Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ tư vấn F0 online: 'Nhiều người tắt máy, tưởng tôi là môi giới'

Xử lý hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày từ các F0 đang điều trị tại nhà, bác sĩ Hoàng nhiều lần gặp khó khăn khi hiểu biết của bệnh nhân về chăm sóc sức khỏe còn thấp.

“Một số F0 nhắn tin cho tôi để nhờ trợ giúp, tôi gọi lại chưa kịp xưng tên đã bị hỏi là ai đấy. Có lẽ họ hay bị môi giới chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… mời chào quá nên tắt máy luôn. Lần sau gọi lại, tôi phải nhanh miệng giới thiệu là bác sĩ Hoàng”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cười khi kể lại một kỷ niệm trong quá trình tư vấn từ xa cho những F0 điều trị tại nhà.

Khởi đầu từ những bác sĩ của lực lượng quân y từng chi viện TP.HCM trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhóm hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà đến nay đã có gần 80.000 người theo dõi. Đa số là trường hợp mắc Covid-19 đang theo dõi và điều trị tại nhà ở Hà Nội.

dieu tri covid-19 tai nha anh 1

Nhóm hỗ trợ F0 điều trị tại nhà của các bác sĩ quân y thu hút gần 80.000 người theo dõi. Ảnh: Chụp màn hình.

Sau khi thấy được tính nhân văn và sự lan tỏa của dự án, bác sĩ Hoàng cũng đã đồng ý tham gia và góp sức để tổ chức, hỗ trợ người bệnh tốt nhất. Chỉ sau thời gian ngắn, anh đã tạo liên kết và giúp đỡ được hàng nghìn trường hợp không may dương tính với SARS-CoV-2.

Hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày

Chia sẻ với Zing, bác sĩ Hoàng cho biết thời gian đầu, nhiều thành viên cũng băn khoăn về việc công khai số điện thoại lên nhóm. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, các bác sĩ vẫn quyết định cung cấp số điện thoại cá nhân để người dân gọi khi cần.

“Thực tế là các bệnh nhân khi rất cần mới gọi điện vì bản thân họ cũng ngại và hiểu rằng bác sĩ thường bận rộn. Do đó, chúng tôi cũng không thấy quá phiền hà”, anh Hoàng cho hay.

dieu tri covid-19 tai nha anh 2

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng. Ảnh: NVCC.

Sau khi tham gia công tác tư vấn cho F0 điều trị tại nhà, anh Hoàng chia sẻ cuộc sống không bị đảo lộn quá nhiều.

Bác sĩ này nói: “Tôi yêu cầu khá rõ đối với các bệnh nhân về việc nhắn tin trước cho mình vào số điện thoại đã cung cấp. Sau khi đọc tin nhắn, tôi sẽ gọi lại ngay với những trường hợp khẩn cấp. Với những ca không gấp, tôi cũng sẽ nhắn tin trả lời để bệnh nhân yên tâm đã liên hệ đúng người và gọi lại sau”.

Anh thường tranh thủ gọi lại cho các bệnh nhân khi ngồi trong xe trên đường đi làm, giờ nghỉ trưa… Với cách sắp xếp đó, gần như 100% tin nhắn đến đều được bác sĩ gọi lại.

Mỗi giờ như vậy, bác sĩ Hoàng có thể tranh thủ gọi điện tư vấn cho khoảng 25-30 bệnh nhân. Những ngày gần đây, khi số ca mắc mới tại Hà Nội liên tục tăng nhanh, số lượng cuộc gọi được bác sĩ này thực hiện trong 24 giờ thậm chí lên tới 120-150.

“Khoảng 70-80% câu hỏi của bệnh nhân đều là những vấn đề khá đơn giản như cần làm gì sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, uống thuốc gì… Sau khi tư vấn, tôi cũng nhắn tin lại để dặn dò và đánh dấu đã tạo liên kết với bệnh nhân”, nam bác sĩ cho hay.

Khó khăn từ tư duy của người bệnh

Theo anh Hoàng, khó khăn lớn nhất anh gặp phải trong quá trình tư vấn cho F0 điều trị tại nhà là người dân thường không chịu tìm hiểu các thông tin về bệnh một cách kỹ càng. Đa phần người dân còn chưa hiểu biết nhiều về bệnh dù thông tin đã được đăng tải rất phổ biến trên các báo chính thống.

“Thông tin về các loại thuốc, cách phòng tránh, chăm sóc F0… đều rất sẵn có từ những nguồn uy tín. Tuy nhiên, đa phần người dân chỉ thích hỏi cho nhanh. Việc này khiến chúng tôi rất khó giải đáp hết bởi nếu trả lời cặn kẽ, mỗi ngày các bác sĩ chỉ có thể trả lời khoảng 10 người. Trong khi đó, số lượng F0 cần trợ giúp là rất lớn”, bác sĩ này nói.

Một khó khăn khác, theo quan sát của bác sĩ Hoàng, là trong đợt dịch lần này tại Hà Nội, người dân đang đánh giá khá thấp vai trò của máy đo SpO2 (đo nồng độ oxy trong máu). Ở thời điểm này, nhiều người thậm chí còn chưa biết đó là gì.

dieu tri covid-19 tai nha anh 3

Người dân ngồi tại vỉa hè tại một điểm phong tỏa ở Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo.

Ngược lại, bác sĩ Hoàng cho hay người dân Hà Nội lại rất tích cực mua thuốc, chia sẻ kinh nghiệm và hỏi về thuốc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người không rõ tác dụng của thuốc là gì, phân biệt thuốc chống đông, kháng viêm, kháng virus như thế nào.

“Việc này dẫn đến tình trạng mọi người tự ý sử dụng thuốc nhưng không phù hợp. Thuốc cần không sử dụng. Thuốc không cần lại sử dụng, thậm chí dùng liều cao hơn bình thường. Nhiều trường hợp còn dùng cùng lúc 2 loại thuốc có chung thành phần”, anh nói.

Theo bác sĩ này, cũng nhờ quan niệm trên nên các F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội gần như không thiếu thuốc, nhất là các loại thuốc cơ bản. Vấn đề thường thấy chỉ nằm ở thuốc kháng virus.

Bác sĩ Hoàng chia sẻ: “Hiện nay, Bộ Y tế có hướng dẫn sử dụng đối với 2 loại thuốc kháng virus là Molnupiravir và Favipiravir. Đối với Molnupiravir, loại thuốc này đang trong chương trình thử nghiệm của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay lại bày bán rất nhiều. Việc người dân tìm cách mua và tự ý sử dụng Molnupiravir thời điểm này vì thế không thực sự đảm bảo. Trong khi đó, Favipiravir an toàn hơn, có hiệu quả nhưng hiện chưa được nhập khẩu chính thức. Người dân lại phải mua hàng xách tay dựa trên uy tín của người bán”.

Vấn đề cuối cùng vị bác sĩ này thường gặp phải trong quá trình tư vấn là nhiều người gọi điện tới đề nhờ trợ giúp nhưng lại không ở gần bệnh nhân. Điều này dẫn đến tình trạng người này không nắm rõ tình trạng của F0.

“Một số người khi được tôi hỏi về các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng, chỉ số SpO2 hiện tại... đều không nắm rõ. Việc này sẽ khiến các bác sĩ rất khó hỗ trợ”, anh Hoàng kể.

Do đó, vị bác sĩ này cũng khuyến cáo người dân, nhất là người chăm sóc F0 tại nhà, nên ghi rõ các loại thuốc bệnh nhân đang dùng ra giấy. Ngoài ra là các thông tin khác như mạch, nhiệt độ, chỉ số SpO2, thời gian đo, các loại thực phẩm đã sử dụng… Bộ Y tế thậm chí cũng đã có mẫu giấy này.

Theo bác sĩ, việc làm này rất đơn giản, khoa học và dễ hiểu nhưng ít người làm. Với những thông tin này, các bác sĩ có thể dễ dàng hơn trong việc tư vấn và hỗ trợ cho F0 từ xa. Thậm chí, trường hợp F0 diễn biến nặng và phải nhập viện, các thông tin trên cũng sẽ giúp ích rất lớn.

Loại thuốc có thể khiến nCoV tấn công cơ thể mạnh hơn

Việc sử dụng thuốc kháng viêm chứa corticoid không đúng thời điểm có thể khiến bệnh nhân đối mặt nguy cơ diễn biến nặng cao hơn.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm