Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nguy hiểm không ngờ đến khi bị chó cắn

Hầu hết mọi người khi bị chó cắn đều lúng túng trong việc ứng phó nên mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nhất là sau vụ việc bé gái 8 tuổi ở Tây Ninh bị chó cắn ở mặt rất thương tâm.

Bên cạnh tổn thương ngoài da, người bị động vật như chó, mèo tấn công còn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, có tỷ lệ tử vong gần 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo các bác sĩ, virus dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người qua vết cắn hoặc qua vết trầy xước trên cơ thể con người. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền sang người khi động vật bị dại liếm vào vết thương hoặc tiếp xúc vào những chỗ da bị trầy xước, lớp niêm mạc miệng, mũi. 

Theo các chuyên gia của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi gặp người bị chó mèo cắn  cần xử lý nhanh tại chỗ bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để sát trùng vết thương và chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i ốt, nếu có.

Đặc biệt, cần lưu ý không được sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép, nhựa cây, axit, kiềm, không băng bó, đắp thuốc kín vết thương.

Các chuyên gia khuyến cáo sau khi sơ cứu ban đầu, chúng ta cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, tư vấn và tiêm phòng kịp thời. Các gia đình tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám.

Để chủ động giảm thiểu nguy cơ bị chó mèo tấn công cũng như mắc bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần giữ vệ sinh, tắm rửa thường xuyên và tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi trong nhà, nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Chó con cần đươc tiêm phòng khi được 3, 9 tháng và nhắc lại hàng năm. Khi mang chó trưởng thành về nuôi lần tiêm chủng đầu tiên cần được tiến hành càng sớm càng tốt.

Gia đình nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Các địa phương lưu ý diệt chó chạy rông, vô chủ để tránh gây nguy hiểm cho trẻ em, người đi đường.

Dù đã trở thành những vật nuôi thân thiết, nhưng các chuyên gia khuyên không nên đùa nghịch, chọc phá các vật nuôi nhất là khi đang ăn, ngủ hoặc nuôi con, khi đó bản năng thú tính của chúng có thể tấn công bạn.

A.H

Bạn có thể quan tâm