Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài học sinh viên báo chí: Suýt mất mạng vì nói cảm ơn

Mai Quỳnh từng ở trong tình huống nguy hiểm đến tính mạng do thói quen nói lời cảm ơn mà không chú ý tới hoàn cảnh cụ thể trong lúc tác nghiệp.

Mới ra trường, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Trịnh Mai Quỳnh - còn nhiều cảm xúc khi kể về quãng thời gian học tập trên giảng đường và những bài học thực tế của mình.

Ảnh minh họa.

Từ 9X mặc cảm vì khuyết tay trở thành nhà thiết kế trẻ

Minh Thái khiến nhiều người ngưỡng mộ khi biết vượt khó, dám thực hiện ước mơ dù có khiếm khuyết trên cơ thể.

Ra trường tháng 6/2014, Quỳnh nung nấu ý tưởng sẽ viết gì đó để khẳng định mình. Suy nghĩ mãi, cô quyết định tìm hiểu về đời sống công nhân.

Bài học xương máu đầu tiên là khi Quỳnh mò mẫm vào khu ký túc xá của công nhân. Dù đã được bạn bè giới thiệu, dặn dò kỹ càng, bản thân bỏ ra một thời gian ngắn để quan sát, tìm hiểu về thói quen ra vào, dáng điệu, đường đi nước bước của công nhân, một chi tiết sơ hở vẫn khiến Quỳnh lâm vào nguy khốn.

Sau khi mượn thẻ ra vào của một người bạn hao hao giống mình, Quỳnh quyết định đột nhập thực địa. Qua được trạm kiểm soát vòng ngoài suôn sẻ nhưng khi nhận lại thẻ, Quỳnh quen miệng nói cảm ơn. Ngay lập tức ánh mắt của người bảo vệ chuyển sang nghi ngờ, dò xét. Họ hỏi số phòng, sau đó im lặng cho qua.

Quỳnh chia sẻ: “Mình thở phào nhẹ nhõm như vừa vượt qua một kiếp nạn. Ai dè, buổi tối khi cả phòng đang túm tụm chuyện ra chuyện vào thì nghe tiếng gõ cửa dồn dập, đích thị là ban quản lý ký túc.

Biết là họ kiếm cớ vào chơi để vạch mặt “kẻ gian”, nhưng được sự trợ giúp của cả phòng, mình vội vàng chui vào tủ quần áo. Đang giữa tiết trời ngày hè, ngồi trong tủ chỉ rộng vừa người và cao 35-40 cm cùng đống quần áo, mồ hôi vã ra như tắm.

Sau 30 phút, cảm giác muốn lịm đi vì nóng và thiếu không khí. Lúc tưởng sắp về "chầu diêm vương", một bạn trong phòng kiếm cớ lấy quần áo, mở hé ra để mình thở nhưng không được lâu phải đóng lại vì sợ bị phát hiện. Trong đầu mình lúc ấy chỉ nghĩ làm sao để không liên lụy tới bạn bè và những người tận tình giúp đỡ mình”.

Sau lần đó, Quỳnh thấm thía không phải khi nào nói lời cảm ơn cũng tốt.

Trải nghiệm 15 ngày làm công nhân

Để thực hiện đề tài này, Quỳnh làm hồ sơ xin việc gửi vào các khu công nghiệp, thuê nhà trọ và vào vai một cô công nhân thực thụ.

“Vẫn biết công nhân khổ, nghe nói, nghe kể cũng nhiều rồi nhưng chỉ đến khi cùng vào xưởng lao động, làm việc 9-12 tiếng một ngày, cùng ăn, cùng ở mới thấu hết thế nào là khổ như công nhân”- Quỳnh ngậm ngùi.

15 ngày đóng vai công nhân, Quỳnh thấu hiểu và chắt chiu những bài học xương máu gắn với đời và với nghề. Quỳnh cho hay, với đồng lương ít ỏi, công nhân đều phải chịu cảnh ăn qua loa, ở tạm bợ. Xung quanh các khu công nghiệp có cả ngàn phòng trọ cấp 4, giá từ 500.000-700.000 đồng mỗi tháng với diện tích 6-10 m2. Thậm chí,có những khu trọ 20 phòng chỉ có một khu nhà tắm, một nhà vệ sinh chung.

Đời sống công nhân cực khổ và chịu nhiều sức ép, từ giờ làm, ca kíp, quy trình làm việc đến môi trường làm việc nhiều hóa chất độc hại. Có 2 ca làm việc luân phiên theo tuần. Một là từ 7h30 sáng đến 16h30, hai là từ 19h30 đến 4h30 sáng hôm sau.

Nếu tăng ca thì giờ làm việc lên đến 12 tiếng. Giờ giải lao 10 phút giữa ca làm thì mỗi người tìm một góc tranh thủ ngả lưng hoặc ngủ gục tập thể trên những chiếc bàn nhỏ.

Hầu hết công nhân phải làm quen với việc “ăn như cướp” vì chỉ có 30 phút để ăn trưa, tối cộng với thời gian tranh thủ nghỉ ngơi. Kết thúc ngày làm việc, trở về phòng thay đồng phục, nhiều người nằm, ngồi bệt trên sàn cả tiếng đồng hồ cho đỡ mỏi trước khi về nhà.

