Sau 6 tháng làm việc cùng nhiều đắn đo suy nghĩ, mặc dù mức lương cao hơn so với mặt bằng sinh viên mới ra trường, Nguyễn Linh (23 tuổi, Hà Nội) vẫn không thể tìm thấy động lực làm việc và phát triển ở công ty. Cô đã viết đơn xin nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội ở môi trường làm việc tốt hơn.
Lương cao nhưng môi trường không tốt
Một năm trước, khi mới ra trường, Nguyễn Linh vào làm việc tại một công ty tư vấn du học. Điều đầu tiên Linh quan tâm khi chính thức bước chân vào môi trường làm việc chính là học hỏi kinh nghiệm và có mức lương tương xứng.
Sau 6 tháng, Linh nhận ra cô đã sai lầm trong lựa chọn công ty khi chỉ để ý mức lương, học hỏi kinh nghiệm mà không để ý đến môi trường làm việc. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, sau 3 tháng làm công việc đầu tiên, mỗi ngày đi làm đối với Linh đều trở thành áp lực. Có những ngày cô rơi vào trạng thái sa sút tinh thần và dường như mất hết động lực làm việc.
Điều đầu tiên Linh nhìn thấy mỗi ngày khi tới văn phòng là những gương mặt nhăn nhó, cáu bực của đồng nghiệp. Cùng với đó là những “drama” công sở, nói xấu lẫn nhau hoặc nói xấu cấp trên.
Linh cũng nhận ra rằng việc công ty mình thường xuyên thay đổi nhân sự xuất phát từ việc giữa các cấp lãnh đạo, quản lý và nhân viên không có tiếng nói chung, sếp lại thiếu chuyên nghiệp và tâm lý trong điều hành và quản lý nhân viên.
Nhiều hôm, trở về nhà sau những ngổn ngang ở công ty, Linh giật mình lo lắng mỗi khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ sếp yêu cầu giải quyết công việc ngay cả khi đã hết giờ làm. Sau 6 tháng, Linh nhận ra cô đã sai lầm trong lựa chọn công ty khi chỉ để ý mức lương, học hỏi kinh nghiệm mà không để ý đến môi trường làm việc.
Giống như Linh, Nguyễn Giang (23 tuổi, Hà Nội) cũng cảm thấy không ổn khi làm việc tại một công ty startup khi mới ra trường. Giang nhận thấy mặc dù mức lương cô nhận được khá ổn đối với người mới, thời gian và sức khỏe cô bỏ ra khá lớn. Không ít lần, khối lượng công việc nhiều, liên tục trong nhiều ngày, cô gái trẻ phải thức làm việc tới 4h sáng.
Bên cạnh đó, Giang cho biết công ty không có chế độ nghỉ phép có lương, các chế độ phúc lợi lại mập mờ, quyền lợi về đào tạo, nghỉ ngơi, giải trí cũng chưa nhiều. Nhận thấy công việc không đáp ứng được các nhu cầu về sức khỏe tinh thần của bản thân, Giang không ngần ngại tìm kiếm một nơi phù hợp hơn sau gần một năm làm việc tại đây.
Thay đổi tư duy
Không giống như Linh hay Giang, mặc dù chưa ra trường, khi được hỏi về việc lựa chọn công ty làm việc, Cảnh Quân (sinh viên năm 3, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định cậu sẵn sàng từ chối hay nghỉ việc ở công ty nếu họ không quan tâm đến các vấn đề như phúc lợi, sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên.
Cảnh Quân khẳng định cậu sẵn sàng từ chối hay nghỉ việc ở một công ty không quan tâm đến các vấn đề như phúc lợi, sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên. Ảnh: NVCC. |
Nam sinh cũng khẳng định bản thân sẽ không làm việc ở công ty có định hướng làm việc khác với định hướng của cậu. Theo Quân, nếu làm việc ở những công ty đó, bản thân cảm thấy không phù hợp, không được làm việc mong muốn hay có ưu thế, vì vậy, cơ hội để phát triển không cao.
Cảnh Quân cho biết trước đây, khi còn là sinh viên năm nhất, năm hai, Quân luôn chú trọng đến mức thu nhập khi làm việc. Nam sinh ưu tiên chọn công việc có mức thu nhập hấp dẫn hơn là công việc mà bản thân cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, ở hiện tại, ưu tiên số một của Quân khi lựa chọn công ty là môi trường làm việc tích cực, thoải mái và mang lại nhiều cảm hứng sáng tạo cho bản thân.
Cùng suy nghĩ với Quân, Nguyễn Hiền (sinh viên năm 4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng khẳng định một năm tới, khi chính thức tham gia vào thị trường lao động, nữ sinh sẽ không đầu quân vào một công ty không có định hướng rõ ràng.
