Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1991, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, đã có gần 25 năm kinh nghiệm làm “bà đỡ”. Anh luôn cho rằng mình may mắn khi được chứng kiến hàng nghìn em bé chào đời. Điều đó càng đặc biệt và thiêng liêng hơn trong khoảnh khắc giao thừa, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Chính sự may mắn ấy lại khiến bác sĩ Khải thật sự bận rộn, thậm chí là những tình huống khiến anh không thể nào quên.
Niềm vui của bác sĩ khi đỡ đẻ đêm giao thừa
Nhiều năm trong nghề, chuyện trực Tết đối với bác sĩ Khải đã trở thành điều hiển nhiên. Bất cứ chuyện gì xảy ra, bác sĩ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình. Không cảm thấy nặng nề, anh háo hức với điều đó.
Vào ngày Tết, dường như tâm trạng của bác sĩ và bệnh nhân đều khác so với mọi ngày. Tất cả thân thiện với nhau hơn, khoảng cách gần hơn. Đó là những cái bắt tay, chào hỏi, những lời chúc về năm mới an khang hay một ca mổ thuận lợi.
Bác sĩ Khải nhớ mãi về khoảnh khắc cả kíp mổ và sản phụ cùng ngắm pháo hoa trong đêm giao thừa.
Đó là một sản phụ được chỉ định mổ cấp cứu. Trong phòng mổ, mọi công đoạn đã sẵn sàng, sản phụ nằm trên giường mổ. Đúng lúc đó, tiếng pháo hoa rộn ràng, bác sĩ cho phép được mở cửa sổ để cả ê-kíp được nhìn thấy pháo hoa rực rỡ. Chỉ chưa đầy 10 phút sau, em bé cất tiếng khóc chào đời.
“Đó là một giây phút rất xúc động và đẹp đẽ. Bên ngoài cửa sổ, pháo hoa bắn rực rỡ, trong phòng mổ, chúng tôi đón em bé ra đời trong khoảnh khắc hân hoan đó”, bác sĩ Khải chia sẻ.
Anh cho biết nghề sản may mắn hơn những chuyên khoa khác ở chỗ được đón nhận niềm vui nhiều hơn nỗi buồn. Mỗi em bé chào đời là một niềm vui, nhất là với những em bé được thụ tinh ống nghiệm hoặc những cháu là kết tinh của những cặp vợ chồng hiếm muộn sau nhiều năm chạy chữa.
“Bệnh nhân vui mười phần, chúng tôi cũng vui 9 phần. Ít có sản phụ nào nói trọn vẹn tiếng cảm ơn với bác sĩ, nhưng chúng tôi được chứng kiến nhiều những giọt nước mắt trong khoảnh khắc họ được chạm vào đứa con. Đó cũng như một lời cảm ơn với chúng tôi, vì tất cả đều đã cố gắng”, bác sĩ Khải tâm sự.
Mỗi em bé chào đời là một niềm vui đối với bác sĩ Lưu Quốc Khải. Ảnh: Quang Đức. |
Những trăn trở với nghề
Tuy nhiên, nhiều năm trong nghề, bác sĩ Khải cho biết bên cạnh những niềm vui, đòi hỏi ở bác sĩ sản phải luôn thường trực sự cảnh giác. Với sản phụ, khoảnh khắc chuyển từ sinh lý chuyển sang bệnh lý rất nhanh, nhẹ nhất là băng huyết, nặng là ảnh hưởng đến tính mạng. Mất mát lúc này không chỉ là một sản phụ, còn có những em bé vô tội.
Bác sĩ Khải nhớ lại vào ca cấp cứu vào chiều 29 Tết nhiều năm trước. Lúc này, anh vừa đến viện nhận trực thì được tin về một ca chửa ngoài tử cung rất nặng trên đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Cả ê-kíp ngay lập tức lên đường. Sản phụ bị ngừng tim ngay tại chỗ khi bác sĩ vừa đến. May mắn do kíp cấp cứu đầy đủ nên đã kịp thời giúp tim bệnh nhân đập trở lại.
Trong tình trạng nguy hiểm, các bác sĩ không thể di chuyển sản phụ đến viện. Ca mổ cấp cứu được tiến hành tại chỗ, kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Bác sĩ Khải cho biết bản thân không nhớ đã đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ, có bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay anh, cũng như có bao nhiêu sản phụ được cứu sống trong trạng thái nguy kịch. Nhưng đó là hành trình giúp anh chứng kiến rất nhiều giọt nước mắt mừng vui và có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào sinh ly tử biệt của tình mẫu tử.
Năm 2017, lại một năm anh đón Tết trong bệnh viện. Anh luôn tâm niệm bản thân phải tập trung cao độ để đưa ra những quyết định sáng suốt, lựa chọn phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và cầu mong những em bé sẽ được cất tiếng khóc chào đời bình an trong năm mới.