Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ sốc khi nhìn phổi đen như bồ hóng

Bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết nhiều trường hợp bị ung thư phổi, khi phẫu thuật ra, phổi đen như bồ hóng.

Phổi hồng chuyển thành đen

Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Thứ trú tại Bắc Giang bị u phổi. Anh Thứ làm thợ sửa chữa xe máy. Một thời gian dài bị ho. Anh đi khám nhiều nơi không ra bệnh. Anh được gia đình đưa đi chữa lao phổi. 

Bệnh ngày càng nặng hơn và tác dụng phụ của thuốc lao khiến anh Thứ mệt mỏi, yếu hơn, gày sọp. Khi đến Bệnh viện lao phổi Trung ương, bác sĩ chẩn đoán anh bị u phổi, khối u có đường kín gần 2cm. 

Sau đó, anh Thứ được chuyển sang Bệnh viện K Hà Nội làm phẫu thuật. Khi phẫu thuật, bác sĩ Căn cho biết toàn bộ hai lá phổi đen như bồ hóng. Ở người bình thường phổi hồng nhưng phổi anh Thứ thì đen kịt. Các bác sĩ lấy mô bệnh phẩm đi làm xét nghiệm phát hiện có tế  bào ung thư.

Anh Thứ có tiền sử nghiện thuốc lá nặng. Mỗi ngày, anh Thứ có thể hút hết hơn bao thuốc. Nhìn vào lá phổi bị khói thuốc lá phá hủy hoàn toàn, bác sĩ Căn cho biết “chúng tôi làm bác sĩ cũng ám ảnh vô cùng. Dù thông điệp hút thuốc lá có hại cho sức khỏe đã được cảnh báo tuy nhiên người ta vẫn không thấy sợ”.

Hình ảnh lá phổi vị khói thuốc thiêu cháy. Ảnh minh họa.

Hình ảnh lá phổi bị khói thuốc thiêu cháy. Ảnh minh họa.

Hay trường hợp của bệnh nhân Trương Kiều Hoa trú tại Kim Giang, Hà Nội cũng tương tự. Chị Hoa 36 tuổi, bị u phổi. Khi phẫu thuật phổi của chị Hoa cũng bị đen kịt như bồ hóng. Các chức năng của lá phổi đều thuyên giảm. Khói thuốc lá đã thiêu cháy phổi vì chị rất nghiện thuốc lá. Không chỉ riêng chị hút mà ngay cả chồng và anh em trong nhà đều nghiện thuốc lá.

Đến khám bệnh tại bệnh viện K, ông Nguyễn Thế Cảnh trú tại Thanh Trì, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng khi cầm tờ kết quả chẩn đoán K phổi. Nguyên nhân ung thư là do thuốc lá. 

Ông Cảnh kể mình chỉ bị hút thuốc lá bị động. Gia đình có một quầy tạp hóa nhỏ và mở thêm quán trà đá. Hàng ngày ông không hút thuốc nhưng cũng bị những người xung quanh đốt khói thuốc mù mịt nên hít phải khói thuốc. 

Cầm kết quả bệnh án, nghe bác sĩ tư vấn phẫu thuật để xét nghiệm mô tế bào, ông Cảnh lo lắng lá phổi của mình đen như những bệnh nhân khác thì điều trị ung thư khỏi, ông cũng bị các bệnh khác vì phổi đã bị xơ hóa.

Bệnh nhân ung thư phổi đứng hàng đầu

Mỗi tuần có khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì ung thư phổi do hút thuốc lá. Con số này vẫn chưa bao gồm những bệnh nhân cũ thăm khám theo hẹn. Theo số liệu của Hội ung thư Việt Nam tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới cao nhất trong các loại ung thư ở nam. Năm 2010, cứ 100.000 người dân thì có 181,3 người mắc ung thư phổi. Con số này còn có thể tăng lên gấp đôi vào những năm 2020.

Th.S, BS Phạm Văn Thái, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cho biết số bệnh nhân nhập viện vì ung thư phổi ở trung tâm là nhiều nhất. Trong những bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi do hút thuốc lá tại Trung tâm đều ở độ tuổi trung niên sau 40 tuổi. Khi được hỏi, hầu hết những người bệnh biết về tác hại của việc hút thuốc lá, thuốc lào nhưng họ vẫn hút rồi tự chịu đau đớn, quằn quại.

Thực tế và khoa học đã chứng minh thời gian hút thuốc lá càng nhiều, với số lượng càng lớn thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Trong đó, người hút thuốc trên 10 năm nguy cơ ung thư gấp trên 10 lần người bình thường. 

Khi bệnh đã tiến triển nặng thì mức độ chữa trị khỏi bệnh là rất ít. Theo thống kê chỉ có 15 % số bệnh nhân bị ung thư phổi được phát hiện sớm còn lại đến hơn 84 % bệnh nhân bị phát hiện trong giai đoạn muộn nên tỷ lệ chữa thành công thấp.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Theo báo cáo của 1.200 bệnh viện cho thấy, các bệnh không lây nhiễm chiếm 67-73% số người bệnh đang nằm viện điều trị, gây quá tải cho hệ thống y tế. 

Trong đó chủ yếu là do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây nên: tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ; 97,8% các bệnh ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

http://infonet.vn/bac-si-soc-khi-nhin-phoi-den-nhu-bo-hong-post148805.info

Theo Khánh Ngọc/ Infonet

Bạn có thể quan tâm