Gần đây, tại TP.HCM và Đắk Nông đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Đặc biệt, Đắk Nông có 12 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó một trường hợp tử vong, bệnh nhân 13 tuổi diễn tiến nặng, đang được hồi sức tích cực.
Biến chứng nguy hiểm
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và lây lan nhanh. Đây là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Trực khuẩn bạch hầu khi vào cơ thể sẽ khu trú ở khu vực họng, phát triển và sinh ra độc tố gây biến chứng nặng.
Biến chứng nặng nhất của bệnh bạch hầu là tim không hoạt động bình thường, viêm cơ tim dẫn đến ngừng tim, liệt các vùng trên cơ thể hay còn gọi biến chứng thần kinh (có thể liệt cơ vùng hầu họng, bệnh nhân không thở được). Đây là hai biến chứng dễ dẫn đến tử vong.
Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh bạch hầu là viêm họng, hình thành giả bám ở họng và amidan. Khi khám, soi họng, bác sĩ sẽ thấy lớp màng giả ở phía trên của amidanm, bao phủ quanh khu vực họng. Ngoài ra, nhiều trường hợp, đặc biệt trẻ em khi mắc bệnh cổ thường bạnh ra do hạch, sưng các tuyến ở vùng này.
Bệnh còn có một số triệu chứng phổ biến khác của đường hô hấp như sốt, đau họng, ho, viêm và sưng họng,... Vì vậy, người dân nên chủ động đi khám sớm khi nghi ngờ mắc bạch hầu. Bác sĩ Thái khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự chẩn đoán, mua thuốc uống, bệnh cần được điều trị ở các cơ sở ý tế.
Theo bác sĩ Thái, thời gian ủ bệnh bạch hầu khoảng 5 ngày, có thể lâu hơn. Trong thời gian này, bệnh có thể phát tán vi khuẩn, lây cho những người khác. Khi có những triệu chứng đầu tiên như sốt, vi khuẩn có thể đã tồn tại trong cổ họng và phát tán cho những người xung quanh.
"Bệnh bạch hầu có thể diễn tiến nặng nhanh nhưng vẫn chữa được. Điều quan trọng nhất để kiểm soát bệnh là phải phát hiện sớm. Khi được phát hiện sớm, người dân đến cơ sở y tế sẽ được dùng kháng huyết thanh để chống lại độc tố của bệnh bạch hầu. Chúng sẽ làm trung hòa độc tố gây hại cơ thể. Vì vậy, trong giai đoạn sớm, việc điều trị cho bệnh nhân sẽ thuận lợi và nhẹ nhàng hơn rất nhiều", bác sĩ Thái nói.
Trường hợp bệnh nhân đến muộn, khi độc tố đã tấn công các cơ quan như tim, não,... việc điều trị rất khó khăn, dễ dẫn đến tử vong.
Con đường lây truyền
"Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Đây là hình thức lây truyền phổ biến của bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da", bác sĩ Thái cho hay.
Bạch hầu dễ dàng lây truyền trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Vì vậy, khi có trường hợp mắc bệnh, cần được cách ly y tế để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch.
Hai bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: T.A. |
Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine
Theo bác sĩ Thái, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch. Bạch hầu là bệnh phòng được bằng vaccine. Đây là cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.