“Đọc xong tin này tim tôi như thắt lại, dù không biết ông ngoài đời nhưng thấy ông thân thương cùng các đồng nghiệp và hình ảnh mọi người trong viện nước mắt chảy dài khi tạm biệt ông tôi như muốn khóc theo họ. Cuộc sống là vậy, cứ cho đi rồi khi nhận lại sẽ là quả ngọt”, bạn Linh Lam chia sẻ trên Zing.vn.
Đây chỉ là một trong hàng trăm độc giả bày tỏ sự nghẹn ngào và nuối tiếc khi nhìn thấy hình ảnh gần 1.000 người xếp hàng vẫy tay chào ông trong nước mắt được ghi lại trong buổi chia tay sáng 2/10. Họ chào tạm biệt người lãnh đạo, người thầy, bác sĩ của mình sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Hình ảnh trong ngày chia tay GS. Nguyễn Anh Trí thật sự rất hiếm thấy.
Hành động cần được nhân rộng
Những ngày gần đây, các trang mạng xã hội phổ biến từ Facebook, Youtube cho đến những tờ báo lớn ngập tràn chia sẻ của bạn đọc bày tỏ sự hụt hẫng, quyến luyến khi Viện trưởng GS. Nguyễn Anh Trí về hưu.
Trên Trang Fbacbook cá nhân, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định nghỉ hưu của Viện trưởng. |
Sở dĩ GS. Nguyễn Anh Trí được mọi người yêu mến không chỉ vì ông là bậc thầy về ngành huyết học truyền máu của Việt Nam mà với bệnh nhân, đồng nghiệp vị giáo sư 60 tuổi luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt, tận tâm, nhân ái và đầy bao dung.
Bạn Mai Anh chia sẻ: “Mới gặp bác ở ngoài đời một lần khi bác ngang qua tầng 6 của Viện, nơi con mình đang điều trị tại đó. Mình chào, bác đáp lại ‘Chào con’ và nở 1 nụ cười ấm áp. Mình đi rất nhiều bệnh viện, nhưng chưa có nơi nào bệnh nhi lại được quan tâm và chăm sóc chu đáo như nơi đây. Mong bác luôn khỏe mạnh và mọi sẽ luôn dõi theo từng bước đi của bác!”.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống tinh thần cho bệnh nhân, trong khoảng 10 năm làm Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, bác sĩ Trí cùng cộng sự đã thực hiện nhiều đổi mới như nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần, đưa rất nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu.
Sáng ngày 2/10 cùng hàng trăm bác sĩ, nhân viên, sinh viên và bệnh nhân đã chờ để được chào tạm biệt người lãnh đạo . Ảnh: Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương. |
Đặc biệt, ông cũng là người đi đầu trong việc thay đổi cách vận động hiến máu, phát triển phong trào sâu rộng với hàng loạt chương trình như lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ... Những việc làm trên tưởng trừng như đơn giản nhưng hiếm có viện nào làm được như vậy.
“Tôi đã có lần vào thăm người nhà tại bệnh viện, được tận mắt nhìn thấy cơ sở vật chất sạch đẹp, nghe một số bệnh nhân nói chuyện về công tác khám chữa bệnh chu đáo, chân tình, thân thiện của các y bác sỹ, nhân viên trong bệnh viện... Nay được nhìn thấy những hình ảnh của vị Viện trưởng, tôi thấy kính trọng và ngưỡng mộ ông vô cùng”, độc giả Mỹ Duyên viết.
Không dừng lại ở đó, trước khi nghỉ hưu, vị giáo sư cũng tham gia hiến máu lần cuối cùng trong đời ở tuổi 60 và tham gia cùng hầu hết cán bộ, y bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện đăng ký hiến mô tạng cho y học. Đây là đợt có số lượng người đăng ký hiến mô tạng lớn nhất từ trước tới nay.
Trước những việc làm trên của vị giáo sư 60 tuổi, bạn đọc Minh Quân khẳng định đất nước có những người tài, tận tâm tận lực cống hiến đối với ngành y học như ông rất đáng trân trọng. Bạn Quân mong rằng hình ảnh và việc làm của bác sĩ Trí cần được nhân rộng trong xã hội nói chung và trong ngành y tế nói riêng để đất nước ta ngày một đi lên.
Vị bác sĩ mãi sống trong lòng bệnh nhân
Nhìn ở góc độc khác, nhiều bạn đọc cho rằng bác sĩ Trí rời Viện cũng không hẳn là tổn thất lớn. Rời nghiệm sở, ông sẽ có thời gian chuyên tâm làm nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội mà trong kỳ bầu cử Quốc hội 2016 ông đã trúng cử.
Nguyễn Dung bình luận: “Đúng là có chút hụt hẫng nhưng chú về hưu vẫn tiếp tục cống hiến cho nền y học nước nhà. Quan trọng nhất, chú vẫn là một đại biểu dân cử, giúp dân giám sát bộ máy hành pháp, đưa các vấn đề của dân ra nghị trường Quốc hội”.
Nhiều bạn đọc bày tỏ nguyện vọng mong GS. Nguyễn Anh Trí tiếp tục cống hiến cho xã hội. |
Chung quan điểm, bạn Đào Trang bày tỏ nguyện vọng mong GS. Nguyễn Anh Trí tiếp tục cống hiến nhiều cho cuộc sống, xã hội, nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm.
“Thiết nghĩ những trường hợp có tài đủ sức khỏe để cống hiến tiếp thì tỉnh cần có văn bản xin trung ương cho tiếp tục được công tác thêm vài năm nữa. Có những người như giáo sư Trí thế hệ sau sẽ học hỏi và cống hiến tốt hơn nữa! Mong nhà nước có chính sách riêng cho những cá nhân như thế”, cô viết.