Theo quan niệm của người Việt, việc động chạm dao kéo, mổ xẻ thi thể người chết được coi là tối kỵ. Nhưng để trả lời một loạt nghi vấn còn ẩn sau những cái chết, các bác sĩ pháp y vẫn phải thường xuyên làm công việc này.
Những bác sĩ làm khám nghiệm tử thi không làm 8 tiếng như công chức bình thường mà phải sẵn sàng lên đường bất kể đêm ngày. Khi vụ việc xảy ra, họ phải giám định càng sớm càng tốt.
Lật lại từng hồ sơ vụ án đã tham gia trong hơn 30 năm gắn bó với nghề pháp y, bác sĩ chuyên khoa I Ngô Hường Dũng, Phó viện trưởng Viện Pháp Y Quốc gia, chia sẻ một câu chuyện xót xa xảy ra khoảng 30 năm về trước, ở vùng ven biển Nghệ An. Chỉ vì một phút nông nổi, người con đã lấy đi mạng sống của cha mình.
Khi đi làm xa trở về, người con trai nghe đồn bố chồng có quan hệ với nàng dâu, anh ta sinh nghi, cho rằng cha mình và vợ có quan hệ lén lút. Ấm ức vì bị cả hai người thân yêu "cắm sừng", anh ta nghĩ ra cách phải phục thù.
Anh giết cha mình rồi vùi xuống một lò vôi ở trong vườn. Sau đó anh ta thông báo với hàng xóm, người thân về sự mất tích của người cha có thể do đi tắm biển hay bỏ đi đâu đó. Nhưng kể từ đó, anh không dùng nước giếng gần hố vôi, bởi gần nơi giấu xác cha.
Tình cờ, một người hàng xóm đang xây nhà bị thiếu vôi nên chạy sang xin và phát hiện xương và sọ người. Vụ việc đã được công an tiến hành điều tra và nghi ngờ có thể đây là hài cốt của chính người bố đã mất tích trước đó. Lúc này các bác sĩ pháp y từ Hà Nội về khám nghiệm tử thi để xác minh thông tin này.
Bác sĩ Dũng cho biết thi thể nạn nhân được chôn dưới hố vôi, xác khô lại, phân hủy chậm và xương rất chắc. Lúc đó, chưa có giám định AND nên các bác sĩ pháp y phải xác định bằng nhân trắc học như đo chiều dài xương, cho đến khi xác định bộ xương đó là của chính ông bố.
Sau khi xác định được nạn nhân, việc truy tìm hung thủ cũng dễ dàng hơn. Từ việc anh con trai đi tung tin cha mất tích cho đến các hành động không dùng nước giếng ở nhà, công an đã phát hiện được nghi can. Cuối cùng người con trai đã thừa nhận vì ghen tuông với cha mà đã giết ông.
Bác sĩ Dũng cho biết vụ việc đã xảy ra rất lâu nhưng với các bác sĩ pháp y tham gia phá án thì không thể nào quên.
"Nhiều khi sinh viên ngại theo ngành này. Họ bảo rằng “Nghề pháp y theo thầy đã khổ lắm rồi sao lại bảo chúng em khổ theo”.Nhưng "nghĩa tử là nghĩa tận”, mỗi khi nhớ lại những vụ án được phá nhờ công tác pháp y là các bác sĩ pháp y lại hừng hực khí thế làm việc", bác sĩ chuyên khoa I Ngô Hường Dũng tâm sự.