Hôm nay là ngày đầu Nhật Hảo chạy lại sau gần 2 tháng phải nghỉ vì dịch.
“Trong nhà nhiều việc lu bu nên tôi phải sắp xếp mất cả buổi sáng, đến 12h bắt đầu nhận đơn chạy nên chưa kịp ăn uống gì. Hơn 3 tiếng tôi nhận được khoảng 6 đơn, chạy sang quận 7 rồi vòng về Gò Vấp, kiếm được 200.000 đồng”, Hảo nói với Zing.
Dù nhiều shipper đã hoạt động trở lại, anh vẫn ngần ngại vì tiêm vaccine chưa đủ số ngày, một phần vì sợ dịch bệnh phức tạp. Trong nhà có ba mẹ đã lớn tuổi, Hảo lo lắng sẽ lây nhiễm cho gia đình.
Vì nhà xa, anh Ngô Xuân Đại (shipper) ngồi ăn trưa tạm ở vỉa hè. |
Từ ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách, nhiều shipper vui mừng khi việc đi lại thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, họ vẫn còn lo lắng vì đặc thù công việc thường xuyên di chuyển và tiếp xúc nhiều người, làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Những ngày này, khi quán ăn, tiệm cà phê chưa được cho phép khách ngồi lại, không khó để bắt gặp hình ảnh các shipper như Nhật Hảo tranh thủ ngồi ăn trưa ngay trên ghế đá, bãi cỏ, vệ đường rồi tiếp tục công việc.
Đã quen với ăn nhanh, nghỉ vội
“Gia đình có kinh doanh nhưng vì dịch bệnh nên ế ẩm. Suốt mấy tháng tôi thất nghiệp, kinh tế trong nhà cũng rơi vào khó khăn. Em tôi năm nay lên lớp 11 cần mua sắm sách vở đồ dùng nữa. Là lao động chính trong nhà, tôi phải cố gắng chạy để kiếm tiền trang trải”, tranh thủ bữa ăn, Nhật Hảo kể.
Giống như nhiều shipper khác, Hảo đã quen với việc ăn uống không đúng giờ giấc. Nhiều khi, anh cố gắng giao xong đơn hàng mới dám nghỉ chân.
Bữa trưa, anh cố tình chọn chỗ vắng vẻ để ngồi, không làm ảnh hưởng tới ai và tránh nguy cơ lây nhiễm.
Ngày đầu giao hàng trở lại, Nhật Hảo thấy số lượng đơn hàng nhận được cao hơn trước đây, tuy nhiên phí ship không còn được tính hệ số.
“Lúc trước do đi lại khó khăn, có nhiều chốt chặn nên phí ship được nhân 2. Bây giờ mỗi đơn hỏa tốc, trong 4 km đầu tiên có giá 23.000 đồng, trừ thuế đi thì tôi còn lại khoảng 20.000 đồng. Nếu đi đơn giá rẻ, shipper nhận về khoảng 16.000 đồng. Mỗi ngày phải chạy gần 20 đơn thì tôi mới đủ tiền trang trải sinh hoạt cho cả gia đình”.
Anh Tuân cùng bạn ngồi ăn trưa ở công viên đối diện trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trên đường Võ Văn Ngân. |
Khu vực công viên đối diện trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) là nơi nhiều tài xế giao hàng tập trung để nghỉ ngơi, ăn uống vào buổi trưa.
Anh Tuân, một shipper giao đồ ăn, cho biết thích ngồi ở đây vì có cây cối thoáng mát, còn có thể trò chuyện với những người đồng nghiệp.
“Làm shipper lâu nên tôi đã quen với cảnh ngồi ăn vệ đường, ngủ trên ghế đá, cạnh gốc cây. Dù đến lúc quán xá cho ngồi lại, tôi cũng muốn ra đây để hít thở chút không khí trong lành”.
Còn anh Tú Anh, sau bữa trưa, anh tranh thủ nằm chợp mắt trên xe máy trong lúc chờ có đơn hàng tiếp theo. Dù ngồi trò chuyện với bạn hay nằm nghỉ ngơi, anh luôn đeo khẩu trang cẩn thận.
“Mỗi ngày chạy mười mấy tiếng cũng chỉ kiếm được mấy trăm nghìn nên tôi cố gắng tiết kiệm hết mức. Nếu vào nằm nghỉ ở những quán cà phê võng thì rẻ nhất cũng tốn 25.000-30.000 đồng. Những tài xế như chúng tôi hay chợp mắt ở chỗ có các anh em để có người canh chừng giúp”, anh nói.
Những shipper nghỉ ngơi, ăn uống trên vỉa hè, công viên. |
Vừa giao xong đơn đồ ăn cho khách, Phạm Thành (21 tuổi) một mình ngồi nghỉ chân trước cửa hàng trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận).
Hộp cơm mua từ 2 tiếng trước, khi định ăn thấy app “nổ” đơn mới. Anh vội cất lại rồi lên xe đi tiếp.
“Cơm nguội ngắt rồi nhưng ăn tạm vẫn được, mình không nề hà gì. Hôm nay được ăn giờ này cũng là sớm rồi, nhiều hôm mải đi, đến tối về nhà mình mới nhớ còn nguyên hộp cơm trưa”, anh chàng shipper vui vẻ nói.
Quê ở Bến Tre, lên TP.HCM chạy xe công nghệ đã 2 năm nay, đến khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều đợt, anh Thanh vẫn cố bám trụ lại vì sợ về quê không biết làm gì, phần vì sợ làm lây lan bệnh dịch cho người nhà.
“Đợt này ai về được mình cũng mừng cho người ta, họ cũng chịu khổ không nổi nữa. Tôi may mắn hơn, nhận được tiền hỗ trợ, được phường cho gạo với thực phẩm, chủ nhà cũng không lấy tiền phòng. Tôi cũng đã được tiêm vaccine rồi nên giờ yên tâm hơn nhiều”.
Nhiều tháng dịch bệnh, không được về thăm gia đình, cũng chẳng có đồng ra đồng vào để gửi về phụ cha mẹ, Thành chỉ biết cố gắng cày cuốc chăm chỉ hơn để có thêm chút tiền tiết kiệm.
"Mấy tháng nữa đường đi lại dễ hơn, tôi sẽ về thăm ba mẹ. Mong lúc đó đã có 1 khoản dắt lưng. Có thể ba mẹ không cần, nhưng mình muốn gửi. Mình ở đây, còn trẻ, còn khỏe, chăm chỉ chút là có tiền. Chứ kinh tế khó khăn thế này, ai mà chẳng vất vả, đâu phải riêng mình", Thành kết luận.