“Theo mình, nếu làm việc ở những môi trường đó, mình có thể sẽ bị lạc hướng theo công ty, không kiên định cũng như không phát triển được bản thân đúng kế hoạch”, Hiền nhận định.
Trước đây, khi mới chỉ là sinh viên năm nhất, tìm việc làm thêm, Hiền quan tâm đầu tiên đến tiền lương. Sau đó, nữ sinh mới xem xét đến những kỹ năng mềm, sự trải nghiệm và học hỏi.
Tuy nhiên, sau 4 năm đi làm thêm cùng kiến thức bản thân tích lũy, Hiền dần thay đổi tư duy. Ngoài vấn đề tiền lương phù hợp với năng lực bản thân, nữ sinh để ý đến các vấn đề về môi trường công ty.
“Mình sẽ ưu tiên công ty có môi trường làm việc năng động, không gò bó và phát triển được bản thân”, Hiền khẳng định.
Ngoài ra, các vấn đề về phúc lợi cũng phải rõ ràng, chế độ đãi ngộ về quyền lợi như đào tạo, nghỉ ngơi, giải trí cũng được Hiền lưu tâm. Chia sẻ về nguyên nhân thay đổi tư duy này, Hiền cho rằng cuộc sống phải tốt lên từng ngày chứ không thể ngày một xấu đi.
Chính vì vậy, cô muốn bản thân cũng tốt lên, phát triển theo đúng kế hoạch đề ra, không chỉ vật chất mà cả những vấn đề tinh thần cũng phải được để ý.
Ngoài vấn đề tiền lương phù hợp với năng lực bản thân, Nguyễn Hiền quan tâm đến các vấn đề về môi trường làm việc. Ảnh: NVCC. |
Yêu cầu về môi trường làm việc, sức khỏe tinh thần liệu có phải là đòi hỏi?
Bích Ngọc (23 tuổi, cựu sinh viên Học viện Tài chính) cho rằng không chỉ sinh viên mới ra trường như Ngọc mà ngay cả những người đã làm việc lâu năm đều có quyền tìm kiếm cho mình một môi trường làm việc tốt, đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe tinh thần của bản thân.
“Theo mình, đây hoàn toàn không phải là việc đòi hỏi mà là quyền lợi mỗi cá nhân đáng được nhận và là sự lựa chọn của mỗi người”, Ngọc nhận định.
Theo Ngọc, các doanh nghiệp không dễ thay đổi văn hóa công ty. Vì vậy, vấn đề nằm ở việc nhân viên lựa chọn chuyển từ công ty này sang công ty khác để tìm cho mình những nơi phù hợp hơn.
Cùng suy nghĩ với Ngọc, Nguyễn Thơm (23 tuổi, Hà Nội) sau khi đi làm chính thức được một năm, đã có sự va vấp trong thị trường lao động, cô nhận ra không phải vấn đề lương mà môi trường làm việc mới là yếu tố cô quan tâm nhất khi tìm kiếm công ty, vị trí mới.
Nguyễn Thơm hướng tới sự cân bằng giữa cuộc sống - công việc và hạnh phúc cá nhân. Ảnh: NVCC. |
Nữ sinh dần hướng tới sự cân bằng giữa cuộc sống - công việc và hạnh phúc cá nhân. Cô đặt ra yêu cầu về môi trường tạo cho mình tinh thần làm việc tốt, có tiềm năng để phát triển tương lai cùng những quyền lợi khác về phúc lợi hoặc các hoạt động xã hội, giải trí khác bên cạnh công việc.
Thơm nhận định, làm việc ở môi trường không tốt khiến bản thân mất dần sự sáng tạo, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ cá nhân.
“Bản thân mình sẽ bài trừ môi trường làm việc ảnh hưởng xấu đến cảm giác hài lòng, hạnh phúc trong công việc hay sức khỏe tinh thần của bản thân”, Thơm khẳng định.
Thơm cũng cho rằng khi nhân viên nhìn nhận thấy tiềm năng của công ty, họ sẽ nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt công việc, xứng đáng với những gì mà công ty trao cho nhân viên.
Tuy nhiên, để tìm được công ty đáp ứng các yêu cầu của bản thân, Ngọc, Thơm và Nguyễn Hiền đều hiểu sinh viên mới ra trường cần phải học nhiều thứ, biết nhiều thứ, không chỉ nằm ở kiến thức chuyên môn mà còn là kỹ năng mềm, phản xạ tình huống, tìm phương án và giải quyết vấn đề hiệu quả, mang lại những lợi ích cho công ty, không thể chỉ có yêu cầu từ một phía.