Linh Anh trúng tuyển ngành Kỹ sư Cơ khí của Đại học Cornell. Ảnh: NVCC. |
Sáng 14/12, Linh Anh (18 tuổi) thức dậy từ sớm. Em trằn trọc không ngủ được vì hôm đó là ngày Đại học Cornell thông báo kết quả kỳ xét tuyển sớm.
7h, mở email, pháo hoa bắn lên, Linh Anh không tin nổi vào mắt mình, em hét lớn khi đọc dòng chữ “congratulations” (chúc mừng - PV).
"Em không nghĩ mình sẽ trúng tuyển. Hơn nữa, em cũng không thể tưởng tượng được trường sẽ đưa ra mức học bổng hào phóng như vậy. Đến tận bây giờ, sáng nào ngủ dậy, em cũng kiểm tra lại email để xem thật hay mơ", Linh Anh nói với Tri thức - Znews.
Theo thông báo từ Cornell, Linh Anh nhận mức hỗ trợ hơn 83.000 USD/năm (tương đương khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm học phí và phần lớn chi phí sinh hoạt).
Các năm sau, nếu duy trì đủ điều kiện, nữ sinh sẽ tiếp tục nhận mức hỗ trợ trên. Như vậy, sau khi trừ học bổng, gia đình Linh Anh chỉ còn phải đóng cho trường khoảng 100 triệu đồng/năm.
Chọn gap year sau thất bại
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Linh Anh cho biết em từng là học sinh chuyên Lý của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Nung nấu giấc mơ du học từ năm lớp 10, Linh Anh quyết tâm theo đuổi ngành Kỹ sư Cơ khí tại các trường đại học Mỹ.
Thế nhưng, mùa tuyển năm 2023, nữ sinh bị 11/14 trường từ chối. Ba trường còn lại, dù trao học bổng, nhưng mức hỗ trợ thấp, Linh Anh không thể theo học vì gia đình không đủ điều kiện tài chính bởi Kỹ sư Cơ khí lại là một trong những ngành có mức học phí đắt đỏ nhất.
“Thời điểm chuẩn bị hồ sơ và nộp đi, em đã có những lựa chọn sai lầm, từ việc chọn trung tâm tư vấn, chọn trường, xây dựng hồ sơ cho đến làm bài luận. Cuối cùng, em phải trả giá bằng việc liên tục nhận thư từ chối”, Linh Anh chia sẻ.
Linh Anh đến các trường tiểu học, THCS để hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm. Ảnh: NVCC. |
Sau một khoảng thời gian dài cân nhắc về ước mơ và đam mê của mình, tháng 5, Linh Anh quyết định gap year để tiếp tục chinh phục đại học Mỹ.
“Đây có lẽ là một trong số các quyết định lớn nhất của em. Quyết định gap year đồng nghĩa với việc em chọn đi chậm lại và đối mặt với nhiều áp lực hơn”, Linh Anh nói.
Không chậm trễ, em bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho từng tuần, từng tháng và thông báo với bố mẹ. Nhận thấy sự quyết tâm của con gái, bố mẹ Linh Anh cũng đồng ý và ủng hộ.
Lần này, Linh Anh đặt mục tiêu vào Đại học Cornell - ngôi trường nằm trong nhóm 8 trường Ivy League, có thế mạnh về đào tạo kỹ thuật. Năm 2023, trường tuyển gần 5.000 sinh viên nhưng tỷ lệ trúng tuyển chỉ 7%.
Quyết tâm cao, mục tiêu lớn, trong suốt 6 tháng gap year, Linh Anh vẫn miệt mài học tập. Chỉ khác là em học và thi lại các chứng chỉ chuẩn hóa như IELTS, SAT để cải thiện điểm số. Nữ sinh cũng học thêm các khóa lập trình của Đại học Duke và khóa về Vật lý của Đại học Rice.
Song song với đó, Linh Anh tìm hiểu thật kỹ về Cornell - ngôi trường mà em “mê mẩn đến nỗi tải ảnh về làm hình nền điện thoại để có động lực mỗi ngày".
“Suốt 6 tháng, em sống không giống ai khi thường xuyên thức đến 4h, tránh tối đa các cuộc tụ họp, hạn chế gặp bạn bè. Phần vì em áp lực đồng trang lứa, phần vì không muốn giải thích nhiều mà âm thầm thực hiện mục tiêu", Linh Anh chia sẻ điều cần nhất khi gap year chính là tâm lý vững vàng và đặt ra kế hoạch chi tiết cho bản thân.
Thấy may mắn vì được làm 3 bài luận phụ
Ở kỳ tuyển sinh sớm đại học Mỹ năm nay, Linh Anh nộp hồ sơ vào 9 trường. Trong đó, 2 trường ngay lập tức từ chối, không xét hồ sơ vì điều kiện tài chính gia đình không đủ để học.
Nữ sinh cũng đã chuẩn bị tâm lý không đỗ Đại học Cornell bởi tỷ lệ chọi rất cao, nộp hồ sơ chỉ để thử sức.
“IELTS 7.5, SAT 1.520, không có giải quốc gia hay quốc tế, hồ sơ của em chỉ ở mức mạnh về điểm số và thành tích ngoại khóa chứ không xuất chúng. Chính vì vậy, em đã chuẩn bị tâm lý nộp hồ sơ vào trường khác trong kỳ tuyển sinh sau”, nữ sinh chia sẻ.
Hoạt động ngoại khóa là thế mạnh của Linh Anh. Ảnh: NVCC. |
Thế nhưng, không những trúng tuyển, Linh Anh còn giành được mức hỗ trợ tài chính lớn, đủ để gia đình em không phải lo lắng nhiều về chi phí du học.
Linh Anh cho rằng thứ “ăn điểm” nhất trong bộ hồ sơ không xuất chúng của em chính là sự phù hợp, biết rõ về trường.
“Em đã tìm hiểu rất nhiều về Cornell. Thay vì để trường tìm người phù hợp, em chủ động trở thành người phù hợp với trường", Linh Anh cho rằng trường Kỹ thuật của Đại học Cornell muốn tìm những sinh viên sinh sáng tạo, thông minh, thật thà và có khả năng kết nối cộng đồng. Bất kỳ điều gì Linh Anh chuẩn bị, em đều hướng đến những thứ đó.
Suốt thời gian học trung học, Linh Anh đã tham gia nhiều dự án ngoại khóa liên quan đến kỹ thuật và khoa học nói chung. Tất cả hoạt động đó đều liên quan đến ngành học sau này.
Bên cạnh đó, trong bài luận của mình, nữ sinh tập trung thể hiện màu sắc cá nhân. Linh Anh cho hay em cảm thấy may mắn khi trường yêu cầu một bài luận chính và 3 bài luận phụ. Bởi nhờ đó, em có cơ hội thể hiện hết bản thân của mình.
Trong số 4 bài, Linh Anh tâm đắc nhất khi viết về sự đóng góp cho cộng đồng, cống hiến xã hội.
Em kể về bản thân rất kém các môn Tự nhiên khi còn học cấp 2. Thế nhưng, sau một lần được thực hành thí nghiệm môn Vật lý, em hứng thú hơn với các môn học này.
Lên cấp 3, Linh Anh đăng ký tham gia các câu lạc bộ khoa học và kỹ thuật. Đây cũng là nơi em nhận ra đam mê Kỹ thuật Cơ khí của mình khi có thể ngồi cả ngày để lắp ráp robot.
Cùng với câu lạc bộ của mình, Linh Anh tổ chức tour đến gần 20 trường tiểu học và THCS để hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm, qua đó truyền lửa đam mê khoa học cho các em nhỏ.
Hai bài luận phụ còn lại, Linh Anh viết về những thứ em nhận thấy ở Cornell và đam mê sáng tạo sản phẩm để giải thích lý do muốn vào trường Cơ khí.
“Em chỉ mất một đêm để hoàn thành 3 bài luận phụ nhưng phải mất tới 4 tháng để tìm hiểu và hoàn thiện bài luận chính, chủ đề về sự cảm thông", nữ sinh nói thêm.
Cuối cùng, những lá thứ từ chối năm trước đã dẫn Linh Anh tới nơi tuyệt vời hơn ở năm nay. Nhìn lại quãng đường của mình, nữ sinh đã không còn hối hận về những bước đi sai lầm khi ấy, thay vào đó, em biết ơn về sự bền bỉ của bản thân.
Tháng 8/2024, Linh Anh mới tới Mỹ du học. Thời gian tới, em dự định tham gia các khóa tương ứng với nội dung đào tạo năm đầu của đại học để làm quen và lấy tín chỉ sớm.
“Em cũng sẽ học thêm các khóa học liên quan đến chuyên môn như lập trình, thiết kế 3D, kỹ thuật máy móc để chuẩn bị cho quá trình sắp tới", Linh Anh chia sẻ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.