Câu 1: Thành ngữ “Áo vải cờ đào” mang ý nghĩa gì?
Theo sách “Đi tìm điển tích thành ngữ”, nghĩa bóng của thành ngữ này là sự nghiệp lớn bắt nguồn từ cái rất bình thường. Một số thành ngữ có nghĩa tương tự “Áo vải cờ đào” gồm: “Áo vải làm nên cờ đào” hay “Nước lã mà vã nên hồ”. |
Câu 2: Hình ảnh “Áo vải cờ đào” gắn liền vị vua nào?
Thành ngữ “Áo vải cờ đào” thường gắn liền hình ảnh vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Theo sách “Lịch sử Việt Nam cổ trung đại”, Nguyễn Huệ vốn xuất thân từ gia đình nông dân thuần túy ở Bình Định, dựng cờ khởi nghĩa, lập nên sự nghiệp đế vương. Từ một người áo vải (nông dân), ông trở thành hoàng đế của một dân tộc. |
Câu 3: Ai từng dùng hình ảnh “Áo vải cờ đào” để khóc thương ông?
Khi vua Quang Trung đột ngột qua đời năm 1792, hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã viết bài thơ “Ai tư vãn” để khóc thương chồng, trong đó bà có dùng câu: "Mà nay áo vải cờ đào / Giúp dân xây dựng xiết bao công trình". |
Câu 4: Vua Quang Trung có họ gốc là…?
Theo sách "Nhà Tây Sơn" và một số tài liệu lịch sử, vua có họ gốc là Hồ. Bố ông là Hồ Phi Phúc, sau mới đổi sang họ Nguyễn. Nguyễn Huệ lúc nhỏ mang tên Hồ Thơm. |
Câu 5: Tổ tiên vua Quang Trung quê ở tỉnh nào?
Theo sách “Nhà Tây Sơn”, tổ tiên của vua Quang Trung vốn người huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ngày nay, sau mới vào sinh sống ở Tây Sơn (Bình Định). Nguyễn Huệ có 3 anh em trai gồm: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Ba anh em ông được người đời suy tôn là “Tây Sơn tam kiệt”. |
Câu 6. Bài võ nào của vua Quang Trung hiện còn lưu truyền?
Theo sách “Võ Nhân Bình Định”, vua Quang Trung để lại cho hậu thế bài võ, hiện còn lưu truyền, là Yến phi quyền. Để sáng tạo bài võ này, vua đã dựa vào các bài Thần đồng, Lão mai, Ngọc trản. Bài Yến phi quyền dùng để nghĩa binh Tây Sơn rèn luyện trong giai đoạn trước khi đưa quân ra Bắc Hà đánh đuổi quân Thanh xâm lược. |
Câu 7. Binh khí từng được vua Quang Trung sử dụng?
Theo sách “Võ Nhân Bình Định”, mỗi khi xung trận, Nguyễn Huệ dùng Ô Long đao, cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi được làm bằng loại kim khí màu đen. Khi đao ra khỏi vỏ, khí lạnh tỏa ra một vùng khá rộng. Thanh đao không có hào quang, chỉ có khí lạnh, rất sắc bén. Cây đao này đã theo vua lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống quân Xiêm (1785), quân Thanh (1789). |