Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạch hầu và những bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine

Bạch hầu và nhiều bệnh truyền nhiễm như quai bị, rubella, sởi…đều có khả năng gây nguy hiểm cho cả trẻ em và người trưởng thành. Tiêm vaccine là biện pháp giúp ngăn ngừa lây nhiễm.

Theo thông tin từ WHO, trên thế giới cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ không được tiếp cận với tiêm chủng thường xuyên và chết vì những bệnh có thể phòng ngừa bằng những loại vaccine hiện có.

Tiêm chủng là một cách thức giúp con người tạo ra khả năng đáp ứng miễn dịch, chống lại bệnh truyền nhiễm. Vaccine sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể để bảo vệ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm.

Dưới đây là những vaccine mà UNICEF Việt Nam khuyến cáo phụ huynh nên tiêm cho trẻ, để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tương tự như bạch hầu.

Lao

Lao là bệnh lý do vi trùng gây ra, chúng tấn công phổi và phá hủy các tế bào trong cơ quan này. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Lao phổi thường gặp nhất. Chúng ta cũng có thể mắc lao ở một số bộ phận khác như não. Bệnh nhân nhiễm lao sẽ rất khó điều trị và cần thời gian dài. Nhiều ca mắc lao phổi nặng có thể dẫn tới biến chứng hoặc tử vong.

nhung benh co the phong ngua bang vaccine anh 1

Ho, khạc ra máu tươi là triệu chứng điển hình của lao phổi. Ảnh: Freepik.

Sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm phổ biến với khả năng lây lan nhanh. Triệu chứng của sởi đặc trưng là sốt, chảy nước mũi, nổi hạt trắng phía trong miệng, phát ban trên da. Bệnh nặng có thể gây mù lòa, viêm não và tử vong.

Bại liệt

Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hoá do virus gây nên - virus Polio.

Trong số các bệnh nhân bại liệt, có khoảng 5-10% người bệnh chết vì cơ quan hô hấp bị tê liệt. Nếu để tình trạng tê liệt xảy ra, không có cách nào có thể chữa trị căn bệnh này. Thay vào đó, bệnh nhân chỉ có thể điều trị để giảm bớt các triệu chứng.

Viêm gan B

Đây là bệnh truyền nhiễm gây ra do virus viêm gan B gây nên. Bệnh lây lan qua đường máu và tình dục. Nó còn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” bởi phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng trong nhiều năm.

Theo thống kê của WHO, khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mạn tính. Ở Việt Nam, số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số. Viêm gan B có thể dẫn tới xơ gan, nhiễm trùng gan và ung thư gan.

nhung benh co the phong ngua bang vaccine anh 2

Trên thế giới có hơn 400 triệu người mắc viêm gan B. Ảnh: Stock Adobe.

Uốn ván

Chứng bệnh nguy hiểm này làm cơ thể co giật, căng cứng các bắp thịt. Với trẻ nhỏ, uốn ván gây cứng hàm, cổ, dẫn đến tình trạng khó thở. Ngay cả khi được điều trị, uốn ván vẫn dễ dẫn đến tử vong.

Ho gà

Ho gà gây nên những cơn ho kéo dài tới hàng tuần. Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể dẫn đến khó thở, viêm phổi và tử vong.

Bạch hầu

Thời gian gần đây, bạch hầu diễn biến phức tạp ở TP.HCM và Đắk Nông khi phát hiện một số ca mắc. Đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn gây ra, thường xảy ra ở niêm mạc mũi, họng, tạo thành lớp màng giả trắng bao bọc hầu họng, khiến người bệnh khó thở, khó nuốt. Trong nhiều trường hợp, bạch hầu còn gây tổn thương tim, thận và thần kinh.

nhung benh co the phong ngua bang vaccine anh 3

Bạch hầu đặc trưng là lớp màng giả màu trắng ở vùng hầu họng, kèm theo sốt, viêm họng, ho, viêm mũi, đau khi nuốt. Ảnh: Toluna.

Quai bị

Dấu hiệu nhận biết của những bệnh nhân mắc quai bị là một bên má sưng to. Nguyên nhân là sưng, viêm tuyến nước bọt. Quai bị có thể gây ra đau đầu, khó chịu và sốt. Biến chứng của quai bị có thể dẫn đến viêm màng não, viêm tinh hoàn và điếc.

Rubella

Đây là căn bệnh nguy hiểm với phụ nữ có thai bởi nếu nhiễm Rubella có thể dẫn tới khả năng sảy thai, phôi thai chết, tử vong trẻ sơ sinh hay dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, cần cẩn trọng bởi trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ mắc bệnh này.

Bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Được phát hiện từ thế kỷ V trước Công nguyên, đến nay, bạch hầu vẫn là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và có mức độ lây nhiễm cao.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm