Cụ thể, trong đề án tuyển sinh năm 2022 của ĐH Luật Hà Nội, mức học phí đối với sinh viên hệ chính quy lớp/khóa tuyển sinh từ năm học 2022-2023 là 572 nghìn đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1605.000 đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao.
Trước đó, trong năm học 2021-2022, mức thu đối với hệ đại trà là 280 nghìn đồng/tín chỉ và 990 nghìn đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao. Như vậy, học phí của ĐH Luật Hà Nội tăng gấp đôi ở hệ đại trà, trong khi học phí của hệ chất lượng cao tăng 62%.
Mức thu học phí của ĐH Luật Hà Nội từ năm học 2022-2023. |
ĐH Luật Hà Nội cũng điều chỉnh học phí đối với các khóa tuyển sinh trước năm học 2022-2023. Cụ thể, đối với các lớp/khóa tuyển sinh trước năm học 2019-2020, mức thu học phí là 438.000 đồng/tín chỉ; các lớp/khóa tuyển sinh từ năm học 2019-2020 là 426.000 đồng/tín chỉ; các lớp/ khóa từ năm học 2021-2022 là 429.000 đồng/tín chỉ. Trường thu học phí theo số tín chỉ sinh viên đăng ký trong kỳ.
Học phí của ĐH Luật đối với sinh viên các khóa. |
Hiệu trưởng ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng vừa ra quyết định về việc quy định, định mức học phí đào tạo đại học, sau đại học năm học 2022-2023. Cụ thể, năm học 2022-2023, các chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao có mức học phí cao nhất là 715 nghìn đồng/tín chỉ, cao hơn mức cũ 2,26 lần (315 nghìn đồng).
ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021. Trong 3 năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm.
Đối với sinh viên đại học chính quy ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao, mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 là 98 triệu đồng/sinh viên/ khóa học (tương ứng 2,45 triệu đồng/tháng; 770 nghìn đồng/tín chỉ).
Mức học phí theo đề án tuyển sinh của ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022. |
Trước đó, nhiều đại học cũng quyết định tăng học phí từ năm học tới. Cụ thể, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã công bố học phí dự kiến với sinh viên đại học chính quy năm học 2022-2023 các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, mức học phí cao nhất không vượt quá 44.368.000 đồng/năm; các ngành còn lại không vượt quá 41 triệu đồng/năm. Các mức này đều tăng so với năm trước.
ĐH Y Hà Nội vừa thông báo tăng học phí ít nhất 10% đối với tất cả ngành học trong năm 2022-2023.
Theo đó, ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền có mức học phí cao nhất trong các ngành đào tạo là 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các ngành còn lại, học phí là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên.
So với năm học 2021-2022, học phí năm học này của trường tăng từ gần 30% đến 71%, trong đó, nhóm Y Dược (ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng), Răng - Hàm - Mặt tăng có mức tăng cao nhất, từ 1,43 triệu đồng/tháng/sinh viên lên 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Tại ĐH Y dược TP.HCM giữ mức thu học phí như năm 2020 trong khoảng 30-70 triệu đồng/năm. Cụ thể ngành Răng Hàm Mặt 70 triệu đồng/năm, Y khoa 68 triệu đồng/năm, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm, dược học 50 triệu đồng/năm.
Mức học phí của ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) được tính theo tín chỉ tùy theo số môn học đăng ký. Học phí trung bình mỗi tháng học của chương trình chính quy đại trà được thực hiện theo quy định về học phí của Chính phủ.
Học phí trung bình mỗi tháng học của chương trình tiên tiến, chất lượng cao được thực hiện theo quyết định phê duyệt đề án của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo đó, trong năm học 2022-2023, mức học phí trung bình của chương trình chính quy là 13,75 triệu đồng/năm, với chương trình tiên tiến, chất lượng cao là 36 triệu đồng/năm, còn học phí trung bình dự kiến là 27,5 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng đáng kể so với năm ngoái.
Năm học 2021-2022, ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo mức học phí dao động từ 22 triệu đồng đến 28 triệu đồng/năm (tùy theo từng nhóm ngành và chương trình đào tạo). Mức học phí này nằm trong lộ trình học phí giai đoạn 2020-2025 với mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học đối với từng chương trình đào tạo.
ĐH Công nghệ TP.HCM thông báo học phí năm học 2021-2022 được tính theo học kỳ là tổng học phí các học phần đã đăng ký thành công gồm các học phần theo chương trình chính khóa, học phần sinh viên đăng ký học lại, học vượt hoặc phí tài liệu học tập. Theo đó, học phí dao động từ 975.000 đồng đến 1,7 triệu đồng.
Trong năm học tới, học phí sẽ tăng khoảng 5% theo lộ trình. Sinh viên đóng khoảng 36 triệu đồng/năm (riêng ngành Dược có mức thu cao hơn 20%).
Năm học tới, ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến chương trình đại học chính quy chuẩn có mức học phí 6,25 triệu đồng/học kỳ. Học phí chương trình đại học chính quy chất lượng cao 18.425.000 đồng/học kỳ.
Tổng học phí tối đa chương trình đại học chính quy quốc tế cấp song bằng, học phí chương trình liên kết đào tạo quốc tế do đại học đối tác cấp bằng là 212.500.000 đồng/toàn khóa học (đã bao gồm học phí tiếng Anh, chương trình chính khóa, kỹ năng mềm...). Sinh viên học 8 học kỳ, học phí trung bình 26,5 triệu đồng/học kỳ.
Theo thông báo về phương án xây dựng học phí theo nhóm ngành khi thực hiện cơ chế tự chủ, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin mức học phí theo nhóm ngành cho sinh viên đại học chính quy tập trung khóa 2022 khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học dao động từ 16 đến 24 triệu đồng đối với hệ chuẩn, 60 triệu đồng đối với hệ chất lượng cao.