Ngồi cộng các chi phí sinh hoạt cá nhân, tiền trọ, điện nước các tháng vừa rồi, Thúy Hường (23 tuổi, Hà Nội) nhận thấy mình chưa để ra khoản tiền nào từ khi giá cả leo thang. Hường mới ra trường và đang là nhân viên marketing tại một công ty truyền thông. Với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, cô gái 23 tuổi lo lắng về gánh nặng chi phí sinh hoạt tại thành phố.
Tương tự, đi làm từ tháng 1, tính đến nay mới hơn 5 tháng, Bùi Ngọc (24 tuổi, Hà Nội) chưa để dành ra được một khoản nào để tiết kiệm cho bản thân, có tháng, cô phải đi vay thêm một khoản của bạn bè để trang trải chi phí sinh hoạt.
“Mình cứ vay mượn, tháng nọ bù tháng kia. Giá cả liên tục tăng mà lương mới ra trường lại ở mức thấp”, Bùi Ngọc than thở.
Mới đi làm thời gian ngắn, lương không cao, Thúy Hường gặp khó khăn khi giá xăng và các mặt hàng leo thang. Ảnh: NVCC. |
Chưa hết tháng đã “cạn tiền”
Mới ra trường chưa ổn định được công việc lẫn nguồn thu nhập mỗi tháng, cơn bão giá ập tới, Thúy Hường loay hoay chưa biết phải làm cách nào để chi tiêu phù hợp.
Tuần vừa rồi, Hường phải tận dụng chiếc xe đạp điện mang từ quê ra để đi làm. Cô may mắn tìm được một công việc gần trọ, cách 3 km, nên dễ dàng di chuyển được bằng xe đạp điện. Trước đây, nếu đi xe máy, Hường sẽ chi trả cho chi phí đi lại 400.000-500.000 đồng/tháng, tính cả việc đi chơi, dạo phố với bạn bè. Giờ đây, giá xăng liên tục lập đỉnh, cô cắt giảm hoàn toàn chi phí dành cho nhiên liệu để tối giản chi tiêu.
“Mình cũng thấy bất tiện, xe điện yếu, nhiều khi không đi chơi được xa, nhưng chấp nhận thôi, giờ giá xăng tăng cao, mình phải cân đối lại mọi thứ”, Thúy Hường chia sẻ.
Bên cạnh đó, giá sinh hoạt tiêu dùng cũng tăng theo giá xăng. Giờ đây, mỗi khi ra chợ, Hường mất thời gian hơn để cân nhắc những thực phẩm dùng trong ngày. Cô đắn đo bởi nếu không “thắt lưng buộc bụng”, cô rất khó kham nổi.
“Bình thường, mình mua bó rau 5.000 đồng, giờ lên 10.000 đồng/bó, giá dưa chuột từ 8.000 đồng/kg tăng lên gấp đôi. Việc ăn uống trong một ngày mất khoảng 100.000 đồng. Tính ra, mỗi tháng, mình tiêu gần 3 triệu đồng tiền ăn thay vì hơn 2 triệu đồng như trước kia. Các chi phí sinh hoạt khác cũng tăng lên”, Thúy Hường kể.
Chưa kể khi đi làm, cứ khoảng 3 bữa/tuần, sau khi ăn cơm trưa, mọi người trong công ty rủ nhau đặt đồ uống như trà sữa, nước giải khát hay một số đồ ăn vặt khác. Chi phí mỗi cốc trà sữa dao động từ 25.000- 40.000 đồng tùy kích cỡ. Một ngày đi làm, Hường tốn khoảng 120.000 đồng cho chi phí ăn uống.
Tương tự, Bùi Ngọc cũng phải cân đo đong đếm từng khoản mỗi khi cần chi tiêu thứ gì trong tháng. Hiện, Ngọc là nhân viên sáng tạo nội dung của một công ty về mỹ phẩm với mức lương 6 triệu đồng/tháng sau khi ra trường.
“Chi tiêu thiết yếu nhất bây giờ là xăng xe. Bây giờ, mình liên tục thấy báo giá tăng, mình hơi sốt ruột. Vì trọ cách công ty 9 km, trung bình cứ 3-4 ngày, mình đổ xăng một lần. Mỗi lần, mình đổ 150 nghìn đồng”, Ngọc kể.
Về khoản chi tiêu dành cho ăn uống, nhiều hôm dậy muộn, Ngọc chưa kịp chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa tại công ty, cô tranh thủ ra hàng ăn tạm bát bún hay suất cơm. Tuy nhiên, giá mỗi suất ăn như bún hay cơm cũng đều tăng thêm 5.000-10.000 đồng vì thịt, rau, cái gì cũng lên giá.
Với mức lương khoảng 6 triệu đồng, Ngọc phải chi trả rất nhiều khoản như tiền trọ, chí phí sinh hoạt, đồ dùng cá nhân. Thỉnh thoảng, cô cân nhắc mua 1-2 bộ quần áo để phù hợp với công việc văn phòng.
“Khi giá cả chưa tăng, với mức lương này mình đã khó để sinh hoạt ở thành phố. Bây giờ bão giá, mình lại càng khó khăn. Chưa đến cuối tháng, mình đã không còn tiền, thậm chí phải vay thêm bạn bè”, Ngọc nói.
Bùi Ngọc sẽ giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết để tránh "rỗng túi" khi chưa hết tháng. Ảnh: NVCC. |
Tìm cách cân đối chi tiêu và tăng thu nhập
Sống và làm việc tại thành phố lớn ngày càng khó cân đối chi tiêu khi mọi thứ đều đồng loạt tăng giá. Thúy Hường và Bùi Ngọc cảm thấy mệt mỏi, áp lực. Nhưng họ cũng dần thay đổi thói quen chi tiêu, học cách tiết kiệm hơn.
Bùi Ngọc đã nghĩ tới việc cô sẽ phải ngồi lại liệt kê tất cả khoản phí của cô trong mấy tháng qua rồi phân nó vào các nhóm phù hợp. Sau đó, cô thiết lập ngân sách cho từng nhóm. Bằng cách này, Ngọc sẽ biết được khoản chi nào là không cần thiết hoặc chi quá nhiều. Từ đó, cô cắt giảm và tìm cách chi tiêu hợp lý hơn.
“Mình sẽ chia các khoản chi thành 3 nhóm cụ thể, bao gồm nhóm chi phí cố định như tiền điện, tiền nước, tiền nhà, nhóm liên quan tới sinh hoạt cho cá nhân như ăn ngoài hàng, trà sữa, cà phê với bạn bè và nhóm các khoản để trả nợ hoặc tiết kiệm”, Ngọc tính toán.
Trong trường hợp giá cả tăng cao và kéo dài, Ngọc ưu tiên cho nhóm cố định và hạn chế chi tiêu cho nhóm sinh hoạt như việc ăn hàng hay đi chơi, mua đồ ăn vặt. Thay vào đó, cô tranh thủ dậy sớm nấu cơm, pha nước mang đi. Điều này có thể giúp cô tiết kiệm được một khoản tương đối trong thời kỳ bão giá.
Đối với thu nhập mới ra trường đang ở mức thấp, Ngọc cũng lên kế hoạch tìm công việc ngoài giờ làm để tăng thu nhập.
"Mình đang tính nhận thêm công việc tư vấn khách hàng online vào buổi tối cho một cửa hàng quần áo trẻ em, công việc này có thể linh hoạt giờ giấc, có thể ngồi tại nhà làm. Mỗi ca sẽ duy trì 3-4 tiếng, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng", Ngọc chia sẻ.
Cô cho biết mức thu nhập riêng tuy không lớn nhưng nó sẽ giảm bớt gánh nặng về chi phí sinh hoạt mỗi tháng khi vật giá leo thang, cô cũng không cần phải vay mượn thêm bạn bè.
Để không “cháy túi” như các tháng vừa rồi, Thúy Hường cũng bắt đầu "buộc bụng" và cố gắng mỗi tháng có thể dư ra một triệu đồng để phòng trừ những chi phí phát sinh khác. Bằng cách này, nó sẽ tạo cho Hường một thói quen cập nhật và ghi chép thu chi thường xuyên, giúp cô không bị hết tiền thời bão giá.
Thói quen ăn uống tại công ty cũng được Hường hạn chế hết mức. Thay vào đó, cô pha nước sẵn mang từ nhà đi hoặc mua sẵn các túi trà sữa nhỏ tự pha để uống khi nghỉ ngơi tại công ty, tránh gọi đồ ăn ngoài.
"Bản thân còn trẻ, nhiều khi, lương về tay, mình lập tức chi tiêu không ngừng, bỏ qua hoàn toàn kế hoạch tiết kiệm tiền trước đó. Hiện giờ, giá cả tăng, mình sẽ phải cân đối lại và vạch ra những kế hoạch cụ thể để không bị 'rỗng túi' khi cuối tháng", Hường nói.