Lê Đông Nguyên là cựu học sinh chuyên Anh, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: NVCC. |
“'Lớn lên con muốn làm gì?' Khi còn nhỏ, câu hỏi "lớn" này không hề đơn giản đối với tôi. Câu trả lời của tôi liên tục thay đổi. Một ngày, tôi hình dung mình là phi công, ngày khác lại là một doanh nhân thành đạt, và đôi khi là bác sĩ. Tôi biết mình muốn tạo ra sự thay đổi tích cực trên thế giới mà mình đang sống... Tham vọng tạo ra sự khác biệt của tôi rất lớn, nhưng nguồn lực của tôi lại hạn chế. Rào cản tài chính khiến cơ hội học đại học tại Việt Nam của tôi đã khó, chứ chưa nói đến việc du học tại Mỹ…”
Lê Đông Nguyên (18 tuổi) viết về ước mơ của mình trong bài luận 2.000 chữ gửi tới Berea College (Mỹ). Kể câu chuyện khiến bản thân thay đổi cuộc đời, Nguyên trúng tuyển vào ngành Kinh tế và ngành Toán học của trường, nhận mức học bổng toàn phần lên tới hơn 248.000 USD/4 năm học (tương đương khoảng 6,2 tỷ đồng), bao gồm toàn bộ học phí và sinh hoạt phí.
“Giấc mơ lớn của em đã thành hiện thực”, Đông Nguyên nói.
Theo US News, Berea College xếp hạng 30 đại học khai phóng tốt nhất Mỹ. Mỗi năm, trường chỉ nhận khoảng 40 sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau. Với hơn 1.000 lá đơn ứng tuyển đến từ khắp nơi trên thế giới, tỷ lệ du học sinh trúng tuyển vào trường chỉ khoảng 3,5-4%.
Hành trình ghi tên vào đại học Mỹ
Lê Đông Nguyên là cựu học sinh chuyên Anh, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). Từ nhỏ, em đã nhen nhóm ước mơ du học Mỹ. Thế nhưng, tài chính gia đình không mấy dư dả khiến giấc mơ của Nguyên gặp khó. Nhất là thời điểm Covid-19 (năm 2020), thu nhập cả gia đình em sụt giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/tháng.
“Em đã phải dành hàng tuần, hàng tháng, hàng năm để suy nghĩ về lựa chọn của mình. Nhưng cuối cùng, em vẫn quyết định sẽ du học, có như vậy, em mới có tương lai rộng mở hơn. Nhưng để làm được điều đó, em buộc phải giành học bổng toàn phần, suốt 4 năm học", Nguyên chia sẻ.
Mùa hè năm lớp 9, sau khi trúng tuyển vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyên đã bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ du học. Để tiết kiệm chi phí, nam sinh chọn tự học và ôn thi các chứng chỉ chuẩn hóa. Nguyên đạt IELTS 7.5 ngay từ lần thi đầu tiên, Duolingo English Test (DET) 145/160 và SAT 1.520/1.600.
Dù vậy, mỗi lần thi là một lần Nguyên áp lực bởi chi phí thi không hề rẻ. Ngay cả khi mẹ tìm được công việc mới, nam sinh vẫn luôn cảm thấy có lỗi, tự dằn vặt bởi thu nhập của mẹ phải gồng gánh cả nhà.
“Có lần, để thi lại SAT nhằm nâng mức điểm, em đã giấu mẹ, gom tiền mừng tuổi, tiền tiết kiệm để đăng ký", Nguyên chia sẻ.
Ngoài việc duy trì điểm GPA (9,8/10), nam sinh tích cực tham gia các cuộc thi và hoạt động ngoại khóa. Nguyên giành giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật, giải ba thi học sinh giỏi thành phố, làm nghiên cứu khoa học, tham gia các giải đấu tranh biện, nắm giữ vị trí lãnh đạo ở một số câu lạc bộ - dự án…
Việc tự mày mò, học hỏi trong quá trình làm hồ sơ giúp Nguyên tôi luyện, kiên trì và nghiêm túc với bản thân hơn. Thế nhưng, nam sinh cũng thừa nhận không ít lần em ở trong tình cảnh không biết đi lối nào.
Năm lớp 11, Nguyên và mẹ thường đến các trung tâm du học để nghe tư vấn miễn phí. Nam sinh cho biết ở đây, không một đơn vị nào nhận em bởi dù hồ sơ học thuật rất mạnh, mức phí gia đình em có thể đóng góp cho trường là rất thấp, cơ hội đỗ cũng vì thế mà thu hẹp.
“Nếu dự định du học, để an toàn, các gia đình thường phải chuẩn bị khoản đóng góp cho trường ít nhất 20.000 USD/năm. Trong khi đó, gia đình em chỉ có thể ‘gồng' tối đa 5.000 USD/năm. Để du học Mỹ, mức tài chính này gần như là không thể", Nguyên chia sẻ.
Trở về nhà sau mỗi buổi tư vấn, Nguyên vẫn không nản lòng. Tháng 6/2023, nam sinh biết đến dự án hỗ trợ học sinh miễn phí trong quá trình nộp hồ sơ du học. Nguyên mạnh dạn đăng ký và là một trong 3 ứng viên trúng tuyển chương trình này (khoảng 100 người đăng ký).
“Em cảm giác như mình mọc thêm đôi cánh để mạnh mẽ ‘bay' đến Mỹ", Nguyên nói.
Đông Nguyên tham gia chương trình Trường Teen - gameshow tranh biện dành cho các bạn học sinh yêu thích tranh biện. Ảnh: NVCC. |
Bài luận về giấc mơ phát triển nền kinh tế bền vững
Đông Nguyên nộp hồ sơ vào 30 trường đại học, phải viết khoảng 50 bài luận. Nam sinh cho hay các bài luận không quá dài, chỉ khoảng 200-800 chữ. Nguyên không mất công tìm ý tưởng nhiều, chỉ thay đổi cách viết cho phù hợp với từng trường.
Riêng ở Berea College, Nguyên phải viết bài luận dài 2-5 trang (1.000-2000 từ). Sau nhiều lần đắt đo, nam sinh quyết định kể câu chuyện vượt lên hoàn cảnh của mình để thực hiện ước mơ du học, gắn liền với đó là đam mê phát triển kinh tế bền vững. Từ khâu lên ý tưởng, viết và chỉnh sửa, Nguyên chỉ mất 10 ngày để hoàn thiện bài luận hơn 2.000 chữ của mình.
“Tôi mong muốn được tham gia vào các khóa học về Kinh tế, Khoa học Môi trường và Xã hội học tại Berea College. Những kiến thức này sẽ trang bị cho tôi nền tảng và kỹ năng cần thiết để phân tích các vấn đề kinh tế phức tạp qua lăng kính bền vững và bình đẳng.
Hơn nữa, tôi háo hức tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học nhằm khám phá ra giải pháp cho những thách thức toàn cầu, đóng góp những hiểu biết mới cho nhân loại và mang lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng.
Trong tương lai, tôi dự định thực hiện nghiên cứu về tính khả thi về mặt kinh tế của các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo ở khu vực Appalachia, khám phá cách những khoản đầu tư này có thể đồng thời kích thích nền kinh tế địa phương và giảm lượng khí thải carbon”, Nguyên viết trong bài luận của mình.
Chia sẻ về quyết định theo đuổi ngành Kinh tế, Nguyên cho biết năm lớp 10, em đăng ký tham gia một số khóa học online liên quan đến kinh tế.
“Mọi thứ lúc đó chỉ dừng ở mức thích, để biết mình có thực sự phù hợp hay không, em phải thử", Nguyên chia sẻ.
Hè năm lớp 10 và lớp 11, nam sinh ứng tuyển vào ba chương trình thực tập tại một công ty chứng khoán, ngân hàng và bộ phận tài chính của quỹ từ thiện.
Sau một quá trình tuyển chọn cạnh tranh cao, Nguyên là người được chọn. Ở đây, cậu được tiếp cận kiến thức cơ bản về kinh tế - tài chính thông qua các buổi đào tạo và theo dõi công việc của các công ty.
“Việc thực tập chỉ kéo dài vài tháng nhưng em cảm thấy bản thân thực sự phù hợp. Niềm đam mê này bắt nguồn từ sự yêu thích con số và khao khát sâu sắc được làm chủ các cơ chế thúc đẩy hệ thống kinh tế”, Nguyên chia sẻ.
Đông Nguyên trúng tuyển tổng cộng 17 đại học (16 đại học Mỹ và một đại học Mỹ có chi nhánh ở Việt Nam). Ảnh: NVCC. |
Quả ngọt sau nhiều nỗ lực
Kết quả sau nhiều năm kiên trì, cố gắng, Nguyên lần lượt được gọi tên vào các trường đại học Mỹ như Đại học Wisconsin-Madison, Đại học Florida State, Đại học Michigan State, Đại học Drexel, Đại học Georgetown (chi nhánh Qatar)…
Trúng tuyển vào 16 trường đại học, thế nhưng, Nguyên vẫn lo sốt vó, dần rơi vào cảm giác tuyệt vọng bởi các trường chỉ đồng ý hỗ trợ học bổng bán phần, toàn phần học phí hoặc bán phần chi phí sinh hoạt. Điều đó đồng nghĩa với việc Nguyên trúng tuyển nhưng không thể du học,
Chỉ đến khi nhận được email từ Berea College - ngôi trường cuối cùng trả kết quả trong đợt tuyển sinh sớm (Early Action) tại Mỹ - Nguyên mới thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây, gánh nặng tài chính gia đình đã được trút bỏ, Nguyên đã thực hiện được ước mơ du học.
“Học tập là để dẫn đầu. Hành trình vạn dặm luôn luôn bắt đầu từ những bước chân đầu tiên. Em đang đứng trước cổng Berea, sẵn sàng bước những bước đi ấy”, Nguyên chia sẻ.
Trong tương lai, Nguyên dự định học xong sẽ về nước lập nghiệp, dự kiến hợp tác với các công ty tài chính và doanh nghiệp để thúc đẩy các hoạt động đầu tư bền vững.
Nam sinh hình dung bản thân sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà đầu tư để xây dựng các danh mục đầu tư cân nhắc các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Đó cũng chính là mục tiêu mà Nguyên thể hiện trong bài luận của mình.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.