“Công nhân bước vào ca làm được trang bị như một chiến binh sắp xung trận. Nào quần áo bảo hộ, giày, ủng, mũ, khẩu trang… để hạn chế những độc hại, nguy hiểm tới sức khỏe. Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ làm việc, đôi găng tay cao su của công nhân bị ăn mòn, thủng lỗ chỗ trên các đầu ngón tay.

Được các công nhân có kinh nghiệm tư vấn, mình được căn dặn phải dùng khăn lau ngay lập tức nếu bị dính hóa chất bởi da sẽ bị phồng, để lại sẹo”- Quỳnh tâm sự.

Kết thúc chuỗi ngày làm công nhân, Quỳnh có sản phẩm để cống hiến cho bạn đọc, thêm nhiều mối băn khoăn và trăn trở với đời, với nghề hơn.

Bị đánh là chuyện thường

Theo Quỳnh, câu chuyện sinh viên trường báo, phóng viên, thậm chí nhà báo bị đánh chẳng ai còn lạ nữa. Bị đánh là chuyện thường rồi. Quỳnh ngậm ngùi kể lại lần mình thoát vòng vây cơn thịnh nộ, tránh một trận nhừ tử.

Đó là lần Quỳnh cùng một bạn học về làng La Phù, Hoài Đức, Hà Nội điều tra về quy trình làm bánh trung thu. Cả hai đột nhập vào một xưởng sản xuất, xin làm công nhân nhưng không được chấp nhận. Kiếm cớ đi lại mấy vòng tranh thủ quay phim, chụp ảnh lại bằng điện thoại, Quỳnh bị phát hiện. Bà chủ rượt đuổi theo.

“Vừa chạy mình vừa xóa hết ảnh vừa chụp. Nếu để họ biết còn khốn hơn”- Quỳnh nói.

Chạy được một đoạn, Quỳnh bị túm tóc kéo giật lại. Rồi người ta cứ thế lao vào cào cấu khiến hai tay trầy xước hết. Vội vàng phân trần nhưng bị hỏi vặn: Tại sao phải chạy?

Quỳnh cuống quýt nói, khi vào xin phép ông chủ nên sợ chạy chứ không có ý xấu. Kiểm tra điện thoại thấy không có bằng chứng gì, bà ấy mới thả cho Quỳnh và người bạn học yên thân về.

Quỳnh cho biết thêm, đi làm một thời gian, đôi khi cô cảm thấy nản vì cái nhìn của đa số mọi người với báo chí. Đi đến đâu giới thiệu học báo, làm báo, thấy họ "À" một tiếng. Nhất là đi viết tiêu cực, Quỳnh rất sợ khi gặp những người tử tế, phải nói dối họ để tìm hiểu sự thật. Không ít lần cô day dứt, xấu hổ không dám gọi, gặp lại những người dân chân chất bất đắc dĩ phải nói dối họ.

Một lần, đi viết về xe tự chế chở học sinh tiểu học ở một huyện ở Hà Nội. Khi bài viết lên trang, cơ quan chức năng vào cuộc tịch thu xe. Lúc ấy, Quỳnh được mời về tham gia quá trình tịch thu xe tự chế và gặp nhân vật của mình.

“Cả buổi họp hôm ấy, mình cúi gằm mặt, không dám nhìn nhân vật vì bác ấy đáng tuổi ông bà mình, nhưng chính bài viết của mình khiến bác ấy bị triệu tập lên công an huyện, xe tự chế thì bị bắt. Hơn nữa, mình cũng áy náy không biết từ nay con em họ đi học bằng phương tiện nào” - Quỳnh tâm sự.

Cho đến tháng 10/2014 khi Quỳnh quay lại ngôi trường mà mình từng là khách, từng là kẻ thù, là kẻ phá bĩnh cuộc sống của họ thì thay bằng lời trách cứ, ngày trở lại, cũng ngôi trường ấy, học sinh tiều học được đưa đón bằng những chiếc ô tô hiện đại, sạch sẽ, điều hòa mát lạnh. Quỳnh thấy nhẹ lòng.

Vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt sáng lên niềm tin, Quỳnh khẳng khái: “Sự nghiệp làm báo khó khăn nhiều, gian nan nhiều. Làm báo không dễ như mình tưởng tượng ban đầu nhưng mình sẽ quyết tâm theo đuổi sự nghiệp này đến cùng”.

Ái nữ triệu đô Singapore khẳng định chưa từng dao kéo

Arissa Cheo đăng ảnh chụp X-quang để dập tắt tin đồn phẫu thuật thẩm mỹ. Cô cũng cho biết không có chuyện phản bội chồng như mọi người nói.

http://www.tamguong.vn/hoc/697941/Bai-hoc-de-doi-sinh-vien-bao-chi-Suyt-mat-mang-vi-noi-cam-on-tgv.html

Theo Thanh Nga/Tấm Gương - Báo Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm