Tuy nhiên, hiện nay một số phụ huynh vẫn yêu cầu giáo viên cho con các phiếu bài tập về ôn luyện. Thực chất việc tạo ra áp lực này là do phụ huynh có mối lo sợ con không đáp ứng được nếu phải thi chuyển cấp vào các trường chuyên, lớp chọn.
Phụ huynh - người đồng tình người không
Chia sẻ về vấn đề nay, anh Trần Văn Hùng (khu đô thị Văn Quán) tâm sự: Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, sau phần giáo viên nhận xét và đưa ra yêu cầu về vấn đề học tập, một số phụ huynh có đề nghị mong muốn cho con thêm phiếu bài tập về nhà.
Vị phụ huynh này lý giải: “Việc cho bài tập về nhà sẽ giúp các con củng cố kiến thức và ôn luyện tốt hơn”.
Những phụ huynh không đồng quan điểm với anh Hùng lại cho rằng: Với thời lượng học hai buổi/ngày thì việc cho học sinh thêm phiếu bài tập là quá tải cho các con. Nếu theo lịch học từ sáng đến chiều các con đã được đảm bảo chương trình chính khóa ban hành theo quy định.
Đối với các tiết buổi chiều, học sinh đã được ôn luyện và nâng cao kiến thức tùy theo năng lực học sinh. Thời gian buổi tối ngoài những sinh hoạt cá nhân các con sẽ phải soạn bài để chuẩn bị cho những tiết học ngày mai. Nếu giáo viên lại ra thêm bài tập thì học sinh sẽ rất vất vả.
Rõ ràng đối với học sinh tiểu học ngoài các bài tập trang bị kiến thức, các con rất cần được phát triển toàn diện các kỹ năng trong cuộc sống. Trong khi đó việc học tập ở lớp của các con đã chiếm một thời lượng không nhỏ. Thời gian buổi tối nên để các con nghỉ ngơi và xem lại bài của hôm sau.
Kỳ vọng nhưng cần theo thực lực
Khi được hỏi về việc có cần giao thêm bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, nhiều phụ huynh cũng thẳng thắn nêu lên suy nghĩ của mình.
Chị Nguyễn Hương Giang, phố Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: Con chị năm nay đã lên lớp 6, mới qua bậc tiểu học nên chị rất hiểu tâm tư của các phụ huynh có con ở bậc học này. Đối với học sinh học lớp 4, 5 sắp chuyển cấp nên nhiều phụ huynh trong đó có chị có tư tưởng mong muốn con được học ở những trường top đầu.
Vì vậy, phụ huynh sẽ luôn có nguyện vọng được cô giáo ra thêm phiếu bài tập. Thậm chí nhiều gia đình còn cho con học thêm vào những ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, theo chị Giang, nguyện vọng của các phụ huynh là chính đáng, nhưng cha mẹ cũng cần xem xét năng lực của con mình. Bởi đã có trường hợp trẻ bị ảnh hưởng về thần kinh khi cha mẹ yêu cầu con quá cao về mục tiêu phấn đấu.
Chia sẻ về việc giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy ở bậc tiểu học, cô Hoàng Hương (giáo viên trường tiểu học Nguyễn Du, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Trên thực tế, các giáo viên chỉ cho bài tập về nhà khi phụ huynh có nguyện vọng đề nghị. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, cô và những giáo viên của trường mình không giao bài tập về nhà cho học sinh.
Buổi chiều theo phân phối chương trình giáo viên sẽ cho học sinh làm bài tập trong vở hướng dẫn học. Hiện học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày cũng đã có các vở ôn luyện: Cùng em học Toán, Cùng em học tiếng Việt. Vì vậy việc làm thêm các vở bài tập này là đáp ứng theo chương trình cơ bản của Bộ GD&ĐT.
Theo quan điểm của cô Hương, đối với những học sinh có lực học trung bình, thì về nhà phụ huynh nên cùng con rà soát lại các kiến thức đã học trên lớp và kiểm tra con đã hoàn thành các bài tập trong vở hướng dẫn học hay chưa. Với những học sinh có học lực khá giỏi, vào cuối tuần gia đình cũng có thể khuyến khích các con làm các sách nâng cao để phát huy thêm tố chất của các con.
Nên hay không nên ra bài tập cho học sinh thì giáo viên và phụ huynh cũng cần có sự thống nhất. Song điều cơ bản là phải tạo tâm lý thoải mái cho học sinh. Đừng quá căng thẳng về thành tích học tập mà vô hình trung gây áp lực cho con trẻ.