Với nhiều du khách nước ngoài, kỳ nghỉ tại "thiên đường nghỉ dưỡng" Bali đem đến cảm giác như đại dịch chưa từng xuất hiện.
Tại các câu lạc bộ đêm nằm ở bờ biển phía nam, vốn được dân mê lướt sóng và dân du mục kỹ thuật số yêu thích, khách du lịch quốc tế vẫn tụ tập bạn bè, uống rượu thâu đêm mà không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2 m.
Tình trạng du khách nước ngoài tụ tập, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng vẫn diễn ra ở Bali, khiến hình ảnh của hòn đảo thiên đường bị ảnh hưởng. Ảnh: Al Arabiya. |
Quản lý, nhân viên tại các tụ điểm này chỉ tiến hành đo thân nhiệt, rồi để khách hàng mặc sức tiệc tùng với một điều kiện: không được đăng ảnh check-in lên mạng xã hội, theo SCMP.
Trong khi đó, các nhà chức trách Bali đang nỗ lực tìm cách đảm bảo mọi người trên đảo chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng dịch.
Tình trạng trên cho thấy chính quyền nơi này đang chật vật để vừa giữ chân du khách quốc tế bằng môi trường tự do, vừa cố gắng ngăn dịch bệnh lan rộng.
Khó quản lý du khách
Theo SCMP, du lịch chiếm 53% nền kinh tế của Bali, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động trước đại dịch.
Do ảnh hưởng từ Covid-19, hòn đảo này chỉ tiếp đón khoảng 1 triệu du khách vào năm 2020, giảm 83% so với năm 2019. Kết quả, nền kinh tế Bali năm đó sụt giảm 12%, và 9% trong quý đầu năm 2021.
Ông Putu Aswata, người đứng đầu Cơ quan Du lịch Bali, trả lời SCMP rằng với các nhà chức trách Bali, việc thực thi các biện pháp phòng dịch với người nước ngoài là thách thức lớn.
Gần đây, cảnh sát địa phương có thêm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cá nhân không đeo khẩu trang khi đi xe máy. Du khách có thể bị phạt 70 USD, trong khi dân bản xứ chỉ cần nộp 7 USD.
Du khách nước ngoài bị phạt nặng gấp 10 lần cư dân bản địa nếu không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ảnh: ABC. |
Kể từ khi tiến hành, ông Dewwa Nyoman Rai Darmadi, người đứng đầu cơ quan Thực thi trật tự công cộng Bali, tuyên bố gần 500 người nước ngoài và khoảng 20.000 cư dân địa phương đã bị xử phạt vì lỗi trên.
"Nhiều du khách quốc tế, nhất là quanh khu vực Cangu, phớt lờ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, duy trì trật tự trị an ở các địa điểm đó, thậm chí phải trục xuất một số người vi phạm", ông Putu nói.
Ông Jamaruli Manihuruk, người đứng đầu văn phòng khu vực Bộ Luật pháp và Nhân quyền Bali, cho biết khoảng 198 khách du lịch quốc tế đã bị trục xuất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Điển hình nhất, YouTuber người Nga Leia "Lisha" Se đã bị trục xuất do thực hiện một đoạn video, trong đó Se vẽ khẩu trang lên mặt trước khi cô bước vào siêu thị ở khu vực Badung.
"Với trường hợp Leia Se, cô ấy đã vi phạm nghiêm trọng các quy định phòng chống Covid-19, phá hủy danh tiếng của hòn đảo. Tôi mong đây sẽ là bài học cho tất cả du khách về việc tuân thủ luật pháp", ông Putu nói.
Tháng 4/2021, YouTuber Josh Paler Lin và Leia "Lisha" Se bị trục xuất khỏi Bali vì vẽ một chiếc khẩu trang lên mặt và ngang nhiên tiến vào siêu thị. Ảnh: Chụp từ video. |
Khi được hỏi về tình trạng tụ tập đông người tại các câu lạc bộ đêm, điểm tham quan công cộng ở phía nam hòn đảo, ông Dewa khẳng định: "Những địa điểm này nhìn có vẻ đông đúc, nhưng chúng không vượt quá 50% tổng sức chứa cho phép".
Người đứng đầu cơ quan Thực thi trật tự công cộng Bali nói thêm: "Việc du khách không đeo khẩu trang không phải vấn đề lớn bởi họ đã được kiểm tra sàng lọc trước khi nhập cảnh. Nền kinh tế du lịch có thể diễn ra bình thường cùng với việc thực hiện quy định phòng dịch. Chúng ta cần cân bằng mọi thứ".
Mong thu hút du khách nội địa
Trước đó, Thống đốc Bali Wayan Koster đặt mục tiêu tiêm vaccine cho khoảng 2,8 triệu dân trên đảo tới ngày 30/6 để hòn đảo thiên đường có thể mở rộng cửa đón du khách nước ngoài vào tháng 7.
Ngoài ra, những người nước ngoài ở lại Bali giữa Covid-19 cũng được cấp giấy phép lưu trú tạm thời để tham gia chương trình tiêm chủng cộng đồng.
Tính tới ngày 23/5, gần 1,4 triệu người Bali đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, theo ông Putu. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, để cứu vãn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của Bali, chính quyền Jakarta đưa ra nhiều sáng kiến, trong đó có việc cử 8.000 công chức tới làm việc từ xa trên đảo và tạo ra một loại thị thực đặc biệt cho dân du mục kỹ thuật số.
"Lĩnh vực du lịch của Bali có vai trò chiến lược trong nền kinh tế quốc gia. Do đó, ý tưởng làm việc từ xa trên đảo cho thấy chính phủ đang dành sự quan tâm đúng đắn tới người dân địa phương", ông Putu nói.
Ông hy vọng rằng sáng kiến này sẽ thúc đẩy nền kinh tế, ít nhất là cho tới khi biên giới giữa các quốc gia được mở cửa trở lại.
"Khách du lịch lưu trú rất quan trọng với kinh tế Bali. Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được khách du lịch trong nước, những người vốn có xu hướng nghỉ dưỡng ở nước ngoài".