Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ ở Bắc Giang không nhận ra đồng nghiệp vì mặc đồ bảo hộ kín mít

Dẫn đầu đoàn y tế của Bệnh viện A Thái Nguyên tới Bắc Giang chi viện chống dịch, bác sĩ Đỗ Thái Phượng chia sẻ nhiều câu chuyện đáng nhớ từ nơi tâm dịch.

Chị Đỗ Thái Phượng (sinh năm 1988), bác sĩ khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện A Thái Nguyên, và chồng đều có quê gốc ở Bắc Giang, hiện sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên.

Bởi vậy, khi nhận được lệnh chi viện cho Bắc Giang, chị Phượng không chần chừ xung phong vào vùng dịch. Sáng 18/5, chị dẫn đầu đoàn y tế gồm 3 bác sĩ, 6 điều dưỡng, một kỹ thuật y khoa Sinh hóa - vi sinh của Bệnh viện A Thái Nguyên lên đường làm nhiệm vụ theo kế hoạch ban đầu là 7 ngày (18/5-24/5).

Với chị Phượng, chuyến đi này còn có ý nghĩa đặc biệt khi từ quê hương thứ hai trở về nơi chôn rau cắt rốn.

Không nhận ra đồng nghiệp

Chia sẻ với Zing, chị Phượng kể những ngày qua, nhiệm vụ chính của đoàn là đi tới các khu cách ly, nơi ở trọ của công nhân để lấy mẫu xét nghiệm.

Bắt đầu từ 7h sáng, công việc truy vết hay lấy mẫu kéo dài bao lâu tùy từng địa điểm. Có hôm ca đầu 11-12h trưa là xong, nhưng cũng có ngày tới 13-13h30 mới kết thúc.

Sau chút thời gian nghỉ ngơi, ca chiều tiếp tục từ khoảng 14h đến 19-20h, thậm chí là 1-2h sáng hôm sau.

“Chúng tôi làm việc với tinh thần ‘ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương’. Cứ rảnh ra lúc nào là tranh thủ chợp mắt. Có khi vừa lấy mẫu xong ở điểm này, trên đường di chuyển tới điểm khác thì ngủ luôn trên xe”, chị Phượng kể.

bac si o tam dich Bac Giang anh 3

Một nhân viên y tế ngồi chờ lấy mẫu cho công nhân dưới cái nóng 34 độ C.

Ngày 19/5, đoàn chị Phượng được phân công đến thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên để dồn lực truy vết gấp, lấy mẫu thần tốc cho khoảng 1.600 công nhân Công ty TNHH Hosiden Việt Nam - một trong những ổ dịch trọng điểm của cả nước hiện tại.

Dưới áp lực cần khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ để có thể ra kết quả sớm nhất, các y bác sĩ làm việc không ngơi nghỉ trong những bộ đồ bảo hộ kín mít.

Trong lúc lấy mẫu, một bác sĩ ngồi cạnh tâm sự với chị Phượng rằng: “Mắt em hoa hết lên rồi”. Sau lời động viên, chị cũng chia sẻ cảm giác mệt mỏi vì phải liên tục ra điều khiển, phân công từng bàn lấy mẫu với số lượng rất lớn.

“Sau 10 phút, quay ra hỏi ‘Thế bạn làm ở đâu? Cơ quan nào?’, tôi mới nhận ra người nói chuyện với mình nãy giờ là cô em làm cùng khoa ở bệnh viện. Quả thật rất khó để phân biệt”, chị Phượng bật cười nhớ lại.

Để dễ nhận ra nhau, chị Phượng và các đồng nghiệp ghi tên lên quần áo bảo hộ. Tuy nhiên, vì cứ 10-20 phút lại phun khử khuẩn một lần, chữ được viết bằng bút dạ nhanh chóng nhòe đi khi gặp cồn nên cuối cùng không ai nhìn ra tên của ai.

Chị Phượng giải thích ở khu lấy mẫu Hosiden, tỷ lệ dương tính đang rất cao. Các y bác sĩ đặt tâm thế của người chống dịch, coi tất cả đều là F0 nên phải bảo vệ mình. Trong không gian kín là nhà văn hóa, mọi người được phân luồng một chiều vào, một chiều ra để tránh tiếp xúc gần và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo.

“Chúng tôi đứng lấy mẫu cho mọi người ở khoảng cách rất gần. Quá trình có thể gây kích thích dẫn đến ho, hắt hơi. Nếu người đó mang virus có thể bắn ra không khí, bám vào quần áo của y bác sĩ. Khi tiếp tục lấy mẫu, nguy cơ lây lan cho người phía sau là rất lớn. Bởi vậy, tôi yêu cầu mọi người cứ sau khoảng 10-15 mẫu lại phải xịt khử khuẩn một lần”, nữ bác sĩ nói.

Giọng có chút nghẹn ngào, chị Phượng kể hôm 20/5, chị lấy mẫu cho một em bé 10 tháng tuổi. Mẹ bé là F0 đang đi điều trị, hai bà cháu ở nhà có biểu hiện sốt.

“Lấy mẫu xong, cháu khóc mà cô cũng khóc. Tôi thấy rất thương vì bản thân cũng có con nhỏ. Em bé 10 tháng đã phải cai sữa, mẹ đang đi cách ly, nếu không may cháu bị nhiễm virus thì cũng phải đi điều trị”.

Đóng bỉm để tiết kiệm đồ bảo hộ

Chia sẻ về những khó khăn khi làm nhiệm vụ, chị Phượng kể trong thời tiết nắng nóng, việc luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít như “cực hình” song là điều cần thiết để tránh lây nhiễm.

“Cảm giác nóng bức, người đầm đìa mồ hôi, mắt cay xè. Dù rất khát, chúng tôi không thể kéo khẩu trang xuống uống nước vì như vậy không đảm bảo phòng dịch. Da tay tiếp xúc lâu với mồ hôi cũng nhăn nheo lại. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau là giá như trong bộ đồ bảo hộ có cái quạt mini thì tốt”, chị kể.

Theo lời chị Phượng, thời gian lấy mẫu kéo dài khiến các y bác sĩ rất mệt mỏi. Tuy nhiên, vì đồ bảo hộ rất đắt và không thể tái sử dụng, họ cố gắng lấy được nhiều mẫu nhất có thể trên một bộ để tránh lãng phí.

“Chúng tôi thường cố gắng nhịn uống nước để tránh buồn đi vệ sinh, bởi dù có muốn cũng không thể đi được. Nhiều người phải đóng bỉm giống như các bác sĩ điều trị ở khu cách ly. Khi hết việc, đa phần mọi người khát nên uống nhiều nước cùng lúc, rất dễ dẫn tới hiện tượng mất cân bằng điện giải. Vì công việc, mọi người phải chấp nhận hy sinh”, chị kể.

Ngoài ra, khó khăn còn đến từ việc một số người không hợp tác lấy mẫu xét nghiệm khiến chị Phượng đôi khi cảm thấy buồn, bức xúc.

Tuy nhiên, trên tất cả, chị vẫn thấy cảm động trước sự hỗ trợ nhiệt tình mà người dân địa phương dành cho đội ngũ chống dịch tuyến đầu.

Đó là khi đặt mua chiếc tai nghe online, chị Phượng và đồng nghiệp bất ngờ, xúc động khi shipper giao hàng rồi tặng kèm thùng trà vải, chúc đoàn có nhiều sức khỏe.

Đó là khi trên đường đi làm, một nhân viên y tế tình cờ nhìn thấy cây sấu và nói vu vơ thèm ăn sấu ngâm, chủ nhà lập tức làm tặng một hộp.

Hay trong khi cả đoàn đứng đợi xe đưa đi lấy mẫu, một bạn trẻ đi qua, bất ngờ dừng lại tặng 4 cốc sữa đậu nành.

