nhất cho người bệnh. Với tay chân miệng, sốt xuất huyết, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới nên bệnh nhiễm này bùng phát là điều khó tránh khỏi.

    Tuy nhiên, chúng ta cũng có kinh nghiệm trong đối phó bệnh dịch này. Với đậu mùa khỉ, viêm gan bí ẩn, chúng ta sẽ tìm cách ngăn chặn từ đầu, kiểm soát từng bước. Quý phụ huynh đừng quá lo lắng hay hoảng hốt mà có biện pháp phòng bệnh sai lầm, chỉ cần chung tay cùng nhau chống dịch, lúc này, với mọi căn bệnh, chúng ta có thể chiến thắng.

  • Bạn Vĩnh Châu hỏi:

    Bệnh tay chân miệng có bao nhiêu giai đoạn bệnh và dấu hiệu của từng giai đoạn là gì? 

    Bệnh tay chân miệng có 4 mức độ, chúng tôi chia thành các mức độ và giai đoạn bệnh để có biện pháp xử trí phù hợp cho từng giai đoạn.

    Độ 1: Trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, loét miệng, phát ban bóng nước, phát ban lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, vùng mông, rìa miệng, khóe miệng…

    Độ 2 được phân thành 2 mức độ, trong đó, độ 2a trẻ sẽ có dấu hiệu sốt cao kèm theo giật mình với tần suất dưới 2 lần trong vòng 30 phút. Độ 2b cũng là dấu hiệu sốt ngày thứ 2 trở lên, sốt cao khó hạ, trẻ giật mình trên 2 lần, đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ chuyển biến nặng, cần được chuyển đến phòng cấp cứu để xử trí.

    Độ 3: Ngoài các triệu chứng nói trên, trẻ có tình trạng tăng huyết, nhịp tim tăng.

    Độ 4: Đây là dấu hiệu nặng nhất, trẻ rơi vào tình trạng phù phổi cấp, sốc và nguy cơ tử vong cao.

    Trong bệnh lý tay chân miệng, thông thường đến độ 2a là chúng tôi đã cho chỉ định nhập viện điều trị, đến độ 2b thì cần khẩn cấp can thiệp cấp cứu không để chuyển biến nặng hơn. Trường hợp trẻ đã diễn tiến độ 3, cần làm mọi cách để can thiệp, xử trí không để tiếp tục tăng độ 4.

    truc tuyen ve benh tay chan mieng anh 2

  • Bạn Hua van khoa hỏi:

    Với Covid-19 hay sốt xuất huyết thường có thời gian cảnh báo chuyển biến nặng, vậy biến chứng ở bệnh tay chân miệng thường xuất hiện vào ngày thứ mấy của bệnh?

    Bệnh tay chân miệng có điểm khác với Covid-19. Bệnh diễn tiến nặng trong 5 ngày đầu, đặc biệt là 3 ngày đầu tiên.

    Do đó, khi qua ngày thứ 5, bạn có thể yên tâm. Trong 3 ngày đầu, trẻ sốt, uống hạ sốt không hạ là cảnh báo nguy hiểm.

  • Bạn Trần Bình Minh hỏi:

    Với tình hình bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, trong khi Covid-19 vẫn tiếp tục lây nhiễm và số ca sốt xuất huyết vẫn gia tăng rất nhanh, bệnh tay chân miệng có khả năng “tát nước theo mưa” và lặp lại chu kỳ bùng phát đợt dịch hay không, thưa bác sĩ?

    Từ tháng 4, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị, ngành dự phòng cũng có kinh nghiệm. Chúng tôi phối hợp với Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP.HCM), các trường học để truyền thông, phổ biến kiến thức cho giáo viên.

    Việc này giúp giáo viên phát hiện những vết loét, bỏng... Ngành y tế cũng tập huấn lại để phát hiện sớm. Nhờ chủ động trước, dịch tay chân miệng vẫn ở mức không cao đột biến.

    Trong vài tuần nay, tại khoa Nhiễm - Thần kinh của BV Nhi đồng, chúng tôi vẫn có ca nặng nhưng không quá nguy hiểm, cao nhất là độ 3, từ tuyến tỉnh chuyển lên. Một số trẻ có dấu hiệu trở nặng, bé run người, bị cao huyết áp, tay chân miệng độ 3, nhiều trường hợp khác tương tự nhưng đều đã được các bác sĩ điều trị ổn định.

    truc tuyen ve benh tay chan mieng anh 3

  • Bạn Linh Đan hỏi:

    Năm 2011 từng xảy ra đợt dịch tay chân miệng có thể gọi là kinh hoàng nhất từ trước đến nay bởi số trẻ nhập viện nhiều vô kể, số ca tử vong cũng gần như kỷ lục đến hiện tại. Bác sĩ có thể chia sẻ lại ký ức của anh cùng nhân viên y tế ngành truyền nhiễm về những ngày bùng phát dịch của 11 năm trước?

    Thời điểm đó, số bệnh nhân rất nhiều, tất cả phòng ban đều căng thẳng. Những bệnh nhân không mắc bệnh được chuyển đến khoa còn lại. Khoa nhiễm chỉ còn bệnh nhân tay chân miệng.

    Lúc đó, bác sĩ và người nhà bệnh nhân vất vả không kể xiết, một đêm có hơn 100 trường hợp nặng. Mỗi giường nằm đến 3 trẻ, các con phải đặt nội khí quản, thở máy rất nhiều, nhân viên y tế làm việc suốt đêm. Một số trường hợp đang bình thường bỗng trở nặng, tối loạn thần kinh thực vật và tử vong rất nhanh.

    Tôi nhớ như in trường hợp bé trai ở Bình Dương, khi nhập viện, bé tỉnh táo, tay cầm ổ bánh mì hồn nhiên ăn. Nhưng khi khám, bé có dấu hiệu giật mình, run, chuyển biến nặng rất nhanh sang độ 4. Sau vài giờ, bé kích thích, la hét. Sau đó, trẻ rơi vào bệnh cảnh suy hô hấp, phù phổi, sùi bọt hồng và không qua khỏi.

    Mỗi đợt dịch đã qua, tôi xác định phải làm thế nào để tình trạng đó không xảy ra nữa. Để làm được, chúng ta cần tăng cường dự phòng sớm, phát hiện và điều trị sớm.

    Năm 2015 cũng là trận dịch tương tự 2011 nhưng số bệnh nhân tử vong ít hơn. 2018 và 2019 cũng có số ca mắc rất cao. Không chỉ tay chân miệng, bệnh nhân sởi cũng rất nhiều. May mắn, chúng ta không có nhiều ca tử vong. Sau thời gian này, dịch Covid-19 bắt đầu lan tràn.

  • Bạn Minh Trang hỏi:

    Khi bị tay chân miệng, trong miệng sẽ mọc các nốt bỏng, bóng nước khiến con rất đau đớn, vậy việc vệ sinh răng miệng cho trẻ cần thực hiện như thế nào?

    Khi trẻ có vết loét miệng, cha mẹ dùng bàn chải đánh răng cho con sẽ gây đau đớn.

    Trẻ loét miệng, chảy nước bọt nhiều dẫn đến khô miệng, đau hơn, phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, dùng gạc miệng để vệ sinh là tốt nhất.

  • Bạn Tuấn Lê hỏi:

    Trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng. Vậy nguyên nhân nào khiến tay chân miệng có thể bùng phát thành ổ dịch? Vậy cách xử trí, cách ly trẻ mắc tay chân miệng trong ổ dịch được tiến hành như thế nào, có giống Covid-19 hay không?

    Nguyên nhân gây ổ dịch là:

    - Những nơi khu dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh kém.

    - Tại trường học, trường mầm non, trẻ giao tiếp với nhau, các bé hay cầm đồ chơi, mút ngón tay tạo điều kiện lây nhiễm rất nhanh. Nếu trường học hay khu dân cư không vệ sinh tốt sẽ phát triển thành ổ dịch. Ví dụ, một nhà có trẻ mắc bệnh, qua nhà trẻ khác chơi và lây lan bệnh. Sự giao lưu này cũng vô tình gây nên ổ dịch.

