Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài học sống xanh từ học trò trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Vũng Tàu

“Bàn cờ vua tái chế” và nhiều sản phẩm độc đáo khác, cùng các bài học sống xanh là những gì mà học sinh của ngôi trường đăc biệt này mang đến trong ngày Quốc tế thiếu nhi.

Với các em, để giải thích đã khó, dạy các em sống xanh và khơi nguồn ý tưởng lại càng khó hơn. Qua ngôn ngữ ký hiệu và sự kiên nhẫn giảng dạy, thầy cô đã truyền được cảm hứng sáng tạo từ các vật đã qua sử dụng và tình yêu môi trường đến các em.

Em Đặng Thị Ánh Tuyết, 18 tuổi, lớp 8 - Khiếm thính đã cùng bạn bè tạo nên tác phẩm đạt giải nhất “Em yêu biển đảo quê em”.

SCG anh 1
Góc ý tưởng xanh với rất nhiều tác phẩm từ giấy thùng các-tông, vỏ bánh xe, chai nhựa, vỏ hộp sữa, vỏ hộp yaourt.

Nói về cơ duyên này, khi được cô chủ nhiệm gợi ý tham gia cuộc thi sáng tạo từ vật tái chế, em lập tức lên ý tưởng và vận động các bạn xung quanh cùng tham gia. Cuối tuần, em thường đi dọc bờ biển và cố tìm những con ốc, sò biển lạ độc đáo để sử dụng cho tác phẩm của mình. Em mong muốn mọi người cùng giữ gìn biển đảo được sạch đẹp như ngày xưa, nơi mà tuổi thơ em có đầy đủ tình yêu thương của ba mẹ.

SCG anh 2
Tác phẩm đạt giải nhất “Em yêu biển đảo quê em” của học sinh khối lớp 8 cơ sở.

Với em Trần Công Hoan, 17 tuổi, lớp 8 - Chậm phát triển, biển là cuộc sống và là hơi thở của gia đình. Em buồn khi thấy lưới ngày một nhiều rác và bao nylon.

Khi được cô gợi mở rằng những hành động nhỏ của các em cũng có thể cứu biển, em đã vô cùng hứng thú. Lần đầu tiên cầm cây súng bắn keo để tạo hình rùa, cá từ vỏ sò ốc tranh thủ nhặt khi đi làm thêm, em sung sướng khi thấy biển tràn ngập trong tác phẩm của mình. Một niềm tin mạnh mẽ lan tỏa trong em bởi biết bản thân đang góp phần truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người bảo vệ biển và môi trường.

SCG anh 3
Em Trần Công Hoan đang chăm chú tạo nên tác phẩm từ vỏ ốc, sò mà em nhặt được khi đi làm thêm.

Em Nguyễn Mạnh Tính, 19 tuổi, học sinh lớp 5 - Chậm phát triển, đã dành 10 ngày cắt dán, tô vẽ cùng các bạn trong lớp để trình làng tác phẩm đặc biệt “Bàn cờ vua tái chế” khổng lồ.

Em thích chơi cờ vua và muốn dạy cho các em cùng chơi cờ, nhưng có được bộ cờ đối với em chỉ là niềm mơ ước. Vừa qua, được cô gợi ý làm bàn cờ từ vật tái chế, nhờ óc quan sát, em dễ dàng nhìn thấy những quân cờ từ chai nước tương, chai trà xanh, chai xà bông rửa tay.

“Em không ngờ những vật bỏ đi lại tuyệt vời đến như vậy. Em sẽ tiếp tục làm thêm nhiều đồ chơi nữa, và dạy cho các bạn biết yêu quý những vật đã qua sử dụng, vì nó sẽ trở nên có ích nếu mình biết tận dụng”, em Tính chia sẻ.

SCG anh 4
“Bàn cờ vua tái chế” và em Nguyễn Mạnh Tính (bên trái).

“Trường chỉ đào tạo các em tới lớp 9, sau đó các em phải tự xác định con đường đi tiếp theo của mình. Đa số em đều có hoàn cảnh riêng và chịu nhiều thiệt thòi từ thể chất, tinh thần lẫn vật chất. Do vậy, định hướng nghề nghiệp cho các em cũng là những trăn trở của giáo viên. Qua cuộc thi này, chúng tôi phát hiện ra rằng các em rất yêu miền quê biển đảo, yêu môi trường. Đặc biệt, các em quan sát tinh tế, khéo léo và sáng tạo. Chúng tôi đang nghĩ đến những dự án hướng nghiệp sắp tới, để các em vững vàng hơn trong cuộc sống”, cô Vũ Thị Như Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 khối cơ sở trải lòng về những trăn trở cho tương lai của các em.

SCG anh 5
Cô Như Ngọc đang hướng dẫn các em làm ngôi nhà từ giấy thùng các-tông.

Còn nhiều những tác phẩm sáng tạo khác mang tiếng nói xanh của các em với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn trong đời sống thường ngày” - một khái niệm mới hướng đến giảm thiểu rác thải, tối đa hóa việc sử dụng nguồn tài nguyên bằng cách quản lý, tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín.

SCG mong muốn giới thiệu khái niệm này đến với tỉnh nhà của dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam, nhằm tạo nên một cộng đồng xanh và bền vững trong tương lai được tổ chức bởi tập đoàn SCG.

“Mỗi năm, tập đoàn lại mang đến ngày hội Quốc tế thiếu nhi một cách khác nhau, và lồng ghép những bài học để khơi dây giá trị của các em ở ngôi trường đặc biệt này. Riêng lần thứ 9 năm nay, các em đã được dạy sống xanh. Thật bất ngờ khi các em hưởng ứng rất hăng say, có nhiều ý tưởng đặc biệt. Giáo viên bị cuốn hút về khái niệm mới ‘nền kinh tế tuần hoàn’, chắc chắn sẽ ứng dụng vào giảng dạy và đời sống. Chúng tôi cũng học được bài học sống xanh từ sự sáng tạo, tâm huyết và tình yêu dành cho môi trường từ các em”, cô Hoàng Thị Thủy - Giáo viên bộ môn Mỹ thuật chia sẻ.

Giang Quốc Hoàng

Bạn có thể quan tâm