Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

Bác sĩ Trần Thanh Linh: 'Ngành y tế cần thêm vũ khí để chiến đấu'

"Điều chúng tôi hy vọng nhất là ngành y tế có thêm 'vũ khí' để chiến đấu. Bởi nếu không có trang thiết bị, chúng tôi cũng không thể làm gì khác hơn được nữa", bác sĩ Linh chia sẻ.

benh vien hoi suc Covid-19 o TP.HCM anh 1

Bác Linh, bệnh nhân suy hô hấp rất nặng!

Một điều dưỡng hớt hải tìm bác sĩ Trần Thanh Linh sau khi một bệnh nhân Covid-19 nguy kịch vừa được chuyển tới từ bệnh viện dã chiến. Trong căn phòng chưa đến 10 m2, người tập trung bóp bóng, chuẩn bị thuốc, vận hành máy móc và dụng cụ mở nội khí quản.

Bệnh nhân ho lụ khụ, sau đó lịm dần. Không khí đặc quánh mùi thuốc sát trùng. Âm thanh lít tít liên hồi vọng ra từ hàng chục phòng bệnh khác.

Vừa trở về từ tâm dịch Bắc Giang, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp tục nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Chia sẻ với Zing, ông nói: “Bệnh nhân còn nguy hiểm, thầy thuốc không thể đứng im”.

"Trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề y"

- Vừa trở về từ tâm dịch Bắc Giang và nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19, tình hình điều trị tại đây có gì khác so với Bắc Giang?

- Đợt điều trị tại TP.HCM thật sự là thách thức rất lớn. Thật ra bệnh nhân ở Bắc Giang không nặng và nguy kịch nhiều như ở TP.HCM do họ chủ yếu công nhân, trẻ, không có bệnh nền và ít diễn tiến nguy kịch.

Thời điểm này, TP.HCM hơn 4 lần so với Bắc Giang về số lượng ca nhiễm. Số lượng bệnh nhân đông, tỷ lệ nguy cơ và nguy kịch sẽ tăng lên. Đặc biệt, do lây nhiễm trong cộng đồng nhiều, bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, diễn tiến nặng và nguy kịch cũng nhiều hơn so với Bắc Giang.

Bệnh nhân thường có tình trạng nặng sau khoảng một tuần mắc Covid-19, do đó, đây có thể nói là đỉnh điểm, thách thức lớn cho ngành y tế.

benh vien hoi suc Covid-19 o TP.HCM anh 2

Bác sĩ Trần Thanh Linh tập trung cấp cứu cho một bệnh nhân bị suy hô hấp nặng vừa được chuyển đến từ bệnh viện dã chiến. Ảnh: Duy Hiệu.

- Trong đợt dịch này, TP.HCM có nhiều F0 không triệu chứng nhưng diễn biến nặng rất nhanh. Nguyên nhân là gì?

- Nguyên nhân một phần là chủng Delta gây ra sự lây truyền rất nhanh và các biến thể liên tục làm thay đổi về mặt sinh lý bệnh. Chính vì điều này, Bộ Y tế đã cập nhật liên tục phác đồ theo biến chủng của chủng virus để phù hợp mặt dịch tễ và điều trị. Có những bệnh nhân chỉ vừa được chuyển đến nhưng diễn tiến nặng rất nhanh, thời gian xử lý phải tính bằng giây.

"Ngày rời Chợ Rẫy, chúng tôi nói với nhau đây có lẽ là trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là trận chiến cuối cùng"

Bác sĩ Trần Thanh Linh

- Ông nói đây là đỉnh điểm về số ca bệnh nặng và nguy kịch. Nhân viên y tế đã chuẩn bị tâm thế gì cho trận chiến lần này?

- Ngày rời Chợ Rẫy, chúng tôi nói với nhau đây có lẽ là trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là trận chiến cuối cùng.

Trong những tình huống khẩn cấp, nhân viên y tế luôn đứng trước nguy cơ lây nhiễm cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tại đây, nhiệm vụ trên hết của chúng tôi là giành lại sự sống cho bệnh nhân, bằng mọi giá.

benh vien hoi suc Covid-19 o TP.HCM anh 3

Bên trong một phòng hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Điều chúng tôi hy vọng nhất là trận dịch sớm kiểm soát, ngành y tế có thêm “vũ khí” để chiến đấu vì nếu không có trang thiết bị, chúng tôi cũng không thể làm gì khác hơn được. Chứng kiến bệnh nhân mất trước mắt mình hay đếm số ca tử vong hàng ngày, đó là giọt nước mắt đau đớn của ngành y tế.

- Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, bao lâu rồi ông chưa về nhà?

- Thời điểm chúng tôi ở Kiên Giang để xây dựng đối phó trận dịch ở Tây Nam Bộ, chúng tôi xuống đó để xây dựng bệnh viện dã chiến, lúc đó là cuối tháng 4.

"Những mệt mỏi này so với tình hình hiện tại, chúng tôi không cho phép bản thân gục ngã"

Bác sĩ Trần Thanh Linh

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi tiếp tục trở về TP.HCM và chi viện cho Bắc Giang vào ngày 26/5. Đến ngày 15/6, chúng tôi trở về TP.HCM để nhận nhiệm vụ mới là điều trị bệnh nhân Covid-19 ở thành phố. Có lẽ là từ giữa tháng đến nay, tôi chưa về nhà.

