- Trong 4 tháng đầu năm, tại 20 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam, số trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết là 18, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
- Tại TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận tổng cộng 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021(7.039 ca), đã có trường hợp tử vong.
- Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua đường muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt.
- Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh này.
Sáng 7/6, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, có buổi tư vấn trực tuyến lý giải những thắc mắc của độc giả trên Zing News về nguyên lý lây nhiễm, biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết.
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến căng thẳng, để giúp độc giả hiểu về căn bệnh này cũng như cách phòng tránh, điều trị, Zing News tổ chức buổi tư vấn trực tuyến cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh.
- 2022-06-07 10:00+0700
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Tại sao tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trẻ em cao hơn so với người lớn? Nhóm người lớn có nguy cơ chuyển nặng khi mắc sốt xuất huyết hay không?
Những năm gần đây, sốt xuất huyết có khuynh hướng chuyển dịch tỷ lệ mắc từ trẻ em sang người lớn, trẻ lớn. Trong đó, tỷ lệ người lớn bị sốt xuất huyết khá cao, thậm chí chuyển biến nặng. Do đó, chúng ta không nên chủ quan rằng người lớn không bị muỗi cắn, không bị sốt xuất huyết. Muỗi vằn bay xung quanh ở khắp nơi, thường đốt vào ban ngày, sinh sản nhanh trong mùa mưa. Vì vậy, người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh và bị nặng.
-
Tại sao cùng mắc bệnh sốt xuất huyết, có người không bệnh nặng nhưng có người lại chuyển rất nặng?
Các nghiên cứu về sốt xuất huyết đến nay đã khá rõ ràng. Trong đó, 2 trường hợp có nguy cơ chuyển biến nặng là trẻ nhỏ (nhũ nhi) và trẻ thừa cân, béo phì.
Với trẻ nhũ nhi, mắc sốt xuất huyết, diễn biến thường khá phức tạp và khó đoán do khả năng đánh giá huyết áp, triệu chứng khó nhận biết. Trẻ không nói được nên biểu hiện như đau mệt, mệt mỏi không xác định được.
Nhóm thừa cân, béo phì thường khó điều trị, nguy cơ chuyển biến nặng rất cao. Không riêng gì sốt xuất huyết, hầu hết người có thể trạng thừa cân, béo phì thường có khả năng chuyển nặng cao hơn khi mắc bệnh.
Số lượng trẻ mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị đang gia tăng tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
-
Có trường hợp nào bị sốt xuất huyết nhưng không có biểu hiện gì, không xuất huyết hay không thưa bác sĩ?
Có chứ! Chúng ta ghi nhận những người bị sốt xuất huyết thoáng qua, không có triệu chứng cụ thể nên không hay biết. Những trường hợp này, bác sĩ cần xét nghiệm máu mới có thể xác định được.
-
Sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú tại nhà. Vậy khi nào trẻ có thể được điều trị ngoại trú tại nhà? Khi nào cần đưa đến bệnh viện theo dõi?
Bệnh nhân sốt xuất huyết đa số có thể được điều trị tại nhà. Chúng ta không thể cho tất cả trẻ nhập viện điều trị vì sẽ gây thiếu giường bệnh. Do đó, phụ huynh phải nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo.
Thông thường, trẻ có dấu hiệu sốt cần được theo dõi sát trong vòng 48 giờ. Sau 48 giờ, việc theo dõi rất quan trọng, bởi các dấu hiệu có thể thay đổi liên tục từ sáng đến chiều.
Cha mẹ cần chú ý biểu hiện nôn ói, than đau mỏi người, xuất huyết chân răng, xuất huyết da. Lúc này, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ kiểm tra xem các dấu hiệu này có phải là nặng hay không, nếu không có gì bất thường, bé sẽ về điều trị tại nhà, sau đó hẹn tái khám.
Việc hẹn tái khám thường xuyên rất quan trọng, do đó phụ huynh cần hợp tác với bác sĩ. Có những phụ huynh than phiền rằng việc tái khám, xét nghiệm nhiều không cần thiết, nhưng thực tế điều này rất quan trọng. Bác sĩ phải xét nghiệm hoặc đo chỉ số đông đặc máu để chỉ định trẻ cần thiết truyền dịch hay không.
Một số trẻ nhập viện điều trị nội trú nhưng phụ huynh cần quan sát biểu hiện của trẻ, hợp tác với bác sĩ.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần quan sát các biểu hiện như trẻ lạnh tay chân, li bì, tỉnh táo, nói chuyện được hay đại tiện ra máu nhưng thực tế đang có nguy cơ sốc sốt xuất huyết, lúc này cần được cấp cứu ngay.
Thông thường, nguy cơ chuyển nặng rơi vào ngày thứ 2 đến 5. Sau ngày thứ 7, trẻ sẽ ổn định nếu không có gì bất thường. Những biểu hiện đa số phụ huynh rất sợ như thấy trẻ phát ban nhiều, ngứa tay chân.
Thực tế, trong chuyên môn, chúng tôi gọi là ban hồi phục. Lúc này, trẻ bị ban gây ngứa nhưng đây là dấu hiệu sắp hết bệnh.
-
Bác sĩ đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam kể từ sau Covid-19 đến nay?
Với tình hình sốt xuất huyết năm nay, có nhiều lý do là muỗi vằn đi theo mùa mưa, phát triển khá nhanh. Chúng ta cũng có thời gian dài hơn 2 năm không có miễn dịch. Bên cạnh đó, người dân và ngành y tế địa phương cũng lơ là phòng chống dịch. Vì vậy, nhiều tình huống trẻ tử vong không kịp trở tay. Do đó, chúng ta nên có cảnh báo là trẻ sốt liên tục 48 giờ phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.
-
Vấn đề đáng lo ngại là sốt xuất huyết hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc chống sốc sốt xuất huyết cũng là trở ngại đối với ngành y tế nhiều năm qua. Thưa bác sĩ, vì sao sốt xuất huyết đã lưu hành từ rất lâu mà đến nay tiến độ về vaccine cũng như thuốc điều trị vẫn chưa có nhiều thông tin?
Có nhiều lý do. Thứ nhất, sốt xuất huyết hoành hành ở nước nghèo. Việc nghiên cứu vaccine thường ở những nước có nền y khoa tiên tiến. Tuy nhiên, họ không đầu tư vaccine. May mắn, một nghiên cứu vùng Nam Mỹ đang điều chế vaccine khá tốt cho lứa tuổi từ 4 đến trên 60. 1-2 năm nữa có thể sẽ có vaccine sốt xuất huyết. Nếu có vaccine, chúng ta hy vọng có thể giảm được gánh nặng. Tuy nhiên, trong thời gian không có vaccine, chúng ta cần tiếp tục biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng, giảm thấp nhất hậu quả của dịch bệnh.
Bác sĩ Khanh cho rằng nếu có vaccine, bệnh sốt xuất huyết bớt gánh nặng. Ảnh: Phương Lâm.
-
Làm thế nào để nhận biết trẻ có nguy cơ chuyển nặng hay không khi đã hạ sốt vào ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh?
Sốt trong sốt xuất huyết không tương đương với bệnh nặng. Trong khi sốt xuất huyết, người bệnh hết sốt vẫn có thể bệnh nặng. Một số trẻ vẫn tỉnh táo, không sốt nhưng thực tế đang chuyển nặng. Do đó, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi, chờ đợi hết ngày thứ 5, 6 để đánh giá tình trạng. Lúc đó, chúng ta mới có thể yên tâm.
-
Với Covid-19, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày. Vậy với sốt xuất huyết, chúng ta có mốc thời gian tương tự cảnh báo nguy cơ chuyển nặng hay không?
Sốt xuất huyết khác Covid-19. Bệnh nhân thường trở nặng sau 48 giờ. Sốt xuất huyết không tính theo ngày. Mỗi ngày là 24 giờ, nếu tính đủ số giờ, thường ngày thứ 2-5, người bệnh có nguy cơ chuyển nặng. Một số trường hợp khác có thể chuyển nặng từ ngày thứ 6, các mức cảnh báo có thể là sốc, xuất huyết, tổn thương đa cơ quan.
-
Có 2 loại thuốc được khuyến cáo không được sử dụng là aspirin và Ibuprofen, liệu nó có liên quan gì đến tình trạng rối loạn đông máu hay không thưa bác sĩ?
Aspirin và Ibuprofen không liên quan đến tình trạng rối loạn đông máu. Trong sốt xuất huyết, bác sĩ thường dựa vào 2 chỉ số là mức độ cô đặc máu và số lượng tiểu cầu. Cô đặc máu khiến chỉ số HCT tăng lên, tế bào tiểu cầu giảm xuống. Tế bào tiểu cầu giảm xuống dễ gây xuất huyết. Trong khi đó, thuốc Aspirin và Ibuprofen có thể góp phần làm tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh tại buổi trực tuyến và tham gia Podcast về bệnh sốt xuất huyết của Zing News. Ảnh: Phương Lâm.
-
Tình trạng tương đối nặng khá phổ biến ở người mắc sốt xuất huyết là máu đông đặc, lúc này đa số cơ sở y tế địa phương đều chuyển người bệnh lên tuyến trên. Tình trạng đông đặc máu này nguy hiểm như thế nào và bác sĩ thường sẽ xử trí ra sao?
Chính xác là máu cô đặc. Khi mạch máu giãn nở ra, huyết tương thấm ra ngoài nhiều hơn. Trong khi đó, máu gồm huyết tương và các tế bào (hồng cầu, bạch cầu), huyết tương thấm ra ngoài sẽ chỉ còn hồng cầu. Việc không có huyết tương khiến máu cô đặc lại. Từ sự cô đặc, người ta có thể sử dụng xét nghiệm để đánh giá mức độ cô đặc máu. Thông thường, chỉ số đánh giá cô đặc máu (HCT) ở mức bình thường là 35-40. Khi cô đặc, nồng độ có thể vượt lên 40, thậm chí đến 45-46 HCT.
-
Sốt xuất huyết chủ yếu gây tình trạng sốt cao, xuất huyết niêm mạc, vậy vì sao những người chuyển nặng có bệnh cảnh có suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan?
Số xuất huyết được đặt tên là sốt + xuất huyết. Mô tả bệnh cảnh như xuất huyết dưới da, nội tạng, vùng chân răng. Tuy nhiên, điểm chính là virus làm cơ thể tạo phản ứng kháng nguyên, kháng thể, tạo nhiều hóa chất làm mạch máu giãn nở, thoát huyết tương trong lòng mạch máu ra ngoài. Từ đó, bệnh nhân bị sốc, khiến cho người mắc chuyển biến nặng.
Thứ 2 là virus Dengue tấn công tế bào gan làm gan bị tổn thương. Khi sốc, lượng tưới máu đến tất cả cơ quan bị giảm. Máu không nuôi được cơ quan nên gây tổn thương cơ quan, thậm chí chúng ta thấy dịch trong mạch máu thoát ra ngoài phổi, chèn ép dẫn đến suy hô hấp. Quá trình xuất huyết làm thay đổi các chất trong máu, làm trầm trọng thêm nên gây tổn thương đa cơ quan.
Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết diễn biến nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
-
Khi mắc bệnh, đến ngày thứ mấy thì xét nghiệm virus Dengue đủ độ nhạy để xác định kết quả chính xác? Có cần thiết xét nghiệm hay không vì cháu nhà tôi rất sợ lấy máu?
Bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu để tìm virus Dengue. Người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm tìm kháng nguyên (thường ngày thứ 2-4 sẽ xuất hiện). Sau đó, họ tiếp tục tìm kháng thể (kháng lại Dengue), tùy theo ngày. Nếu xét nghiệm quá sớm sẽ tìm không ra. Trường hợp xét nghiệm quá muộn, kháng nguyên Dengue NS1 sẽ biến mất. Thậm chí, một số trẻ xét nghiệm không ra nhưng theo bệnh cảnh lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán sốt xuất huyết.
-
2019 cũng là một năm Việt Nam bùng phát đợt cao điểm dịch sốt xuất huyết Dengue với hơn 300.000 ca mắc, sau 2 năm ứng phó Covid-19, thì đến 2022, sốt xuất huyết quay trở lại với số ca tăng rất nhanh. Vậy năm nay có phải rơi vào đúng chu kỳ cao điểm của trận dịch sốt xuất huyết hay không thưa bác sĩ?
Thông thường, chu kỳ 3-4 năm sẽ có đợt bùng phát dịch. Từ 2019 đến 2022 là hơn 3 năm, chúng ta có thêm 2 năm dịch Covid-19 nên tâm lý lơ là, quên mất việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, chúng ta thấy số ca mắc bệnh tăng vọt lên. Bệnh nhân tử vong cũng tăng nhiều.
-
Với bệnh truyền nhiễm, thường khi mắc và khỏi bệnh, cơ thể sẽ có miễn dịch và tránh nguy cơ tái nhiễm, vậy có phải khi nhiễm sốt xuất huyết rồi thì sẽ có kháng thể chống lại virus Dengue và không mắc bệnh nếu bị muỗi cắn nữa hay không thưa bác sĩ?
