Khi còn là sinh viên năm hai, Nguyễn Thị Biên (24 tuổi, Hải Phòng) mong sao mình có thể hoàn thành chương trình học thật nhanh để trở về quê làm việc. Với tính cách hướng nội, nữ sinh không thích sự ồn ào, đường sá chật cứng xe cộ hay dòng người đông đúc mỗi giờ tan tầm ở thành phố.
Tuy nhiên, lên năm 3 đại học, sau khi hoàn thành kỳ thực tập tại trường, Nguyễn Biên cảm thấy bản thân dần quen hơn với nhịp sống trên thành phố, cô thay đổi tư duy, mong muốn phát triển bản thân và tiếp tục gắn bó lâu dài tại đây.
“Ở thành phố có cơ sở vật chất hiện đại, nó có thể đáp ứng nhu cầu sống cao hơn khi về quê”, Nguyễn Biên chia sẻ.
Nhiều sinh viên mới ra trường sẽ băn khoăn giữa việc về quê phát triển hay ở lại một thành phố lớn. Ảnh minh hoạ: Bắc Vũ. |
Áp lực khi sống và làm việc ở thành phố
Quyết định ở lại thành phố để làm việc. Sau một thời gian, dưới áp lực công việc, Nguyễn Biên đi sớm về khuya, cô không có thời gian cho bản thân, những dòng tin nhắn liên tục hiện trong nhóm chát, thời hạn công việc phải xử lý gấp trong ngày, những cuộc họp nhân viên gấp rút. Để làm việc được ở đây, cô phải nỗ lực hết mình.
“Mới ra trường, ít kinh nghiệm lẫn tư duy làm việc, mình phải đối mặt với những khó khăn trong khi làm việc, công việc trì trệ, tâm lý không làm được việc khiến mình cảm thấy không thoải mái”, Nguyễn Biên nói.
Sau áp lực công việc, cô tiếp tục đối diện về áp lực tâm lý, cô dần cảm thấy thất vọng về bản thân.
Mới ra trường, nhưng Biên đã “nhảy” đến 2-3 công việc cùng lúc trong vòng mấy tháng. Thu nhập bấp bênh, môi trường làm việc không cố định. Nhiều hôm, cô gái 24 tuổi trở nên tuyệt vọng, chán nản.
Ngoài ra, với mức lương không quá cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến Nguyễn Biên mệt mỏi trong việc cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý.
Tương tự, sau khi ra trường, Ánh Ngọc (24 tuổi) đã nghĩ mình sẽ ở lại thành phố làm việc với công việc đúng ngành và mức lương khá.
Đầu tháng 10/2021, Ngọc xin vào làm nhân viên truyền thông tại một công ty trên địa bàn. Mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên mức lương của cô chỉ dừng lại ở con số 6-7 triệu đồng/tháng.
Thời gian đầu, công việc mang lại cho Ngọc sự thích thú cho Ngọc. Tuy nhiên, khi cô đi làm, nhiều vấn đề phát sinh, chi phí sinh hoạt ngày một tăng, mức lương trong tháng không đủ chi trả cho sinh hoạt, tiền trọ, hay chi phí phát sinh như đám cưới, sinh nhật. Cuộc sống như vậy khiến Ngọc đành từ chối tham gia những cuộc gặp gỡ bạn bè dịp cuối tuần.
Ngọc chia sẻ mỗi tháng, cô đóng hơn 2,5 triệu đồng tiền thuê trọ, còn các khoản ăn uống, chi tiêu lúc ốm đau. Chưa kể, chi phí nhiên liệu ngày một tăng, kéo theo nhiều khoản chi phí khác cũng tăng theo.
Với đồng lương ít ỏi, Ánh Ngọc đau đầu khi mỗi tháng cô phải nghĩ làm thế nào để tiết kiệm nhất có thể.
“Công việc không như ý, lương thấp, mình không đủ để trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn. Nhiều khi, mình muốn gửi tiền về quê phụ giúp bố mẹ nhưng chưa thực hiện được. Nó như một vòng luẩn quẩn trong đầu”, Ánh Ngọc trải lòng.
Ánh Ngọc cân nhắc sẽ về quê làm việc với mức lương ổn định, lại gần nhà. Ảnh: NVCC. |
Đắn đo về quê hay ở lại thành phố
Ánh Ngọc dự định ở lại thành phố để làm việc 1-2 năm. Nhưng hiện tại, cô thấy bản thân gặp khó khăn, nhiều khoản chi phí phải tự lo liệu mà mức lương có hạn.
Dù chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng, cô không dư ra khoản nào. Sinh hoạt ở thành phố quá đắt đỏ, chật chội khiến Ngọc áp lực. Cô đang cân nhắc việc mình thay đổi kế hoạch để về quê làm công việc đúng ngành, ổn định, giảm bớt nhiều khoản chi tiêu phát sinh không cần thiết.
“Mình tính về quê, làm giáo viên dạy ở một trường công, với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng. Đó cũng là ước mơ từ rất lâu của mình. Về quê, mình nghĩ cuộc sống sẽ dễ thở hơn ở thành phố và quan trọng, mình được gần gia đình, đỡ áp lực hơn rất nhiều”, Ánh Ngọc chia sẻ.
Ngọc cũng cho biết bố mẹ muốn con gái trở về quê để gần nhà, công việc ổn định, sau đó lập gia đình. Bên cạnh đó, mọi chi phí sinh hoạt ở quê cũng rẻ hơn so với thành phố. Điều này sẽ giúp cô có một khoản tiền tiết kiệm dành riêng cho bản thân.
Trong khi đó, dù còn khó khăn, Nguyễn Biên chưa có tư tưởng muốn ổn định ngay. Cô còn muốn khám phá, học hỏi, trải nghiệm nhiều thứ tại thành phố.
Khoảng thời gian cuối năm, thành phố giãn cách vì dịch bệnh, Biên chưa có nhiều cơ hội để tiếp xúc công việc làm thêm hay thực tập dài hạn tại một văn phòng.
“Sau khi ra trường, bản thân mình còn thiếu nhiều về trải nghiệm văn hóa công sở, kỹ năng mềm, kỹ năng tin học, giao tiếp. Mình vẫn muốn dành thời gian vài năm đầu để rèn giũa bản thân sao cho dạn dĩ, trưởng thành, va vấp, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn”, Nguyễn Biên bộc bạch.
Nữ sinh tính sẽ tiếp tục dành thời gian tìm kiếm và trải nghiệm một công việc phù hợp với khả năng tại thành phố 1-3 năm hoặc lâu hơn.
Trong quá trình sống và làm việc, nếu vẫn cảm thấy cuộc sống tại đây còn khó khăn, khi đó, nữ sinh sẽ lựa chọn về quê đi dạy với thu nhập ổn định. Cô cũng có thể kết hợp dạy thêm, chi phí sinh hoạt bỏ ra cũng ít ỏi hơn. Khi đó cô đã có nguồn vốn để tích lũy và hỗ trợ thêm cho bố mẹ.