    Với tay chân miệng, chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm, từ 2011 đến nay. Một trong vấn đề chống dịch của tay chân miệng là không kỳ thị, không cách ly quá nghiêm ngặt dẫn đến phản ứng ngược.

    Khi phát hiện ca bệnh, đầu tiên, ta cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành, đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Sau đó, chúng ta nên tăng cường phát hiện sớm ca thứ 2, thực hiện nhanh khử khuẩn, sát khuẩn sàn nhà, vệ sinh sạch sẽ đồ chơi bằng nước xà phòng, phơi dưới ánh nắng mặt trời.

    Trẻ hay dùng điều khiển để bấm, tay cầm nắm vào cửa số, cầu thang. Những vị trí này thường ít để ý, bạn cần lưu ý để khử khuẩn tất cả.

    truc tuyen ve benh tay chan mieng anh 4

  • Bạn Đỗ Hoà Thành hỏi:

    Tôi đang chăm sóc con trai 5 tuổi mắc tay chân miệng tại nhà. Xin bác sĩ tư vấn giúp những mức độ của bệnh này và dấu hiệu nào cảnh báo bệnh đang chuyển biến nặng hơn?

    Trẻ mắc tay chân miệng thường sốt, phát ban lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Phụ huynh cũng nên để ý những vị trí kín đáo như rìa móng tay, móng chân... Từng có trường hợp trẻ đột nhiên chảy nước miếng, biếng ăn, tiêu chảy, nhiều người phán đoán là mọc răng, vài ngày sau sốt cao không hạ. Cha mẹ mới đưa con đến bệnh viện thăm khám thì phát hiện tay chân miệng, lúc này bệnh đã chuyển nặng.

    Nếu trẻ được chẩn đoán tay chân miệng độ 1, bạn nên đưa trẻ về nhà điều trị. Khi con sốt từ ngày thứ 2 không hạ, giật mình, chới với, run rẩy khi cầm nắm, nôn ói, trẻ cần nhập viện ngay. Đây là kinh nghiệm chúng tôi rút ra từ 2011 đến nay. Cha mẹ cần thực sự quan tâm trẻ, kịp thời nhận biết thời điểm chuyển nặng, không để quá muộn.

    Nếu trẻ đột ngột sốt không hạ, ngủ giật mình, nôn 3-4 lần/ngày, chán ăn, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.

    truc tuyen ve benh tay chan mieng anh 5

  • Bạn Mai Lan hỏi:

    Thưa bác sĩ, nhiều phụ huynh cho rằng tay chân miệng thường do liên quan đến việc thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, anh nghĩ sao về quan niệm này?

    Bệnh chân tay miệng có hai thời điểm đỉnh dịch trong năm là tháng 4-6 và 9-12. Hiện tại là mùa dịch. Bệnh có thể lây qua đường tiêu hóa, trẻ ăn uống không vệ sinh, vệ sinh tay không sạch, thói quen mút tay, lây lan do dịch tiết của bóng nước trên da.

    Ngoài ra, người lớn có thể mang virus từ ngoài về lây cho trẻ nhỏ, từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Nhiều người thắc mắc vì sao con mình chỉ ở nhà vẫn mắc bệnh, điều này chứng tỏ có người lớn mang virus về lây cho bé.

    Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng, hoảng sợ, chỉ cần phát hiện sớm, điều trị đúng cách sẽ không có biến chứng nặng và tử vong. Ví dụ, khi biết được đang là mùa dịch chân tay miệng, phụ huynh nên lưu ý, để ý con có tiếp xúc gần với trẻ mắc bệnh hay không. Cha mẹ nên chú ý để dự phòng bệnh sớm.

  • Bạn Thanh An hỏi:

    Trên một số diễn đàn về chăm sóc trẻ, nhiều phụ huynh mách nước rằng kiêng nước, kiêng gió, kiêng ra ngoài sẽ giúp trẻ mắc tay chân miệng nhanh khỏi, điều này có đúng hay không thưa bác sĩ?

    Việc kiêng gió, kiêng nước với trẻ mắc bệnh tay chân miệng là quan niệm rất sai lầm. Tôi cũng nhiều lần chứng kiến những phụ huynh có biện pháp tương tự và hậu quả là trẻ chuyển nặng hơn.

    Do đó, với trẻ tay chân miệng, chúng ta nên cho con tắm rửa sạch sẽ, sinh hoạt trong điều kiện thoáng mát, vệ sinh cơ thể bình thường. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, các nốt loét và bóng nước càng dễ nhiễm trùng hơn, lúc này trẻ dễ rơi vào nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.

    Tay chân miệng có thể tái nhiễm, nghĩa là sẽ bị đi bị lại, chứ không phải chỉ mắc một lần. Do đó, nếu trong nhà cho một người bị, thì cứ vệ sinh tắm rửa sạch sẽ bình thường, với trẻ em, chủ yếu là cách chăm sóc, theo dõi dấu hiệu chuyển độ, trong khoảng trong 10 ngày là an tâm. Khi nào nhiễm chủng virus khác (tay chân miệng có nhiều chủng virus) lại thì mới dễ tái nhiễm, do đó, phụ huynh không nên cách ly thái quá hay kỳ thị trẻ.

  • Bạn Hạ Vũ hỏi:

    Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. Khá giống sốt xuất huyết, vì sao căn bệnh xuất hiện khá lâu mà đến nay chúng ta chưa có vaccine phòng bệnh?

    Cá nhân tôi và Bệnh viện Nhi đồng 1 đang tham gia nghiên cứu vaccine tay chân miệng trong nước. Sau 2 năm phòng chống dịch Covid-19, chương trình đang khởi động lại, tôi nghĩ trong thời gian tới, chúng ta sẽ có gì đó rất hứa hẹn bởi vaccine được thử nghiệm trên người Việt Nam.

    Hiện chưa thể nói trước được điều gì nhưng chúng ta cứ hy vọng sẽ có hướng khởi sắc với vaccine tay chân miệng.

    truc tuyen ve benh tay chan mieng anh 6

  • Bạn Thế Bảo hỏi:

    Trường hợp nào mắc bệnh tay chân miệng thường có nguy cơ diễn biến nặng hơn?

    Với bệnh sốt xuất huyết, béo phì và người có bệnh lý nền là yếu tố có nguy cơ diễn tiến nặng. Nhưng bệnh tay chân miệng thì không giống như vậy.

    Yếu tố nguy cơ có thể xảy ra với bất kỳ trường hợp nào nếu những ngày đầu không được theo dõi sát, bỏ qua thời điểm vàng (sốt không hạ, giật mình chới với ngủ, suy hô hấp). Lúc này trẻ có thể rơi vào biến chứng thần kinh, sau đó tiến triển biến chứng tim mạch, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, suy hô hấp.

  • Bạn Mạnh Khôi hỏi:

    Trong những năm gần đây, người ta cho rằng có sự xuất hiện của chủng Enterovirus 71 gây bệnh cảnh nặng hơn và nhiều biến chứng hơn, bác sĩ có thể lý giải cụ thể hơn về chủng này?

    Tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp nhất là virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Chúng gây biến chứng nặng, chủ yếu ở thần kinh, tuần hoàn, có thể dẫn đến tử vong nếu phát hiện muộn. Chúng xuất hiện đã lâu, không phải chủng mới.

    Rút kinh nghiệm từ những mùa dịch trước, chúng ta đã có phác đồ rõ ràng. Ta áp dụng phác đồ cộng thêm kinh nghiệm phòng chống, chăm sóc, điều trị, kết hợp tuyên truyền cho cộng đồng và tăng cường dự phòng khi mùa dịch đến sẽ giảm mạnh số ca mắc. Khi số ca mắc giảm, bệnh nhân nặng ít. Vì vậy, chi phí nằm viện cũng giảm bớt và không có ca tử vong.

  • Bạn Đức Minh hỏi:

    Sự giao lưu tiếp xúc của người lớn có thể là nguồn lây nhiễm tay chân miệng cho trẻ nhỏ tại nhà hay không, thưa bác sĩ?

    Khi đi làm hay thăm người bệnh về, bạn có thể là người mang trùng. Lúc này, nếu chưa vệ sinh kỹ, tắm rửa sạch sẽ, bạn sẽ chính là nguồn lây bệnh cho trẻ nhỏ.

  • Bạn Trường Sơn (Đồng Nai) hỏi:

    Như vậy, đường lây nhiễm của bệnh này khá giống Covid-19?

    Nhìn lại bạn sẽ thấy những điểm khác nhau. Covid-19 lây qua hô hấp, giọt bắn, tiếp xúc gần. Với tay chân miệng, nó những là bệnh truyền nhiễm tương tự.

    Tuy nhiên, ngoài tiếp xúc gần thì chúng có thể lây qua giọt bóng nước, dịch tiết từ mũi miệng, chất thải ra không được xử lý, môi trường chưa vệ sinh sạch, có nhiều virus cũng là nguy cơ lây nhiễm.

    Nhìn chung, hai bệnh này khác nhau. Covid-19 có thể lây lan từ người lớn đến trẻ nhỏ, không trừ ai. Với tay chân miệng, ta thường gặp ở trẻ nhỏ.

    truc tuyen ve benh tay chan mieng anh 7

  • Bạn Hoài An hỏi:

    Thời điểm nào trong năm là giai đoạn tay chân miệng có nguy cơ bùng phát cao nhất?

    Tháng 4-6 và 9-12 thường là thời gian cao điểm của dịch tay chân miệng, đợt sau nhiều hơn so với đợt trước. Tại khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca nhiễm bắt đầu tăng nhiều từ đầu tháng 4 đến nay.

    Hiện khoa có 30-40 trẻ mắc tay chân miệng điều trị nội trú, số ca ngoại trú dao động khoảng trên dưới 100 ca/ngày.

    Thông thường, đợt tháng 4-6 số ca sẽ tăng cao nhưng cao nhất vào mùa sau, tức từ tháng 9 đến tháng 12. Do đó, đến mùa sau, tôi tiên lượng ca nhiễm có thể tăng nhiều hơn.

  • Bạn Quang Đăng hỏi:

    Với trẻ điều trị tại nhà, trừ người chăm sóc ra, phụ huynh có cần cách ly con ở phòng riêng và hạn chế tiếp xúc với tất cả người thân trong gia đình và nên làm gì để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, thưa bác sĩ?

    Thứ nhất, cha mẹ cần có paracetamol cho bé uống khi sốt từ 38,5 độ C. Trẻ đau miệng thì dùng 6 giờ/lần. Điểm khác sốt xuất huyết là trong bệnh lý tay chân miệng, WHO và Bộ Y tế cho dùng ibuprofen, có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm.

    Nếu miệng đau, phụ huynh có thể cho dùng thuộc dạng nhũ tương, gel trét vào miệng. Trẻ nhỏ chống chỉ định với thuốc tê. Trẻ dưới 5 tuổi mắc tay chân miệng nhiều nên càng không được dùng thuốc này.

    Thứ hai là dinh dưỡng, trẻ đau miệng nên không ăn được. Cha mẹ cần ưu tiên thức ăn bé thích, thức ăn nguội, soup mát... Thức ăn mát lạnh nhưng không nên cho ăn kem. Đặc biệt, bé cần uống nhiều nước, thiếu nước gây khô môi, càng khiến tình trạng nặng.

    Cách ly 10 ngày là thời gian an toàn, lúc này sự đào thải virus không còn. Thời điểm này trẻ có thể trở lại đi học.

    truc tuyen ve benh tay chan mieng anh 8

Dịch tay chân miệng

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm