Thầy thuốc bất đắc dĩ
Về xã Nghĩa Mai thuộc huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An) hỏi chị Lê Thị Thương chuyên bốc thuốc chữa chó dại cắn không ai không biết, bởi đã không ít người được chị “cướp” lại mạng sống từ tay của “tử thần”.
Khi chúng tôi hỏi về phương thuốc gia truyền, chị nhiệt tình chia sẻ: “Theo nguyên tắc gia truyền, mỗi đời phương thuốc chỉ được truyền lại cho một người duy nhất. Đó là người con trai trong gia đình có tâm, có đức với nghề. Chồng tôi (anh Trần Văn Thân - PV) là người duy nhất nối nghiệp đời thứ 6 của gia đình nhưng năm 2007, anh bị bệnh nặng không thể qua khỏi. Trước khi mất, vì các con còn nhỏ, anh đã quyết định truyền lại nghề cho tôi để sau này truyền lại cho con trai. Vậy là, tôi bất đắc dĩ trở thành thầy thuốc”.
Theo lời chị Thương, bài thuốc gia truyền này gồm 6 loại thảo dược được hái từ những khu rừng ở miền Tây xứ Nghệ gồm chó nồi, chì thiên…. “Vì tính chất gia truyền nên tôi không thể tiết lộ hết thành phần bài thuốc được. Lúc xưa hễ trong nhà hết thuốc, tôi lại mang gùi vào rừng hái. Nhưng mấy năm trở lại đây, để thuận tiện việc cứu chữa, tôi thường cắt thuốc về phơi khô khi ai cần thì bốc ngay kẻo lên rừng không kịp. Trong 6 loại thảo dược thì có 5 loại thảo dược là dễ tìm, còn một loại thì vào sâu trong rừng mới có (chị gọi nó là cây “thuốc thầy”). Nó là chất chủ đạo để trị độc của chó dại”, chị Thương tiết lộ.
Chia sẻ về bí quyết bốc thuốc, chị cho hay: “Các loại thảo dược nếu không để ý sẽ rất dễ nhầm lẫn, vì vậy đòi hỏi người đi hái phải thật tinh mắt. Sau khi hái, người làm thuốc phải thật cẩn thận và tỉ mỉ. Từ cách chế biến, phơi, sấy cho đến khi bốc thuốc trị bệnh là một công đoạn cực kì nghiêm túc”.
Cũng bởi cách làm việc cẩn thận, chu đáo và hiệu quả của chị nên tiếng lành đồn xa. Chị cho hay, chó dại cắn có thể phát bệnh sau đó khoảng 2-10 ngày nên người gặp nạn cần phải được cứu chữa ngay. Người bị chó cắn chỉ cần uống một ấm thuốc trong vòng 4 ngày là khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên không phải ai đến nói bị chó dại cắn, chị cũng cho thuốc. Trước tiên, chị dùng phương pháp kiểm tra để thử xem người bị chó cắn có phải là chó dại hay không rồi mới bốc thuốc. Nếu thử cho kết quả không phải là chó dại thì cho về, còn nếu dại chị lập tức bốc thuốc và hướng dẫn người bệnh uống thuốc và các chế độ kiêng khen tận tình.
“Nếu là chó dại cắn nhưng chưa phát bệnh thì liều thuốc sẽ nhẹ hơn so với chó dại cắn đã phát bệnh rồi”, chị Thương cho hay. Trong quá trình chữa bệnh, chị Thương luôn nhắc nhở các bệnh nhân khi đến chữa trị trong vòng 24 giờ từ khi uống thuốc phải kiêng cữ “hơi” của đám tang. Nếu vi phạm điều cấm kỵ này độc tố sẽ tăng lên gấp trăm lần, có thể dẫn đến mất tính mạng. Về điều này, bản thân chị Thương cũng không lý giải được điều này, nhưng đã là điều cấm kỵ thì tuyệt đối phải nghe theo.
Luôn đấu tranh với căn bệnh đến cùng
Với bài thuốc bí truyền, suốt nhiều năm qua, chị Thương đã cứu sống cho rất nhiều người. Điều đặc biệt, chị chưa một lần nghĩ tới việc bán những thang thuốc đó được bao nhiêu tiền. Chị quan niệm, đã chữa bệnh cứu người thì lúc nào cũng phải sẵn sàng, chữa cho người giàu cũng tận tình như người nghèo, chữa vào ngày bình thường cũng giống như trong đêm giao thừa bởi tính mạnh người bệnh là quan trọng nhất.
