Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỷ lục ghép tạng cho 15 người trong một tuần

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã thực hiện 15 ca ghép tạng, trong đó có tới 10 ca từ người chết não hiến tặng.

GS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho hay tuần 12-18/8, lần đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện tới 15 ca ghép tạng. Trong đó, 10 ca ghép tạng từ người cho chết não (1 phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) và 5 ca ghép tạng từ người cho còn sống. Tất cả ca ghép đều cho kết quả thuận lợi.

Đây được đánh giá là kỷ lục mới của ngành ghép tạng Việt Nam, thể hiện năng lực của Bệnh viện Việt Đức trong lĩnh vực ghép tạng.

Bac si Viet ghep tang cho 15 nguoi anh 1
Các bác sĩ Việt Đức phẫu thuật ghép tạng. Ảnh: BVCC.

Bên cạnh đó, GS Giang cũng cho biết bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép phổi thứ 2 sau 8 tháng từ ca đầu tiên. Người cho phổi còn trẻ, chết não và các tạng hiến đều có chất lượng rất tốt.

Người nhận phổi là một bệnh nhân 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối, có chỉ định ghép phổi tuyệt đối. Bệnh khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ, 10 năm nay bệnh nặng, gần đây, bệnh nhân liên tục nằm viện với máy thở và oxy hỗ trợ.

Ca mổ lấy và ghép 2 phổi diễn ra liên tục trong gần 15 tiếng, từ 16h ngày 12/8 đến 6h30 ngày hôm sau.

Ghép 2 phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong ca ghép tạng. Sau mổ 6 giờ, bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, máy hỗ trợ phổi dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày.

Theo GS Giang, chất lượng phổi ghép cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Tiến triển sau ghép của bệnh nhân thuận lợi, có thể tự thở hoàn toàn một vài ngày tới.

"Quy trình lấy phổi rất phức tạp, là kỹ thuật khó, gồm hàng trăm bước khác nhau, hết sức chi tiết, khi thực hiện phải thống nhất. Chúng tôi hoàn chỉnh quy trình từ ca ghép đầu tiên, đến ca thứ 2 tương đối thuận lợi. Nếu chỉ lấy tim thì dễ, lấy cả phổi và tim khó khăn hơn nhiều", PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho hay.

Người đàn ông mang nhóm máu AB chết não giúp hồi sinh 4 người

Người đàn ông 44 tuổi ra đi sau cơn đau đầu vì phình mạch máu não đã cứu sống được nhiều sinh mạng khác.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm