Vừa kết thúc ca trực, bác sĩ Khamsouk Luangphommaseng (29 tuổi) nhận được tin nhắn của gia đình ở Lào: "Cố lên con nhé".
3 năm qua, Khamsouk chưa một lần về thăm nhà do bận công việc và mắc kẹt ở Việt Nam vì dịch bệnh. Khi Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, anh đăng ký tham gia chống dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi mình đang theo học.
"Sau 9 năm sống tại Việt Nam, nơi đây đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi. Tôi muốn đóng góp chút sức lực cùng các đồng nghiệp dập dịch, chữa trị cho các F0", anh nói.
"Không thể làm ngơ khi TP.HCM có dịch"
Chia sẻ với Zing, Khamsouk cho biết anh đến Việt Nam vào năm 2012, bắt đầu học tiếng Việt tại CĐ Sư phạm Huế. Vừa học ngoại ngữ, anh vừa ôn luyện với mục tiêu thi đậu ĐH Y Dược Huế.
Nỗ lực học tập của anh được đền đáp xứng đáng khi anh đỗ chuyên ngành Y Đa khoa tại ngôi trường mơ ước, sử dụng tiếng Việt thành thạo như người bản xứ.
Khi việc học bị gián đoạn vì dịch bệnh, bác sĩ Khamsouk quyết định đăng ký tham gia chống dịch ở TP.HCM. |
"Những ngày đầu đặt chân đến một đất nước xa lạ, tôi nhớ nhà và tủi thân lắm. Tôi luôn động viên bản thân phải cố gắng mỗi ngày vì đam mê nghề y", Khamsouk kể lại.
Năm 2020, anh tốt nghiệp đại học và băn khoăn tìm hướng đi tiếp theo cho mình.
Giữa đi làm và tiếp tục học lên cao, Khamsouk chọn đăng ký học khóa 18 tháng ở Bệnh viện Chợ Rẫy để nâng cao kiến thức và tiếp xúc với môi trường mới.
Đến TP.HCM từ tháng 3/2021, song kế hoạch học tập của anh lại bị xáo trộn vì dịch bệnh. Tại thời điểm ấy, bác sĩ người Lào lập tức đăng ký tham gia chống dịch.
"Tôi đang sống và học tập ở TP.HCM, khi thành phố cần mình thì không thể làm ngơ được. Vì thế, tôi xin về khoa Cấp cứu tại chính nơi mình đang học để hỗ trợ tuyến đầu", anh nói.
Bác sĩ cũng cho biết người thân ở quê nhà khá lo lắng khi biết tin anh tham gia chống dịch tại Việt Nam.
"Ban đầu, gia đình lo tôi ở đây có một thân một mình, cũng chưa được tiêm vaccine và Covid-19 lại phức tạp. Dần dần, tôi cũng thuyết phục được gia đình, được tiêm chủng đầy đủ và sẵn sàng cùng các đồng nghiệp làm việc", anh nói.
"Giấc ngủ lúc đó xa xỉ lắm"
Trước khi công tác tại khoa Cấp cứu điều trị F0, Khamsouk và các đồng nghiệp phải tham gia lớp tập huấn để trang bị kiến thức về Covid-19, từ phương pháp điều trị, thao tác mặc/tháo bỏ đồ bảo hộ và nghe các bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
Anh tiết lộ rằng mỗi ngày, khoa Cấp cứu sẽ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 để khám sàng lọc, đánh giá và phân loại theo mức độ nặng - nhẹ. Ngoài ra, các bác sĩ còn phải gọi điện tư vấn, giải thích tình trạng của F0 cho người thân.
Bác sĩ tình nguyện Khamsouk cảm thấy tiếc nuối, xót xa khi chứng kiến F0 qua đời vì Covid-19 sau nhiều nỗ lực cứu chữa. |
Với Khamsouk, trải nghiệm hỗ trợ chống dịch tại tuyến đầu khó khăn hơn những gì anh từng tưởng tượng.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8 là thời điểm khoa tiếp nhận số ca mắc Covid-19 lớn nhất, công việc cũng trở nên áp lực, căng thẳng hơn rất nhiều.
"Chúng tôi làm việc liên tục, chẳng ai nói chuyện với nhau nhiều vì tính chất công việc. Các y, bác sĩ mặc đồ bảo hộ suốt, mồ hôi chảy như tắm, lại dễ mất nước nhưng vẫn gắng gượng tới khi giao ca", anh kể.
Khamsouk nói thêm rằng với đội ngũ nhân viên y tế, giấc ngủ trở thành thứ xa xỉ, hiếm khi có được. Với họ, ngày như đêm, mà đêm cũng giống như ngày vì luôn trong trạng thái sẵn sàng lao vào phòng cấp cứu cho bệnh nhân.
Nhiều khi, anh chẳng thể ăn uống được gì vì quá mệt, chỉ muốn được ngả lưng vài phút trước khi quay lại công việc.
Với anh và các đồng nghiệp, nỗi vất vả ấy sẽ được xoa dịu khi chứng kiến các bệnh nhân hồi phục, xuất viện và trở về với gia đình. Còn khi thấy người bệnh qua đời vì Covid-19, cả đội lại chìm trong tâm trạng tiếc nuối.
"Nhiều trường hợp không thể vượt qua dù chúng tôi đã cố gắng hết mình. Cảm giác ấy buồn lắm, tôi chỉ biết nắm chặt tay, nói lời chia buồn với thân nhân của họ mà thôi", bác sĩ thở dài.
Ngày 5/10, Khamsouk cùng 4 bác sĩ khác được chuyển đến hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP Thủ Đức sau 2 tháng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chia sẻ với Zing, anh cho biết số lượng bệnh nhân nặng và các ca tử vong đang giảm dần là tín hiệu mừng cho tất cả y, bác sĩ. Giờ, công việc bớt căng thẳng hơn trước, anh cũng có thời gian gọi điện, chia sẻ với gia đình.
"Nếu dịch bệnh không bùng phát, có lẽ tôi có thể về thăm nhà sớm hơn rồi. Tôi thường xuyên gọi điện hỏi thăm, dặn dò cả nhà chú ý an toàn vì dịch bệnh ở Lào vẫn phức tạp. Được nghe tiếng ba mẹ, tôi thấy vững tâm hơn", Khamsouk cười, nói.
Hiện tại, anh vẫn nỗ lực điều trị các F0 cùng đội ngũ nhân viên y tế, đếm ngược từng ngày tới khi dịch Covid-19 ở TP.HCM ổn định lại.
"Khi hết dịch, tôi sẽ tiếp tục học khóa 18 tháng ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi mong sẽ có cơ hội được khám chữa bệnh cho người dân Việt Nam và về thăm nhà trong thời gian sớm nhất".