Trong số những bệnh nhân được chị Thương chữa khỏi, trường hợp khiến chị nhớ mãi là cháu Lê Ngọc Quân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Hôm mới bị chó cắn, Quân lên cơn sốt rồi co giật, sùi bọt mép... Do gia đình không biết bị chó dại cắn nên khi tìm ra nguyên nhân, độc tố đã ngấm quá lâu trong người. Đang trong lúc hoảng loạn, họ tình cờ nghe một người giới thiệu về bài thuốc của chị Thương.
Như “chết đuối với được phao”, cả gia đình tức tốc đưa cháu bé lên xã Nghĩa Mai để chữa trị. Sau khi xác định độc tố, chị Thương cho nạn nhân uống thuốc với liều lượng cực mạnh. Sau 2 ngày uống thuốc, từ tình trạng người tím tái, lên cơn co giật, sức khỏe cậu bé đã bình phục nhanh chóng. Hằng năm, cứ đến dịp lễ tết, gia đình Quân lại khăn gói lên nhà ân nhân thăm hỏi sức khỏe. Đối với chị Thương, đó chính là món quà lớn mà không gì có thể mua được.
Dù chữa bệnh “mát tay” như vậy nhưng mỗi ấm thuốc, chị Thương chỉ nhận một chai rượu, vài gói kẹo. Từ xưa đến nay, đều không hề thay đổi. Có nhiều người sau khi khỏi bệnh vui quá, mang tới nhiều tiền để cảm ơn hậu tạ nhưng chị từ chối và xin nhận một chút ít gọi là tiền công đi hái thuốc. Những việc làm của chị khiến nhiều người thán phục. “Chị Thương chữa bệnh chó dại giỏi lắm. Người đến hỏi thuốc, được chị bắt bệnh và chữa trị rất nhiệt tình. Dù chữa “mát tay” như vậy, nhưng chị chưa bao giờ ra giá chữa bệnh, có chăng chỉ là những món quà quê hoặc chút ít tiền công hái thuốc mà người bệnh năn nỉ lắm, chị ấy mới nhận. Không những bà con chúng tôi mà rất nhiều người ở nơi khác đều tìm đến chị.”, chị Hoàng Thị Tình (hàng xóm nhà chị Thương) cho biết.
Trong việc chữa bệnh, chị Thương luôn đề cao tính cẩn thận, chu đáo. Chị nói, không những truyền lại cho con những kiến thức về y học, về cách chữa bệnh, chị còn muốn dạy con những kiến thức cơ bản về lương y của một thầy thuốc, về tính cẩn thận, sự nhiệt tình đối với người bệnh. Đối với chị, đó là điều không thể thiếu trong con người một thầy thuốc chân chính. Cách đây không lâu, những nguyên tắc này được chị truyền lại cho người con trai Trần Văn Thảo (17 tuổi). Sau thời gian theo học, hiện nay, Thảo cũng đã có thể tự chữa bệnh và trở thành đời thứ 7 thừa kế bài thuốc gia truyền. “Em muốn là người kế tục bài thuốc của gia đình để chữa bệnh cho nhiều người. Dù bản thân còn ít tuổi nhưng em sẽ nỗ lực không ngừng để giữ gìn bài thuốc của cha ông để lại. Em sẽ không để bài thuốc quý như vậy bị thất truyền”, Thảo chia sẻ.
Về bài thuốc trị chó dại cắn của lương y Lê Thị Thương, lương y Phó Hữu Đức (Chủ tịch Hội Đông y Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Bệnh dại là một bệnh virus nguy hiểm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Bệnh lây qua nước bọt của động vật bị nhiễm, thường là do bị cắn. Bệnh dại cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người. Bệnh dại ở người do chó cắn thường xảy ra nhất. Bệnh dại là căn bệnh rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khó sống sót.
Trong bài thuốc của bà Thương, 2 vị thuốc được nêu tên đều rất lạ, có lẽ là thảo dược của địa phương. Vì vậy, tôi không thể đưa ra đánh giá về bài thuốc này được. Tuy nhiên khi bị chó cắn, người bệnh nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để được sơ cứu. Tiêm phòng bệnh dại cũng là một cách đề phòng căn bệnh này”.