- Cuộc chiến với nhân viên y tế đến nay đã quá dài. Có bao giờ anh thấy mệt mỏi chưa?

- Thật sự chúng tôi mệt mỏi chứ. Nhưng những mệt mỏi này so với tình hình hiện tại, chúng tôi không cho phép bản thân gục ngã. Tối hôm qua tôi đi đặt ECMO cho một bệnh nhân nguy kịch, trên xe cứu thương, cảm xúc giống như lúc ở Đà Nẵng lại ùa về. Đó là những ngày rong ruổi khắp nơi để cấp cứu bệnh nhân ngoại viện.

Gần 2 tháng nay, chúng tôi gần như không thấy được thành phố như thế nào và lâu lắm rồi kể từ khi dịch bùng phát đến nay, tôi mới có thể nhìn ngắm phố phường về đêm từ trung tâm TP Thủ Đức. Ai cũng có cảm giác bùi ngùi.

Bệnh viện “liên hợp quốc”

- Một bệnh viện hồi sức Covid-19 được trung dụng từ cơ sở điều trị ung bướu, điều kiện cơ sở vật chất sẽ không chuyên về hồi sức cấp cứu hay truyền nhiệm. Các y bác sĩ phải thích nghi và vận hành bệnh viện thế nào?

- Thật sự là chúng tôi phải xây dựng lại rất nhiều thứ. Lực lượng hiện tại giống như “liên hợp quốc” vậy. Không chỉ riêng nhân viên y tế của TP.HCM như Chợ Rẫy, Gia Định, Nhân dân 115 mà còn các bệnh viện từ cả nước chi viện như Hải Phòng, Thanh Hóa. Bắc Giang và một số tỉnh khác cũng đang chuẩn bị vào đây.

benh vien hoi suc Covid-19 o TP.HCM anh 4

Bác sĩ Trần Thanh Linh hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Cơ sở vật chất ở đây khá tốt, từ hệ thống oxy khí nén trung tâm, máy hút trung tâm, cơ sở hạ tầng đẹp và chuẩn hiện đại. Tuy nhiên, do không phải đơn vị hồi sức hay truyền nhiễm, việc khó khăn nhất là phân luồng kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo chống lây nhiễm cho nhân viên y tế; lên phương án dự trù nhân sự hợp lý từ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên hành chính, công tác vệ sinh, hậu cần…

TP.HCM đã đưa kịch bản và dự trù tình huống này cùng kinh nghiệm của quá nhiều trận mạc, chúng tôi đã xử lý khối lượng công việc lớn trong vòng một tuần trước khi đưa vào hoạt động bệnh viện trong thời gian ngắn.

- Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, công tác điều trị tại đây đang diễn ra như thế nào?

- Bệnh viện Hồi sức Covid-19 dự kiến có 1.00 giường hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch, 900 giường cho bệnh nhân độ nặng. Sau khi đi vào hoạt động, chúng tôi có tổng cộng 60 bệnh nhân nguy kịch, gần 100 bệnh nhân hồi sức nặng. Đa số đều phải thở máy, thở oxy dòng cao, lọc máu liên tục.

"Gần 2 tháng nay, chúng tôi gần như không thấy được thành phố như thế nào và lâu lắm rồi kể từ khi dịch bùng phát đến nay, tôi mới có thể nhìn ngắm phố phường về đêm"

Bác sĩ Trần Thanh Linh

Chúng tôi cũng có bệnh nhân đầu tiên phải chạy ECMO là một sản phụ nguy kịch sau 3 ngày mổ bắt con. Bệnh nhân bị viêm phổi nặng, phổi diễn tiến xấu không thể kiểm soát bằng máy thở được. Nhận báo động đỏ, chúng tôi di chuyển máy ECMO qua Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, sau đó đưa bệnh nhân về đây điều trị. Em bé vẫn ở lại, được đơn vị nhi khoa chăm sóc.

- Trang thiết bị hồi sức có lẽ là “vũ khí” lớn nhất của y bác sĩ để cứu bệnh nhân nặng. Bệnh viện gặp khó khăn gì trong việc huy động các nguồn lực này?

- Trung tâm hồi sức Covid-19 TP.HCM hiện có 4 máy ECMO được chuyển sang từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Để đảm bảo phục vụ công suất của bệnh viện, chúng tôi cần có thêm 10-15 máy ECMO.

Sắp tới, ngành y tế TP.HCM sẽ phải huy động thêm máy ECMO và máy thở từ các đơn vị chưa sử dụng đến như Bệnh viện Đại học Y dược, Vinmec… và cần thiết sẽ có thêm nguồn lực từ các địa phương. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, những thiết bị này sẽ được trả về đúng vị trí. Nhưng nếu vẫn chưa đủ, chúng ta buộc phải có phương án mua sắm đầu tư máy móc.

Bác sĩ chạy đua với thời gian cứu bệnh nhân Covid-19 trở nặng "Thời gian tính bằng giây, phải xử lý ngay và đặt nội khí quản kịp thời. Nếu không, nguy cơ tử vong rất lớn", bác sĩ Trần Thành Linh nói về ca mắc Covid-19 bất ngờ diễn biến xấu.

Căng mình điều trị hàng nghìn F0 ở TP.HCM

"Sợ nhất là những bệnh nhân diễn biến nhanh đến mức nhân viên y tế không kịp trở tay. Hôm trước, một người suy hô hấp ngay khi chờ làm thủ tục nhập viện", bác sĩ ở TP.HCM chia sẻ.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm