VĐV Odekta Elvina Naibaho của Indonesia ngất xỉu ngay ở vạch đích. Ảnh: ANTARA/Muhammad Adimaja. |
Tại nội dung marathon nữ của SEA Games 32 diễn ra sáng 6/5 ở khu vực Angkor Wat, thành phố Siem Reap, VĐV Nguyễn Thị Ninh cán đích trong tình trạng kiệt sức, sốc nhiệt. Cô gái 18 tuổi ngất xỉu và phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhân viên y tế.
Dưới cái nóng khoảng 40 độ C, Nguyễn Thị Ninh không phải VĐV duy nhất gặp vấn đề về sức khỏe. Nhà vô địch marathon nữ SEA Games 32, VĐV Odekta Elvina Naibaho của Indonesia, cũng ngất ngay ở vạch đích. Cô được di chuyển bằng xe lăn, sơ cứu và chuyển lên xe cứu thương nhập viện khẩn cấp.
Còn tại nội dung marathon nam, nhiều VĐV, trong đó có Yang Piseth của chủ nhà Campuchia, đã bỏ cuộc vì thời tiết khắc nghiệt.
Theo Khmer Times, mùa khô nóng ở Campuchia thường kéo dài trong 2,5 tháng, từ giữa tháng 3 đến hết tháng 5. Còn trong năm nay, đỉnh điểm nắng nóng ở Phnom Penh và các tỉnh thành lân cận rơi vào tháng 4, tháng 5.
Không chỉ các VĐV marathon, người chơi của đa số các môn thi đấu ngoài trời ở SEA Games 32 đang gặp thách thức vì cái nóng 40 độ C của Phnom Penh. Để đảm bảo sức khỏe cũng như phong độ thi đấu cho các VĐV, đoàn thể thao của các nước đã đưa ra nhiều khuyến cáo cũng như biện pháp ứng phó.
Nóng và khô
Chưa tới một tuần kể từ khi Rezza Gaznavi đến Campuchia để tham dự SEA Games, nhưng đội trưởng đội cricket Singapore đã bị mất giọng.
Thi đấu và giao tiếp với các đồng đội tại Sân vận động Cricket AZ Group đầy cát dưới cái nóng khủng khiếp và độ ẩm dưới 50% đã khiến cơ thể, sức khỏe của người đàn ông 30 tuổi bị ảnh hưởng.
"Ở đây thực sự rất nóng và khô. Khi chúng tôi chơi trên sân cát, cảm giác nóng hơn rất nhiều so với nhiệt độ bên ngoài. Bạn sẽ mất cân bằng điện giải", anh nói với The Straits Times.
Để hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết, các nhà vật lý trị liệu của đội cricket Singapore đang theo dõi chặt chẽ các VĐV, trộn chất điện giải vào đồ uống và đảm bảo người chơi luôn được cung cấp đủ nước.
Nhiệt độ cao là thách thức đối với các VĐV tại SEA Games 32. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trong khi đó, trưởng đoàn của Malaysia Datuk Mohd Nasir Ali cho biết 914 VĐV và quan chức nước này đã được cảnh báo về thời tiết khắc nghiệt trước khi đặt chân đến Phnom Penh.
"Thời tiết ở Campuchia hiện rất nóng, trung bình khoảng 40°C. Tôi luôn nhắc nhở đội ngũ của mình phải giữ sức khỏe và an toàn trong thời gian này. Chúng tôi không muốn cái nóng và điều kiện khắc nghiệt ở đây ảnh hưởng đến các VĐV", ông Nasir Ali cho biết.
Các VĐV Malaysia đang được theo dõi chặt chẽ và khuyên ở trong nhà nhiều nhất có thể. Điều này là để tránh các triệu chứng như say nắng, một trong những mối quan tâm chính của đoàn thể thao vào lúc này.
Đội trưởng tuyển U22 Azam Azmi cho biết anh uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày. "Mọi người đều biết rằng bạn phải uống nhiều nước hơn khi trời nóng. Tôi rất coi trọng việc bù nước. Ban huấn luyện đội tuyển cũng rất chú trọng điều này".
Thủ môn đội khúc côn cầu trong nhà Hazrul Faiz Ahmad Sobri cho biết: "Chúng tôi may mắn khi thi đấu trong nhà và không phải dành nhiều thời gian ở ngoài trời. Chúng tôi được khuyên chỉ ra ngoài để tập luyện nếu cần thiết, nhưng vẫn phải uống đủ nước".
"Chúng tôi đã khuyên VĐV của mình hạn chế các hoạt động ngoài trời. Họ cũng đang được đội ngũ y tế theo dõi chặt chẽ vì chúng tôi muốn tránh bất kỳ vấn đề nào xảy ra", ông Nasir Ali nói thêm.
Khuyến cáo
Chuyên gia y tế của Viện Thể thao Quốc gia Malaysia (NSI) Mohd Azlan Mohd Amin khuyên các VĐV tránh mặc đồ thể thao bằng cotton trong điều kiện thời tiết hiện tại của SEA Games 32.
"Chúng tôi đã khuyến cáo các VĐV không nên mặc quần áo làm từ chất liệu cotton vì nó thấm rất nhiều mồ hôi và khó thoát ra ngoài".
Tiến sĩ Azlan cho biết áo thi đấu làm từ chất vải polyester là lựa chọn tốt hơn vì có khả năng chống thấm mồ hôi và giúp các VĐV hạ nhiệt.
"Đây là một giải pháp đơn giản để giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt bên cạnh việc giữ đủ nước cho cơ thể".
Quang cảnh làng vận động viên gần Sân vận động Quốc gia Morodok Techo. Ảnh: The Straits Times. |
Ngoài nhiệt độ cao, độ ẩm thấp dưới 50% cũng là vấn đề. Tiến sĩ Azlan cho biết sự kết hợp giữa nhiệt độ cao và độ ẩm thấp khiến các VĐV dễ bị say nắng, phát ban do nhiệt, chuột rút, ngất xỉu và kiệt sức.
"Chúng tôi cũng đã khuyến cáo không chỉ các VĐV, mà cả đội ngũ huấn luyện và quản lý về các dấu hiệu mất nước như mệt mỏi cực độ và không đổ mồ hôi dù tập luyện và thi đấu. Mồ hôi ít là dấu hiệu của mất nước cấp tính. Họ không nên xem nhẹ những dấu hiệu này vì vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng".
Tiến sĩ Azlan cho biết không có VĐV Malaysia nào mắc bệnh liên quan đến nắng nóng ở Phnom Penh, nhưng khuyến cáo mọi người giữ an toàn, đặc biệt là những người thi đấu ngoài trời ở các môn điền kinh, khúc côn cầu, đạp xe đường trường, chèo thuyền, bóng chuyền bãi biển...
"Các VĐV cần uống đủ nước và uống 2-3 cốc nước ít nhất hai giờ trước khi hoạt động và tiếp tục bổ sung thường xuyên nếu các hoạt động kéo dài hơn 60 phút", chuyên gia cho biết.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.