Nếu bức ảnh phản ánh đúng sự thật, giáo viên chấm bài đã sai. Nhiều ý kiến cho rằng chưa chắc bài toán này do cô giáo chấm trên lớp, các em có thể học thêm ở trung tâm, gia sư hay cha mẹ chữa bài cho con...
Đọc các bình luận trên mạng, người lịch sự nhẹ nhàng nhắc nhở “cô nên xem lại”, nặng nề hơn hơn thì bảo “cô cần học lại cấp 1”.
Người ta bình luận những lời vô thưởng vô phạt chỉ để cho vui, không quan tâm có ai tổn thương không. Họ dựa vào một lỗi “được cho là của giáo viên” để chỉ trích, phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực của nhiều thầy, cô giáo.
Khi định kiến hình thành, người ta không còn cái nhìn khách quan của người ngoài cuộc để đánh giá. Họ vin vào những sai sót, dù lớn hay nhỏ, để chỉ trích. Giáo viên trở thành nạn nhân đơn giản vì đã có quá nhiều vụ nhà giáo hổng kiến thức, yếu chuyên môn bị đưa lên mạng xã hội.
Bài toán tính nhanh thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến chỉ trích giáo viên dù chưa biết rõ ai chấm bài. |
Mỗi lần như vậy, những lời bình luận tiêu cực như “bệnh trầm kha của ngành giáo dục” hay “không đậu trường nào mới học sư phạm”, “các trường sư phạm thi nhau vơ bèo vạt tép để kéo người vào học” lại xuất hiện.
Một giáo viên khẳng định nhiều người tự ra bài toán, giải theo kiểu vớ vẩn rồi đăng lên mạng chỉ để... câu like. Bao nhiêu tiếng xấu, giáo viên lãnh đủ.
Có lẽ, nhiều người nghĩ rằng cứ nói vậy, ai sai người đó chột dạ, những thầy cô giáo giỏi chỉ cần nghĩ “chắc họ chừa mình ra”. Thế nhưng, người trong cuộc không nghĩ thế.
Tôi không phủ nhận ngành sư phạm hiện nay còn những giáo viên hổng kiến thức, yếu nghiệp vụ và “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu bức ảnh “cô hay trò sai” phản ánh đúng sự thật, cô giáo chấm bài thực sự sai thì có đáng bị chỉ trích như vậy không?
Nếu làm sai, bạn thích nghe lời góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng hay lời chỉ trích, miệt thị? Khi bình luận ác ý, hằn học như vậy vì lỗi sai của người khác, bạn sẽ nhẹ nhõm, thoải mái, tiến bộ hơn sao?
Trong số những người đang chỉ trích giáo viên, ai dám khẳng định thành công họ đạt được hôm nay hoàn toàn là kết quả từ quá trình tự cố gắng, phấn đấu mà không có sự giúp đỡ từ nhà giáo? Thầy cô sẽ nghĩ gì khi học trò cũ dùng câu “không đậu trường nào mới vào học sư phạm” để đền đáp công lao dạy dỗ năm xưa?
Tôi từng dạy một cô bé và quan niệm tự thầy cô không thể làm nên trò giỏi nhưng nếu trò hư, phụ huynh và giáo viên nên kiểm điểm bản thân trước khi trách móc các em.
Học trò từng phàn nàn giáo viên dốt, ra đề sai nhưng lại ép học sinh làm bài đúng. Lời nhận xét này thực sự khiến tôi giật mình vì con trẻ thời nay khác chúng tôi ngày trước.
Tôi đánh giá cao những đứa trẻ biết tự suy nghĩ chứ không chỉ lấy giáo viên làm chuẩn. Học trò có thể phản bác lại thầy cô hay từ chối những yêu cầu vô lý của người lớn. Song chúng phải hợp lý và bằng thái độ tôn trọng người dạy mình.
Sau này có con, tôi sẽ không để cháu lên mạng đọc những bình luận ác ý về giáo viên, càng không chỉ trích bất cứ người thầy nào với thái độ thiếu tôn trọng.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.