“Đi đến đâu, chúng tôi cũng được người dân yêu quý, có gì cho nấy, hỗ trợ nhiệt tình thì rất mừng và cảm động. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng khi cuộc chiến còn dài”, chị Phượng nói.

Chưa bao giờ xa con lâu đến thế

Đây là lần đầu tiên chị Phượng tham gia chống dịch. Đợt này, chị gửi con gái 8 tuổi và con trai 4 tuổi về nhà ông bà ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang để yên tâm công tác.

Đang làm việc, chị được gia đình báo tin hàng xóm cách 2-3 nhà thuộc diện cách ly nên rất lo lắng.

“Tôi chỉ biết nhờ ông bà nội, ngoại chăm nom, bảo vệ các cháu. Thương con lắm nhưng không thể làm gì. Chồng tôi đang ở Thái Nguyên, dạy sinh viên online cũng không di chuyển được”.

Chị Phượng không kìm được xúc động khi chia sẻ đã hơn 20 ngày chị chưa được gặp các con.

“Trước đây, bé út nhà tôi xa mẹ lâu nhất là 5 ngày. Hôm xung phong nhận nhiệm vụ đi chống dịch, tôi gọi điện cho con. Thấy mẹ bảo về Bắc Giang, con mừng vì tưởng mẹ sẽ về nhà. Khi biết không phải, con khóc, mẹ cũng khóc. Ông bà cũng động viên tôi để yên tâm công tác”, chị Phượng kể.

Bản thân chị Phượng cảm thấy may mắn khi có gia đình là hậu phương vững chắc. Bố chị cũng là bác sĩ nên rất hiểu công việc của con gái. Gia đình bên nội và chồng đều rất thông cảm, tạo điều kiện hết sức có thể để chị hoàn thành tốt công việc.

Ở tiền tuyến những ngày qua, chị Phượng cũng biết ơn lãnh đạo bệnh viện luôn quan tâm, động viên, hỏi han mỗi ngày để kịp thời hỗ trợ.

Không chỉ gia đình chị Phượng phải xa cách trong mùa dịch. Bạn chị ở Bắc Giang chồng làm công an, vợ công tác tại bệnh viện dã chiến số 1. Từ khi bùng dịch, hai vợ chồng chưa gặp nhau.

Hoặc có đôi vợ chồng khác, người đang ở bệnh viện dã chiến số 1, người tại bệnh viện dã chiến số 2. Hai con nhỏ của họ tự chăm nhau vì ông bà hai bên ở xa. Nhiều hôm người chồng gọi về nay thấy nồi cơm nhão, mai thì cơm khô nhưng chỉ biết nghẹn ngào thương con.

“Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh nhưng chúng tôi luôn động viên nhau suy nghĩ theo chiều hướng tích cực để yên tâm công tác”.

Chị Phượng nói thêm: “Những ngày này, người dân đều thương nhân viên y tế, công an, bộ đội, dân quân tự vệ… Nên ai cũng vậy, đều rất tự hào khi được tham gia chống dịch. Có vất vả không? Nguy hiểm không? Lo lắng không?... Có chứ! Nhưng có vui không? Tự hào không?... Càng có hơn”.

Nữ bác sĩ hy vọng trong thời gian dịch bệnh, mọi người tuân thủ theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế, chính phủ, yêu cầu của địa phương, ban chỉ đạo phòng chống dịch và hợp tác với nhân viên y tế.

Sau phút chia sẻ, chị Phượng tất bật trở lại với công việc. Khi nhiều người đã chìm sâu trong giấc ngủ, chị vẫn cùng đồng nghiệp lấy mẫu, truy vết, khoanh vùng… đến hơn 2h sáng. Tất cả vì sức khỏe, sự bình yên của cộng đồng.

Nữ giảng viên vừa dạy học online, vừa chăm 2 con nhỏ ở nhà trong dịch

Chồng đi làm, Trần Hồng Nhung một mình vừa trông hai con trai nghỉ học ở nhà, vừa dạy online, nghiên cứu tài liệu học tiến sĩ. Cô vẫn sắp xếp thời gian cho bản thân.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm