Đó là những câu văn xúc động trong bài viết của học sinh Lê Vũ Anh Thư, đang học lớp 9 trường THPT Ngô Sĩ Liên viết từ khi là học sinh lớp 6. Bài văn được cô giáo cho 9 điểm với lời nhận xét: “Câu chuyện kể về mẹ với tình cảm chân thành xúc động. Hành văn mạch lạc".
Bài văn từ 4 năm trước của Anh Thư. |
Mẹ của Anh Thư là Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Chị Thu Hương cho biết cảm xúc khi đọc bài văn của con: “Rơm rớm, dĩ nhiên rồi và tôi cảm thấy mình may mắn vì có người con hiểu và yêu mẹ”.
Chị Hương chia sẻ: “Câu chuyện hai mẹ con bị tai nạn xảy ra đã để lại ấn tượng trong con. Thời gian khá lâu sau đó tôi gặp cô giáo dạy văn, cô hỏi: “Chị đã đỡ đau chưa?”, tôi mới giật mình vì cô vẫn nhớ chi tiết này qua bài viết của con”.
Học sinh Phạm Vũ Anh Thư. |
Bài văn của em Phạm Vũ Anh Thư như sau:
"Mùa đông lạnh giá đã làm đôi tay tôi lạnh buốt. Mẹ tôi đang đi công tác xa. Nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi lại nhớ những ngày tháng tuy rét nhưng rất vui vẻ và hạnh phúc bên người mẹ thân yêu của mình.
Vào những ngày đó, trong căn nhà nhỏ và ấm áp mà tôi và mẹ ngồi làm việc. Bên chiếc bàn gỗ và ngọn đèn điện, mẹ tôi ngồi chấm bài thi của các anh chị sinh viên ở các tỉnh xa gửi về. Suốt đời, cái nghề chính của mẹ là dạy học. Ngoài ra, vào những lúc rỗi rãi mẹ thường tư vấn cho phụ huynh cách giáo dục con ở nhiều nơi. Mẹ rất tin tưởng rằng tôi là một cô bé ngoan. Tôi rất cảm động khi biết điều đó. Vì có nhiều phụ huynh có con ngoan nhưng lại không tin tưởng vào con của mình.
Mỗi khi nhìn mẹ chấm bài, tôi thấy từng ngón tay tròn tròn của mẹ chữa lỗi sai cho học sinh. Mỗi khi được xem mẹ dạy học, ngồi hàng ghế cuối cùng, tôi thấy dáng hơi đậm của mẹ đang đứng giảng bài cho học sinh thật thân thương và giản dị. Khi đi coi thi, thấy bài làm của học sinh làm đúng như lời dạy, mẹ khẽ gật đầu và vui vẻ. Mỗi khi học sinh làm bài sai, mẹ thường tỏ ra rất lo lắng. Mẹ sửa cho các cô chú ấy rất cẩn thận. Mẹ có đôi mắt rất đặc biệt. Nó to tròn với hai hàng mi cong vút nên mắt mẹ rất đẹp và buồn. Khi tôi đi học về, mẹ chào đón tôi bằng bộ đổ ngủ màu tím quen thuộc. Nhưng khi đi làm vào mùa hè, mẹ thường mặc những chiếc váy đen rất đẹp. Vào mùa đông mẹ hay mặc bộ váy đỏ và sơ mi rất lịch sự và nhẹ nhàng. Khi đi chơi mẹ hay mặc quần bò với áo phông, trông gần gũi và trẻ trung lắm.
Mẹ rất nghiêm khắc với tôi. Khi tôi ngoan mẹ rất hiền và vui tính. Nhưng mẹ cũng hay nóng tính. Tuy vậy mẹ rất cởi mở, vui vẻ và dễ gần.
Mẹ tôi có rất nhiều bạn bè từ Bắc chí Nam, thậm chí có nhiều người từ nước ngoài. Mẹ tôi có rất nhiều học sinh ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nói đến họ hàng thì mẹ có nhiều vô kể, nhiều người đã di cư sang nước ngoài sinh sống.
Tôi rất tự hào về người mẹ yêu quý của mình. Kỷ niệm giữa tôi và mẹ rất nhiều. Nhưng tôi nhớ nhất là một hôm hai mẹ con tôi bị ngã xe máy trên phố Đội Cấn. Mẹ đã nghiêng người ra để đỡ tôi khi xe đổ. Thế nên mẹ bị thương nhiều chỗ. Đến bây giờ khi viết thương chưa khỏi mẹ vẫn phải ăn cháo, đi xe buýt chứ không ăn được cơm và đi xe máy như mọi người.
Vì yêu quý mẹ nên mỗi khi được giao làm văn tả người tôi cũng tả mẹ. Bởi vì đối với tôi, mẹ là người quan trọng nhất. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ vị ngon của từng bát cháo nóng hổi, vị ngọt của từng cốc nước và sự mát mẻ của tấm khăn mẹ lau khi tôi bị ốm. Tôi vẫn nhớ từng bát cơm ngon hay chiếc bánh mẹ làm hằng ngày ở nhà. Nhớ giọng nói nhẹ nhàng mẹ gọi tôi dậy vào mỗi buổi sáng. Nhớ vòng tay yêu thương, ôm tôi vào lòng khi đi học về. Nhớ từng lời hát ru khi tôi còn bé. Nhớ từng lời dạy dỗ khi tôi nhỏ dại. Và nhớ nhất tiếng cười của mẹ khi nhận món quà trên tay tôi hay khi tôi được điểm 10 môn Vật lý.
Tôi hi vọng một ngày nào đó có thể đền đáp công lao chăm sóc tận tình của mẹ. Nhưng khi nghĩ đến câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Tôi biết mình không thể đền đáp hết công lao của cha mẹ đã nuôi dưỡng mình.
Nếu có ai hỏi rằng:
- Trong cuộc đời này cháu yêu ai nhất?
Thì tôi sẽ trả lời ngày:
- Đó là mẹ của cháu”.