Ngay cả trong cuộc họp vào chiều 28/11 do Bộ VH-TT&DL tổ chức với nhiều bên liên quan như Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Bản quyền tác giả, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam… thì sự việc vẫn chưa đến hồi kết.
Các hội đồng thẩm định vênh kết quả
Sự việc bắt đầu khi một nhóm người hâm mộ K-pop tại Việt Nam cho rằng ca khúc Chắc ai đó sẽ về trong bộ phim Chàng trai năm ấy (Công ty Cổ phần Truyền thông Thế giới Giải trí sản xuất) sao chép từ ca khúc Because i miss you (Jung Yong Hwa, Hàn Quốc). Với mong muốn bảo vệ quyền tác giả của Sơn Tùng và để bộ phim Chàng trai năm ấy được phát hành hợp pháp, Công ty Cổ phần Truyền thông Thế giới Giải trí đã gửi công văn đề nghị Cục Bản quyền tác giả và Cục Điện ảnh vào cuộc xác minh số phận của ca khúc này.
Sau đó Cục Bản quyền tác giả đã ủy quyền cho Hội Âm nhạc Việt Nam thành lập hội đồng thẩm định ca khúc; Hội Âm nhạc Việt Nam ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thực hiện việc thẩm định này. Và giữa tháng 11, hội đồng thẩm định của VCPMC với các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh, Trương Ngọc Ninh… đã khẳng định ca khúc của Sơn Tùng đạo nhạc từ ca khúc Hàn Quốc và đề nghị cấm lưu hành.
Tuy nhiên, ngày 21/11, sau khi có ý kiến từ phía Hàn Quốc lẫn ý kiến của hội đồng thẩm định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản báo cáo Bộ VH-TT&DL rằng: “Không có cơ sở để không cho phép phổ biến bài hát Chắc ai đó sẽ về của tác giả Nguyễn Thanh Tùng (Sơn Tùng M-TP)”. Và Cục cũng đề nghị Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên chỉ đạo các bên liên quan cấp phép phổ biến ca khúc trên.
Số phận Sơn Tùng M-TP kéo theo số phận bộ phim Chàng trai năm ấy treo lơ lửng. |
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết: “Cục có hội đồng thẩm định riêng của Cục theo quy chế hội đồng thẩm định. Sau khi thẩm định thống nhất lãnh đạo Cục và các phòng quản lý chức năng kết luận nói ca khúc Chắc ai đó sẽ về đạo nhạc Hàn Quốc là chưa công bằng và hơi vội vàng”.
Bên cạnh đó, Cục cũng dựa trên thư điện tử từ phía Hàn Quốc thông qua Văn phòng Luật sư Phans (văn phòng Hà Nội) xác nhận: “Chúng tôi thấy có sự tương đồng như về tiến trình hợp âm, giai điệu… Nhưng chúng tôi không xem đây là vấn đề “ăn cắp bản quyền” đối với bản thu âm này”; cộng với vi bằng từ Văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp (TP.HCM), Cục khẳng định “có tương đồng nhưng không thể xem là đạo nhạc”.
Trả lời câu hỏi với kết quả vênh từ hai hội đồng thì dư luận nên tin vào ai, ông Đào Đăng Hoàn khẳng định: “Tất nhiên kết quả hai hội đồng vênh nhau. Nhưng chỗ VCPMC là một tổ chức độc lập về ủy thác tác quyền chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Ý kiến của hội đồng này nên xem là hội đồng tư vấn hơn là hội đồng thẩm định. Nếu không xác định được đạo nhạc, không có đơn vị từ phía Hàn Quốc kiện… Vậy nếu chúng tôi không cấp phép thì chúng tôi đã làm sai”.
“Phía Hàn Quốc nói Sơn Tùng không đạo nhạc, cớ gì chúng ta xử phạt?”
Các kết quả vênh nhau nên ca khúc Chắc ai đó sẽ về vẫn chưa được cấp phép, dẫn đến việc bộ phim Chàng trai năm ấy chưa thể ra rạp. Cho nên vào chiều 28/11, Bộ VH-TT&DL tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhiều bên liên quan như nêu trên.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM sau cuộc họp vào chiều 28/11, ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng - người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, cho biết: “Phía Hàn Quốc nói không có cơ sở đạo nhạc của họ. Khi tác giả bản gốc nói vậy thì đâu có cơ sở để chúng tôi đưa ra quyết định xử phạt”.
Ông Tân cũng chia sẻ thêm dưới góc độ cá nhân ông thì: “Hai ca khúc giống nhau nhiều quá làm khán giả suy nghĩ rằng cái này dựa vào cái kia quá nhiều. Dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp thì chuyên môn và uy tín cá nhân quan trọng nhất. Đối với người công chúng thì mất niềm tin từ công chúng, dư luận quay lưng là hình phạt nặng nhất”.
Sau cuộc họp chiều 28/11, nhiều phương án xử lý sự việc được đưa ra như bỏ ca khúc Chắc ai đó sẽ về khỏi phim để dư luận khỏi vướng bận; vẫn sử dụng ca khúc Chắc ai đó sẽ về và thêm dòng chữ “dựa trên ý tưởng bài hát Because i miss you của Hàn Quốc”… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kết luận chính thức từ Bộ VH-TT&DL với số phận của ca khúc Chắc ai đó sẽ về cũng như bộ phim Chàng trai năm ấy.
Luật sư Phan Vũ Tuấn Chánh Văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, thành viên của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI):
Sự phán xét thô sơ và thiển cận
Khi mà câu chuyện đạo nhạc được nâng lên thành quan điểm và được sử dụng như một công cụ để kết tội người khác, lúc này không chỉ là câu chuyện của Sơn Tùng M-TP nữa, nó trở thành một phần của đời sống xã hội.
Điều sai lầm đặc biệt đáng lưu ý là tiêu chí, căn cứ, phương thức để xác định hành vi đạo nhạc. Bằng những cách thức hết sức thô sơ và thiển cận, chẳng hạn như là mở hai bài nhạc cùng một lúc, dùng phần nhạc nền bài này để hát bài khác, chỉ cần thấy có sự giống nhau hết sức cảm tính, người ta đã vội vàng kết luận là đạo nhạc. Trong khi theo quy định pháp luật, sự giống nhau không phải là tiêu chí tuyệt đối và duy nhất để xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Việc phán xét phải dựa trên cơ sở pháp luật, mang tính khoa học và quan trọng nhất là phải tuân theo trình tự luật định, được thực hiện bởi cơ quan có chức năng và thẩm quyền. Việc phán xét cảm tính sẽ mang lại những thiệt hại khôn lường cho những người không may vướng phải nghi án này. Việt Nam có lẽ cũng là nơi duy nhất trên thế giới mà các tổ chức quản lý tập thể (Collecting Management Organization - CMO) lại làm thay chức năng của tòa án là phán xét, thay vì cố gắng làm tốt chức năng quản lý tập thể theo đúng tôn chỉ mục đích như bất cứ CMO nào.
Có thể thấy rõ một nghịch lý rằng một hành vi xâm phạm quyền tác giả lại được xác định dựa trên đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả (chỉ là bản thu âm đã qua quá trình xử lý, chỉnh sửa chứ không phải bản giấy có chứa nốt nhạc nguyên gốc), bằng những cách thức hết sức chủ quan, thiếu sự đánh giá khoa học pháp lý với những tiêu chí mơ hồ, không đầy đủ, được tuyên bố bởi những chủ thể không đủ năng lực pháp lý.
Các tác giả từ gạo cội như Trần Tiến cho đến nhạc sĩ trẻ như Sơn Tùng M-TP, hay thậm chí là cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều là nạn nhân của vòng xoáy nghịch lý này.
Có bất công không? Câu hỏi đặt ra như một lời cảnh tỉnh, trước hết cho giới chuyên môn, sau là khán thính giả, hãy tỉnh táo, thận trọng khi nhìn nhận và đánh giá vấn đề, hãy dùng lương tri trí tuệ suy xét để không tạo ra cái chết oan uổng cho những sản phẩm giá trị, những tương lai mới của nền âm nhạc nước nhà.