Được bố mẹ nới lỏng “giờ giới nghiêm” buổi tối sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, Hà My (24 tuổi, Hà Nội) thích lui tới các quán bar, pub khi có thời gian rảnh.
Đồ uống ở những nơi này khá đắt đỏ song My vẫn đến khoảng 2 lần/tháng vì thích không gian không quá ồn ào như quán cà phê, trà sữa.
“Mình thường ngồi từ 21h đến nửa đêm để thưởng thức đồ uống, gặp gỡ bạn bè và giải tỏa stress. Với mình, tới đây là được ‘đi chơi đúng nghĩa’ khi không phải kè kè laptop làm việc”, My nói với Zing.
Biết tin Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, karaoke, xông hơi, massage, quán bar, pub, game… từ 0h ngày 30/4, My khá tiếc nuối vì vừa lên kế hoạch cùng bạn tới “quán ruột” chơi. Tuy nhiên, cô cảm thấy điều này là cần thiết trong tình hình đợt bùng dịch mới diễn biến phức tạp.
Quán bar, vũ trường, karaoke tại một số địa phương được yêu cầu tạm dừng hoạt động. Ảnh: Chí Hùng. |
“Mình thường đọc tin tức về dịch ở nước ngoài nên biết trong nhiều trường hợp, nguồn lây nhiễm là từ các quán bar, hộp đêm. Ở Việt Nam cũng vừa bùng dịch tại quán Sunny nên mình nghĩ lệnh đóng cửa bar, pub là đúng đắn. Những nơi này không gian nhỏ, kín, mọi người phải ngồi sát nhau nên không an toàn”, My nhận định.
Vì công ty vừa ra thông báo “work from home”, My cho biết cô sẽ ở nhà đọc sách, xem phim để giải trí tạm thời.
Giống Hà My, nhiều bạn trẻ cũng cảm thấy hụt hẫng trước lệnh cấm mở cửa quán bar, pub vì mất đi nơi để giải trí. Với những người làm việc tại các nơi này, việc buộc phải nghỉ ở nhà đồng nghĩa họ mất đi thu nhập.
Cuộc sống đảo lộn
Hoàng Đức (28 tuổi, Lào Cai) làm quản lý tại một quán bar ở Hà Nội 2 năm nay. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nơi chàng trai làm việc 3 lần phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu từ chính quyền.
Hai lần trước, Đức phải nghỉ từ 2-2,5 tháng mới được đi làm trở lại bởi quán bar, karaoke được phép mở muộn nhất khi dịch được khống chế.
“Hôm 29/4, khi nghe thông báo Hà Nội yêu cầu đóng cửa quán bar, karaoke, không chỉ mình mà tất cả nhân viên của quán đều khá lo lắng. Sau đợt dịch trước, chúng mình vừa đi làm lại được 1 tháng thì giờ phải nghỉ tiếp”, Đức nói với Zing.
Hoàng Đức (28 tuổi, Lào Cai) làm quản lý tại một quán bar ở Hà Nội 2 năm nay. Ảnh: NVCC. |
“Bình thường mình làm việc 8 tiếng/ngày còn giờ chủ yếu ở nhà. Mỗi lần phải nghỉ vì dịch, mình tạm chuyển sang bán hàng online để kiếm tiền trang trải. Vài ngày qua, mình mới bước đầu đăng bán quần áo trên mạng để tạm thời đối phó chứ chưa tìm được công việc nào khác”, chàng trai kể.
Theo Đức, công ty anh gặp khó khi phải tạm dừng hoạt động sau vài đợt dịch nên không có chính sách hỗ trợ tất cả nhân viên. Tuy nhiên, với một số trường hợp quá khó khăn, công ty sẽ cho ứng trước lương.
“Nhiều đồng nghiệp của mình về quê sống nhờ bố mẹ khi đột ngột mất việc. Tất cả anh em đều đọc báo để cập nhật tin tức hàng ngày về tình hình dịch bệnh và mong sớm được trở lại làm việc”.
Đức cho hay dù bản thân bị ảnh hưởng, lệnh cấm mở quán bar, pub, karaoke trên địa bàn thành phố là cần thiết và hợp lý nhằm ngăn ngừa, giảm tải nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng.
Không vội trở lại khi dịch được dập
Dù không thường xuyên đi bar, pub mà chỉ tới đây khi nào quá stress hay bạn bè có tiệc, Phương Thảo (22 tuổi, TP.HCM) vẫn cảm thấy hơi buồn khi nghe tin TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu từ 18h ngày 1/5.
“Điều làm mình thấy thích nhất ở bar là đồ uống ngon, không khí sôi động, 'quẩy' với nhạc và cùng bạn bè chơi game khiến tinh thần phấn chấn hơn. Bởi vậy, mình hơi hụt hẫng vì thời gian tới lúc buồn, cần 'chill' cuối tuần thì không được đi bar nữa. Chắc mình sẽ phải đổi sang điểm vui chơi khác”, Thảo nói.
Bên trong một quán bar ở TP.HCM khi chưa có lệnh đóng cửa để phòng dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo Thảo, các quán bar, pub, karaoke cũng một phần là nguồn dễ lây lan dịch bệnh bởi khi tiệc tùng, nhảy múa, không ai chịu đeo khẩu trang vì khó chịu.
“Hơn nữa, trông không gian kín, mọi người nhảy sát nhau mà sung lên thì ai cũng hò hét. Bởi vậy, nếu trong mùa dịch mà bar, pub vẫn mở thì cũng nguy hiểm và không đảm bảo nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, cô nói thêm.
“Mình đợi coi xem tình hình dịch ổn rồi mới đi bar, pub trở lại vì khi vừa gỡ lệnh cấm, chắc chắn ai cũng ùa đi nên chen chúc lắm. Đi chơi thì ai cũng thích nhưng trong đợt dịch thì mỗi người nên có ý thức để dịch không lây lan trong cộng đồng”, Thảo chia sẻ.