Một người có thể mắc tối đa 4 lần do 4 chủng virus Dengue. Bạn mắc chủng này sẽ có miễn dịch nhưng khi mắc chủng thứ 2 sẽ nặng hơn. Giai đoạn sơ nhiễm thường nhẹ hơn nhiễm lần thứ 2, tuy nhiên không phải ai cũng vậy.
-
Xin bác sĩ cho biết con đường lây truyền của sốt xuất huyết và khả năng bùng phát dịch của căn bệnh này ở mức độ nào?
Trong thời gian mắc Covid-19, sự giãn cách tạo nên nhiều phiền toái nhưng việc hạn chế giao lưu khiến số lượng ca mắc các bệnh truyền nhiễm giảm xuống. Tuy nhiên, khi cuộc sống bình thường mới, sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm tăng lên.
Sốt xuất huyết lây qua đường muỗi đốt, trong đó, muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue. Nếu tiếp xúc người có mầm bệnh, chúng ta cũng không mắc bệnh.
Dù không ở chung nhà với người bệnh, khi bị muỗi cắn, người lành vẫn bị lây nhiễm, thậm chí chỉ ở nhà vẫn có thể mắc bệnh. Nghiên cứu cho thấy muỗi cắn người bệnh, virus tồn tại một thời gian trong chúng, do đó, trong vòng 7 ngày người bị cắn vẫn có thể mắc bệnh.
Việc phòng chống sốt xuất huyết không đơn thuần là tránh tiếp xúc người bệnh mà còn diệt muỗi, diệt lăng quăng. Muỗi có nhiều dòng khác khác, virus gây sốt xuất huyết sống trong muỗi vằn. Bên cạnh đó, muỗi vằn thường đốt ban ngày, điều này là nguyên nhân khiến nhiều người ở nhà, vào ban ngày vẫn bị sốt xuất huyết.
-
Do số ca mắc sốt xuất huyết nặng năm nay tăng cao nên nhiều người đặt nghi vấn liệu có phải do chủng virus khác lưu hành khác với mọi năm, bác sĩ Khanh có thông tin gì về chủng virus Dengue lưu hành năm nay không? Liệu virus Dengue có biến chủng gây bệnh nặng hay không?
Virus Dengue chỉ có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Thông thường theo quy luật, chủng virus Dengue nào biến mất lâu, khi trở lại thì khả năng gây bệnh nặng hơn. Muốn xác định virus Dengue nào, ta cần xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm cao cấp. Hiện nay, chưa rõ là type virus Dengue nào đang gây bệnh.
-
Tại xã của tôi đang ở thuộc huyện Bình Chánh, tôi chứng kiến người dân chúng ta còn khá chủ quan và không đặc biệt chú ý triệu chứng, phòng ngừa sốt xuất huyết, thực tế Bình Chánh đã có người tử vong vì căn bệnh này. Tôi rất băn khoăn vì sao sốt xuất huyết lại không được quan tâm nhiều mặc dù cũng là bệnh truyền nhiễm như Covid-19?
Trong năm, nhiều bệnh có thể dẫn đến triệu chứng sốt, người dân thường không nghĩ đến sốt xuất huyết. Đến giữa mùa mưa, sốt xuất huyết được cảnh báo nhiều nên người dân tăng cường cảnh giác, cuối mùa lại tiếp tục mất cảnh giác.
Do đó, việc phòng ngừa, xử lý sốt xuất huyết sớm sẽ giảm được số ca nhiễm xuống nhiều. Một thời gian dài đối phó với dịch Covid-19, chúng ta không gặp nhiều ca mắc sốt xuất huyết nên người dân quên đi, chỉ tập trung Covid-19 khiến việc phòng chống giảm xuống.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc phòng ngừa và xử lý sốt xuất huyết sớm sẽ giúp giảm số ca nhiễm, tử vong. Ảnh: Phương Lâm.
-
Con tôi sốt 2 ngày nhưng xét nghiệm máu tại bệnh viện thì bác sĩ không xác định được. Đến ngày thứ 4 thì mới xét nghiệm ra sốt xuất huyết. Xin hỏi bác sĩ chúng ta có dấu hiệu nào để nhận biết sớm khi mắc căn bệnh này?
Các dấu hiệu nhận biết sớm sốt xuất huyết là dự đoán, chúng ta không thể biết chính xác. Người sốt xuất huyết thường sốt cao khó hạ, tuy nhiên, điều này cũng có nhiều tác nhân, có thể do bệnh lý khác. Thông thường, vào mùa mưa, nếu người sốt liên tục 48h khó hạ, bạn nên nghĩ ngay đến sốt xuất huyết.