Cách đây 2 năm, nhiều du khách kéo đến Bali đến nỗi những ngôi làng trên hòn đảo này luôn trong tình trạng tắc cứng. Từng đợt thủy triều kéo theo rác thải nhựa lên bờ biển.
Trên một đoạn đường phổ biến, một cuộc xây dựng kéo dài thập kỷ đã tăng gấp 3 lần số lượng phòng khách sạn lên tới 75.000 phòng. Người dân địa phương trở nên giàu có hơn, nhưng nhiều người đã chán ngấy khung cảnh này, theo Wall Street Journal.
Thế nhưng, du khách nước ngoài hiện không còn là nỗi lo của Bali. Theo thống kê từ văn phòng chính quyền, chỉ 43 du khách nước ngoài đến hòn đảo này trong vòng 9 tháng đầu năm nay, giảm mạnh so với mức 6,3 triệu người trong năm 2019.
Tương tự Bali, những địa danh vốn quá tải khách du lịch trước Covid-19 lại đang phải đối mặt với thực tế rằng ngành công nghiệp du lịch có thể không phục hồi trong nhiều năm.
Cảnh vắng vẻ ở Bali hồi giữa tháng 10. Ảnh: EPA-EFE/Shutterstock. |
Sự đe dọa của biến chủng mới
Giữa tháng 10, Indonesia đã mở cửa trở lại và chào đón du khách đến từ một số quốc gia cố định. Tuy nhiên, nước này yêu cầu khách du lịch phải cách ly trả phí trong vòng 5 ngày, sau đó giảm xuống còn 3 ngày.
Ngoài ra, theo hạn chế Covid-19 trước đây, Bali chỉ cho phép một số hành khách thuộc danh mục cụ thể nhập cảnh, chẳng hạn các nhà ngoại giao và nhân viên y tế.
Theo người phát ngôn của sân bay quốc tế Bali, 43 du khách nước ngoài nhập cảnh trong tháng 9 sử dụng các loại visa khác nhau. Không có chuyến bay quốc tế nào đến hòn đảo này kể từ khi Bali mở cửa trở lại.
Biến chủng Omicron thậm chí còn khiến việc mở cửa của Bali thận trọng hơn. Hiện Indonesia tăng thời gian cách ly đối với du khách nước ngoài lên 7 ngày.
Trong một tuyên bố hôm 27/11, Thống đốc Bali Wayan Koster cho biết chính quyền vẫn cảnh giác về sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới, và tình hình dịch bệnh nước ngoài “chắc chắn sẽ tác động đến nỗ lực phục hồi ngành du lịch” của Bali.
Không thiết tha du khách
Giảm lượng khách du lịch là điều mà nhiều người dân sinh sống tại địa danh nổi tiếng mong muốn. Trước đại dịch, nhiều cuộc biểu tình chống du lịch đã lan rộng khắp thế giới, kể cả Venice (Italy) hay New Zealand.
Khung cảnh trái ngược tại đền Pura Penataran Agung Lempuyang năm 2019 và năm 2021. Ảnh: SOPA Images, WSJ. |
Tại Bali, những người dân địa phương lo lắng rằng người ngoại quốc và người Indonesia giàu có đang đổ xô đến hòn đảo để xây các khu nghỉ dưỡng.
Một số cuộc biểu tình phản đối kế hoạch phát triển khu nghỉ dưỡng tại khu vực vịnh được người dân địa phương cho là thiêng liêng, bao gồm các đảo nhân tạo, công viên nước và một con đường thu phí, đã nổ ra.
Ngoài ra, họ chán ngấy cảnh giao thông ùn tắc và đám đông du khách say xỉn trên các bãi biển vào ban đêm. Trong 2 thập kỷ, số phương tiện giao thông ở Bali đã tăng gấp 5 lần, lên 4,5 triệu chiếc.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu do chính phủ Na Uy tài trợ, mỗi ngày khách du lịch ở Bali tạo ra lượng rác thải gấp nhiều lần cư dân địa phương, với 36.000 tấn rác thải nhựa tràn vào tuyến đường thủy thông ra sông và đại dương mỗi năm.
Chính phủ Bali ban bố tình trạng “khẩn cấp về rác thải” và đã thông qua các quy định nhằm giảm thiểu rác thải.
Cuối năm 2019, tạp chí du lịch của Anh Fodor’s đã thêm hòn đảo Bali vào danh sách không nên ghé thăm vì tình trạng quá tải khách du lịch. Tháng 4/2020, Indonesia đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Mất việc làm
Tuy nhiên, đối với hàng triệu người phụ thuộc vào du lịch để kiếm sống, sự suy thoái đang gây tổn hại.
Trong số 62 triệu việc làm du lịch trên toàn cầu bị mất vào năm ngoái, Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới, có trụ sở tại Vương quốc Anh, dự đoán chỉ khoảng 2 triệu người sẽ quay trở lại ngành nghề trong năm nay.
Cảnh vắng lặng trước tại một quán bar ở Bali vào tháng 11. Ảnh: WSJ. |
Ở Bali, rất ít hình thức kinh doanh khác có thể thay thế du lịch. Từ những năm 1990, du lịch đã làm thay đổi hòn đảo nông nghiệp nghèo nàn với những cánh đồng lúa bạt ngàn, bãi biển hoang sơ và nền văn hóa Hindu độc đáo.
Từ năm 2000-2019, thống kê từ chính phủ cho thấy du khách quốc tế ghé thăm hòn đảo khoảng 4 triệu dân đã tăng gấp 4 lần, lên 6,3 triệu người. Ngành du lịch cũng chiếm hơn 50% nền kinh tế Bali. Thế nhưng, ít nhất 700.000 lao động bị mất việc làm hoặc giảm giờ làm do đại dịch.
Gus Dark (38 tuổi), một nghệ sĩ người Bali, thường sáng tác tranh nhằm phản đối sự phát triển bừa bãi, thiếu quy hoạch trên hòn đảo và những du khách quốc tế kiêu ngạo.
Song, anh gặp nhiều khó khăn trong đại dịch. Một phần thu nhập của anh đến từ công việc quảng cáo cho các khách sạn và nhà hàng.
“Đây là bài học cho tất cả. Chúng tôi không thể phụ thuộc quá nhiều vào du lịch”, anh nói.
Lối đi mới
Ưu tiên của Bali hiện là thu hút khách du lịch, theo Ketut Purna, một doanh nhân 55 tuổi người Bali. Ông cho biết Bali đã vượt qua nhiều khó khăn, bao gồm vụ khủng bố vào những năm 2000, nhưng chưa sự kiện nào gây ảnh hưởng như đại dịch.
Ông Purna phải đóng cửa vĩnh viễn một trong những spa của mình, đồng thời bán ôtô và đất đai để giải quyết các khoản nợ. Ông chỉ đủ khả năng trả lương cho 9 trong số 300 nhân viên của mình.
“Tôi cảm thấy buồn cho các nhân viên của mình. Tôi không có khả năng giúp họ”, ông nói.
Các doanh nghiệp Bali đã cố gắng bù lỗ bằng cách phục vụ du khách trong nước nhiều hơn. Một số khách sạn cung cấp dịch vụ lưu trú giảm giá cho những người Indonesia muốn làm việc trên bãi biển.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của chính phủ, công suất khách sạn chưa đến 10% vào tháng 9. Ngoài ra, nền kinh tế Bali giảm 9,3% vào năm 2020, so với mức giảm tổng thể là 2% của Indonesia. Hơn 30.000 người đã rơi vào cảnh nghèo đói.
Dự kiến, tình hình kinh tế Bali sẽ tiếp tục giảm trong quý 3 năm nay.
Bãi biển tại Bali chật kín du khách quốc tế trước đại dịch. Ảnh: Agung Parameswara. |
Cuối tháng 10, Thống đốc Bali đã đưa ra tuyên ngôn kêu gọi một kỷ nguyên mới trên hòn đảo này. Trong đó, Bali sẽ ít phụ thuộc hơn vào du lịch và mở rộng nông nghiệp, đánh bắt cá và các ngành công nghiệp khác.
Ông cho biết sự xuất hiện của Covid-19 đã tạo động lực để mình thực hiện tái thiết lập nền kinh tế Bali, khiến nó trở nên cân bằng hơn.
Giảm tầm quan trọng của ngành du lịch đã đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với Indonesia. Trước đại dịch, Tổng thống Joko Widodo đã vạch ra kế hoạch tạo ra “10 Bali mới” nhằm tận dụng tiềm năng du lịch của các hòn đảo khác và những con rồng Komodo để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Dewa Komang Yudi Astara (35 tuổi), một trưởng làng ở phía bắc đảo Bali, cho biết việc tuyển dụng thêm người làm nông sẽ rất khó khăn.
Hàng trăm gia đình đã quay trở lại làng của anh khi đại dịch bùng phát và khiến du lịch sụp đổ. Tuy nhiên, chỉ số ít người ở lại làm nông dân. Hầu hết vẫn quay trở lại cố gắng làm việc trong lĩnh vực xây dựng hoặc phục vụ khách du lịch trong nước.