Đồng hồ điểm 16h30, bác sĩ Lư Lan Vi, Trưởng khoa nhi C Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, thay áo blouse trắng thành bộ võ phục, rồi bước đến sân tập cùng 30 đồng nghiệp khác.
Đã hơn 3 tháng kể từ khi người phụ nữ 37 tuổi theo học bộ môn võ Aikido. Cứ đến chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, nữ bác sĩ lại có mặt ở hội trường bệnh viện để tiếp tục học những động tác mới. Ngoài Lan Vi, nhiều bác sĩ, cán bộ y tế khác cũng theo học lớp võ này.
Trao đổi với Zing.vn, cô cho biết học võ để rèn luyện sức khỏe, giảm stress. “Nếu như mình có gặp trường hợp bị tấn công thì cũng được tự tin. Nhưng cái chính yếu vẫn là giúp bản thân khỏe mạnh, hiểu mình hơn”.
Tuy nhiên, vẫn có bệnh viện việc đặt mục tiêu các y, bác sĩ học võ để tránh bị bạo hành lên hàng đầu.
Thực hư bác sĩ học võ để chống bạo hành
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã tổ chức cho các y, bác sĩ học võ được gần 4 tháng. Ảnh: Lê Trọng. |
"Chưa bao giờ bạo lực lại có thể giải quyết được bạo lực. Chưa bao giờ bạo lực lại có thể trở thành giải pháp đúng đắn cả"
Bác sĩ Võ Xuân Sơn
Các lý do khiến người nhà tấn công thầy thuốc bao gồm bị nhắc nhở giữ trật tự, không đồng ý cách điều trị, không hài lòng vì sự chậm trễ, yêu cầu chuyển viện chưa được đồng ý, người nhà tử vong.
Võ không phải biện pháp chống bạo hành?
Trao đổi với Zing.vn, bà Ngọc Linh, nhận định vấn đề bác sĩ bị bạo hành bởi bệnh nhân, gia đình bệnh nhân chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.
Theo bà, người bệnh, thân nhân say rượu hay phê thuốc không làm chủ được hành vi dẫn đến hành hung bác sĩ không phải nguyên nhân cốt lõi vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Những người tỉnh táo, trí thức cũng có thể vì rất nhiều lý do khác dẫn đến hành vi không có sự kiềm chế của bản thân.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu học võ để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Lê Trọng. |
Bà Linh nhận định biện pháp để bác sĩ, cán bộ y tế chống bị bạo hành là khơi gợi những cảm xúc tích cực từ cả hai phía.
Quan điểm trên góp phần giải quyết vấn đề về sự thay đổi thái độ phục vụ, giao tiếp của một số ít bác sĩ, nhân viên y tế vẫn còn chậm trong bối cảnh hiện nay.
Ví dụ, những trường hợp bác sĩ nói trống không, gắt gỏng, xử lý chậm, làm tắt quy trình, giải thích chưa cặn kẽ... vẫn diễn ra hàng ngày, khiến bệnh nhân và người nhà của họ không ngại “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đối với các y, bác sĩ.
Bà Ngọc Linh cho rằng ở cương vị người thầy thuốc, họ phải có thái độ cư xử hòa nhã, lịch sự với người bệnh. “Bác sĩ phải luôn cố gắng cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chủ động, giải toả cảm xúc tiêu cực cho người bệnh và thân nhân của họ”, bà nhấn mạnh.
TS.BS Vĩnh Châu cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng cách giải quyết hiệu quả là người bác sĩ cố gắng giao tiếp, giải thích cho bệnh nhân hiểu vấn đề.
“Ở bệnh viện của tôi, trường hợp nếu quá căng thẳng thì sẽ có lực lượng an ninh can thiệp”, ông nói thêm.
Học võ không phải là biện pháp lâu dài để phòng vệ cho bác sĩ. Ảnh: Lê Trọng. |
Ngoài ra, ở khía cạnh người bệnh, thân nhân cố gắng chia sẻ những câu chuyện, bày tỏ sự đồng cảm để xoá dần khoảng cách với bác sĩ. Hoặc ít nhất cũng tự tìm hiểu và có cách thức để nhân viên y tế phải hợp tác với mình, cung cấp đầy đủ thông tin cho mình.
“Bảo vệ của bệnh viện cần chủ động xuất hiện ngay khi có bệnh nhân - thân nhân lớn tiếng, làm cho con người dù giận nhưng không "mất khôn", nhân viên y tế vững tâm lý làm việc, giải thích rõ ràng hơn” - bà Phan Linh nhấn mạnh.
Còn với quan điểm của Ths. Văn Thị Thúy Hường, việc thay đổi tư duy và nhận thức của bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế theo hướng cởi mở hơn sẽ giúp họ thấu hiểu đặc thù và sự khắc nghiệt của nghề nghiệp, bối cảnh xã hội, nhu cầu của người dân để từ đó xác định rõ tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc.
Sau cùng, Ths. Hường kết luận ngành y tế (Bộ và các đơn vị y tế), với sự hỗ trợ của truyền thông cần có nhiều biện pháp dưới nhiều hình thức để người dân tôn trọng, thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm với những vất vả, gian nan của nhân viên y tế, và vai trò của nhân viên y tế đối với việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.