Theo Văn phòng Chính phủ, tính đến nay, 9 bộ, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đó là các Bộ và cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội; Giao thông Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng, Y tế; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổng số phương án được phê duyệt là 1.107 quy định, gồm 757 thủ tục hành chính; 39 chế độ báo cáo; 123 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.
Giảng viên giảng dạy trực tuyến, cập nhật bài học cho sinh viên trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh. Ảnh: Vietnam+. |
Mới đây nhất, ngày 6/7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của 10 ngành nghề thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GD&ĐT, gồm hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt, kiểm định chất lượng giáo dục, dịch vụ tư vấn du học, hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài và hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, phân hiệu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ GD&ĐT cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường là 2 bộ được phê duyệt phương án trong 6 tháng đầu năm nay.
Tiết kiệm hơn 5,58 tỷ đồng từ cắt giảm, đơn giản hóa quy định
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đã rà soát các quy định, thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của bộ; nghiên cứu, đề xuất áp dụng các giải pháp cụ thể để đổi mới phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính, giúp cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cho cá nhân, tổ chức.
Đồng thời, trong thực tiễn triển khai các quy định thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá các quy định, Bộ GD&ĐT tạo phát hiện những bất cập, những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, qua đó tổng hợp và đề xuất phương án đơn giản hóa, cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Đặc biệt, bộ đề xuất cắt giảm ngay những quy định không hợp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT được xây dựng trên cơ sở rà soát các quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư.
101 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa, chiếm 27,46% tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ.
Trong số này, bộ đề xuất dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 76 quy định về thủ tục hành chính (chiếm 22,02% tổng số quy định), 20 yêu cầu, điều kiện, 5 chế độ báo cáo. Cụ thể, bộ kiến nghị bãi bỏ 12 quy định thủ tục hành chính và yêu cầu, điều kiện; kiến nghị phân cấp 17 thủ tục hành chính.
Tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tiết kiệm được hơn 5,58 tỷ đồng, chiếm 28,11% tổng số chi phí tuân thủ các quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.
Trong đó, chi phí tuân thủ quy định thủ tục hành chính tiết kiệm tới 4,5 tỷ đồng (chiếm 22,75% tổng chi phí tuân thủ), chi phí tuân thủ quy định yêu cầu, điều kiện tiết kiệm được 860,5 triệu đồng và quy định chế độ báo cáo tiết kiệm 204,4 triệu đồng.
Bãi bỏ hàng loạt thủ tục
Đáng chú ý trong phương án của Bộ GD&ĐT là bãi bỏ hàng loạt thủ tục trong nhóm hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và Luật Giáo dục 2019, như thủ tục thành lập trường trung cấp sư phạm công lập, cho phép thành lập trường trung cấp sư phạm tư thục; sáp nhập, chia, tách trường trung cấp sư phạm; giải thể trường trung cấp sư phạm (theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường trung cấp); thành lập phân hiệu trường trung cấp sư phạm hoặc cho phép thành lập phân hiệu trường trung cấp sư phạm tư thục; đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ trung cấp cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ trung cấp.
Giờ học của sinh viên trường cao đẳng ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN. |
Những thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ bất hợp lý, là phần việc của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng lại quy định cơ sở giáo dục phải cung cấp, nay đã được loại bỏ như thành phần hồ sơ “Quyết định thành lập đoàn kiểm tra và Biên bản kiểm tra” trong thủ tục cho phép nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập hoạt động giáo dục trở lại; cho phép trường đại học, phân hiệu trường đại học hoạt động trở lại… góp phần làm giảm chi phí tuân thủ hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Việc mẫu hóa hàng loạt thủ tục hành chính và bổ sung hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến như thành lập trường tiểu học công lập hoặc cho phép thành lập trường tiểu học tư thục; cho phép trường tiểu học, trung học hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách trường tiểu học, trung học; thành lập trường trung học phổ thông chuyên công lập hoặc cho phép thành lập trường trung học phổ thông chuyên tư thục..một mặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện, mặt khác, giảm chi phí tuân thủ từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Thủ tục thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có chi phí cắt giảm lớn nhất, lên tới 1,24 tỷ đồng/năm. Thông qua việc mẫu hóa tờ trình, bổ sung hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến và bãi bỏ quy định: “Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục có thể thuê trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị của Nhà nước, cơ sở giáo dục công lập không sử dụng để tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật,” chi phí tuân thủ từ 3,94 tỷ đồng/năm đã giảm xuống còn 2,69 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, nhiều quy định về yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh cũng được bãi bỏ. Lý giải về phương án bỏ yêu cầu, điều kiện về chương trình giáo dục thực hiện tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài “phải thể hiện mục tiêu giáo dục phát triển con người của Việt Nam”, “phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo”, Bộ GD&ĐT cho biết việc này nhằm bảo đảm rõ ràng, minh bạch trong quá trình xem xét, đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước và trong thực hiện, áp dụng của các cơ sở giáo dục. Lợi ích đem lại từ việc bỏ quy định này là hơn 23,7 triệu đồng mỗi năm.
Với việc thực thi các phương án, Bộ GD&ĐT sẽ phải kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục…